Quầy quần áo miễn phí: Ấm áp tình người

Cập nhật, 05:00, Thứ Sáu, 09/09/2016 (GMT+7)

“Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy” là dòng chữ chân tình được treo trước quầy đồ miễn phí của anh Nguyễn Thành Phương (phường An Khánh, Ninh Kiều- TP Cần Thơ). Chủ quầy chia sẻ: “Điểm quần áo này nhằm san sẻ khó khăn đối với người nghèo để họ không phải lo thiếu quần áo mặc nữa”.

Niềm vui của người nhận và người cho đồ.
Niềm vui của người nhận và người cho đồ.

Qua lời kể của một người bạn ở Cần Thơ, tôi quyết định tìm gặp anh Nguyễn Thành Phương để hiểu thêm về “tình người” chốn phồn hoa đô hội này.

Trước nhà số 60 đường Nguyễn Tri Phương là 4 chiếc bàn được kê ngay ngắn, vài sào quần áo cùng băng rôn “Quầy đồ miễn phí cho người nghèo”. Bên trong là phòng khách chứa cả “kho” đồ gồm quần áo, sách vở...

Đang tất bật sắp xếp lại mớ đồ vừa nhận được, anh cho biết quầy phục vụ quần áo miễn phí này “mọc” lên hồi tháng 7. Từ đó đến nay, 6 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày anh lại bận túi bụi với công việc “nhận và cho” ngay tại nhà mình.

Quần áo ở đây “cũ có, mới có” cùng các loại, tập vở, sách giáo khoa đã qua sử dụng được các nhà hảo tâm ủng hộ.

Người lấm tấm mồ hôi, anh nói: “Ý tưởng mở quầy đồ miễn phí được ấp ủ lâu rồi. Khi xem bài báo viết về hai mẹ con ở nước ngoài gom áo ấm cũ cho người vô gia cư rồi đến Quảng Ngãi có quầy hàng miễn phí, anh thấy hay và thực hiện.

“Những người bán vé số, hàng rong, ve chai không có điều kiện mua quần áo để mặc, trong khi những gia đình khá hơn thì thường bỏ đi những thứ còn tốt. Thế là tôi đã mở quầy hàng tại nhà mình và làm cầu nối giữa người cho và người nhận”- anh Phương kể.

Ban đầu là người quen ủng hộ nguồn hàng, sau anh chia sẻ lên mạng xã hội để kêu gọi bạn bè, Mạnh thường quân. Tiếng lành đồn xa nên quầy quần áo của anh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, không chỉ của người dân nơi đây mà còn ở tận TP Hồ Chí Minh, Cà Mau...

Mỗi ngày, số người cho cứ tăng lên và số người nhận cũng nhiều hơn. Chủ quầy dù làm “công không” nhưng rất phấn khởi. Trò chuyện với anh chưa đến 15 phút đã có 3 nhà hảo