Băn khoăn chọn lối vào đời

Cập nhật, 05:10, Thứ Tư, 01/03/2017 (GMT+7)

Mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ đến, lại nghe râm ran câu chuyện chọn ngành nghề. Tại các buổi tư vấn thường có khoảng 50% học sinh (HS) lớp 12 chưa biết chọn ngành nào, trường nào?

Chỉ còn vài tháng nữa các em sẽ phải trải qua kỳ thi quan trọng nhất của đời người: kỳ thi THPT quốc gia. Song, không ít các bạn trẻ 18 tuổi- lứa tuổi sắp vào đời- vẫn chưa xác định được hướng đi của cuộc đời mình.

Học sinh cần mạnh dạn hỏi khi tham gia tư vấn.
Học sinh cần mạnh dạn hỏi khi tham gia tư vấn.

Chưa biết chọn ngành gì

Có mặt ở các ngày hội tư vấn- tuyển sinh hướng nghiệp, chúng tôi cảm thấy vui vì HS được tạo điều kiện nhiều hơn, tư vấn nhiều hơn về chọn ngành, nghề cho tương lai, song lại cảm thấy thất vọng bởi không ít HS lại không mặn mà tìm hiểu thông tin hướng nghiệp.

Có em chỉ chăm chú vào điện thoại hoặc đi xung quanh tìm góc chụp ảnh “tự sướng”. Cầm trên tay một xấp giấy dày cộp là câu hỏi của HS, một chuyên viên Sở GD- ĐT Vĩnh Long thở dài: “Chúng tôi phải đọc trước để lọc câu hỏi vì không ít câu “ông này cắm cằm bà kia”- kiểu hỏi trường này nhưng ngành nghề trường khác. Rồi nhiều HS đặt câu hỏi tương tự: “Em chưa biết mình phù hợp với ngành nghề nào...”.

HS Sơn Thị Hồng Giàu- Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh- đang chăm chú nghe tư vấn nhưng vẫn chưa chọn được ngành.

Giàu cười bẽn lẽn: “Em chọn bài thi xã hội nhưng mà chưa có biết chọn ngành gì nữa, em đợi đi tư vấn 2 đợt nữa mới chọn luôn”.

Cha mẹ Giàu là nông dân, cũng không biết đến nhiều ngành nghề, nên giao con toàn quyền quyết định, Giàu cũng chưa hiểu về năng lực bản thân nên đang trong tình trạng “rối bời”.

Có rất nhiều câu hỏi như nhau, thậm chí học sinh này mới hỏi thì học sinh khác lại đứng lên hỏi lại câu đó làm cả phòng tư vấn cười ầm.

Cười vì học sinh không chú ý lắng nghe, cười vì các em chỉ “hỏi cho có hỏi”… Một số HS khác thì chọn ngành là chọn “cho cha mẹ” và cũng chưa tự tin vào bản thân mình.

Em Thanh Tâm ở TP Vĩnh Long băn khoăn “muốn học ngành du lịch” nhưng ba mẹ không cho “vì em là con gái, sợ theo ngành này đi khắp nơi, cực lắm”.

Học cho ai, ai học?

Suốt 12 năm liền là học sinh giỏi, song T.T.Q.N. cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn ngành. Mẹ nói N. nên thi ngành kinh tế hay ngoại thương để dễ kiếm tiền và có việc.

Những ngành này đòi hỏi sự nhạy bén, nhanh nhẹn, thông minh, giỏi giao tiếp, nhưng N. thấy mình không giỏi về cái này.

Ba thì nói nên học ngành y vì công việc cũng dễ kiếm tiền nhưng em sợ mình không đủ kiến thức, kỹ năng, sự kiên nhẫn. Vì N. học đều các môn chứ không thật sự xuất sắc môn nào cả, nên thật sự không biết chọn ngành gì.

“Bản thân vừa thích cả ngành y lẫn ngành kinh tế, ngoại thương, chỉ là thích thích vậy thôi chứ em chưa hỏi rõ về các ngành lắm.

Em thật sự rất lo, sợ mình sau này không có việc làm và chỉ tốn tiền của ba mẹ thôi. Ba mẹ em chỉ là người buôn bán bình thường, nhưng luôn tạo điều kiện cho em học thật tốt. Em sợ sẽ phụ lòng ba mẹ”- N. tâm sự.

Bạn Nguyễn Quốc Thái- cựu sinh viên Trường ĐH Cần Thơ học ngành trồng trọt- cũng từng là sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Quốc Thái chọn ngành theo bạn bè vì cũng chưa biết mình thích ngành gì. Đến năm thứ 2, Thái không nạp được kiến thức đang học và quyết định thôi học.

Hành trình ôn luyện và thi lại, Thái chọn ngành trồng trọt. Thái nói: “Lúc đó tôi mới biết mình thích học nông nghiệp, yêu cây cối và gia đình tôi cũng đang kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”.

Cũng có nhiều HS xác định được năng lực của mình và tự tin với mọi lựa chọn. Trong khi nhiều bạn trong trường chọn ĐH thì em Nguyễn Cẩm Thư- HS Trường THPT Hòa Bình (Trà Ôn)- lại chọn hệ CĐ ngành kinh tế đối ngoại.

Cẩm Thư cười: “Em thấy năng lực mình tới đó. Em sẽ cố gắng học thật tốt và hy vọng sẽ tìm được việc làm sau khi ra trường”.

Muốn chọn đúng ngành nghề theo khả năng, đúng sở thích thì phải trải qua một quá trình nghiên cứu, nghiền ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ theo đuổi mãi sau này.

HS phải hiểu được chính mình. Phải tự đặt câu hỏi cho mình và tự trả lời: mình có năng khiếu gì đặc biệt, có năng lực gì nổi trội? Nếu vào học ngành đó mình sẽ gặp thuận lợi gì, khó khăn gì?

Bên cạnh đó, HS cũng không thể chỉ dựa vào thông tin tư vấn một chiều, mà phải có sự tư vấn đa chiều để có thể phân tích, tổng hợp. Ngành nào cũng quý nhưng điều quan trọng là ngành đó có phù hợp với khả năng học tập, khả năng tài chính của gia đình hay không.

Vào thời khắc quan trọng- chọn ngành học, chọn trường đại học, nhiều bậc cha mẹ lại “phớt lờ” đam mê, sở thích và thường ép con học những ngành nghề mà… cha mẹ thích.

Việc này không chỉ dập tắt đam mê, khát vọng tương lai của các em mà còn đẩy những giấc mơ nghề nghiệp bị lạc hướng, bị nhào nặn theo ý cha mẹ. Từ đó, đẩy không ít bạn trẻ vào vòng lẩn quẩn, thậm chí phải trả giá khá đắt để làm lại từ đầu.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên- Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh vừa nói vui vừa khuyên: “Các em nên xác định năng lực bản thân và chọn ngành thích hợp. Thầy thấy nhiều trường hợp chọn ngành theo “gấu” (bạn gái) để đi học có đôi. Kết quả là “gấu” ra trường, mình còn ở lại”.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên HS nên trả lời những câu hỏi trắc nghiệm xem thử mức độ phù hợp với ngành nghề của mình, công việc mình yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp có thể làm, ngành học nào hấp dẫn mình và vì sao? Tìm hiểu thông tin về trường đào tạo ngành mà mình dự định theo học. Nếu chương trình đào tạo vượt quá sức học của bản thân, khả năng đậu thấp, HS có thể chọn những bậc đào tạo thấp hơn, phù hợp năng lực bản thân. Bên cạnh đó, việc tham khảo những người xung quanh đã trải qua nghề nghiệp trong tương lai cũng được cho là thiết thực.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN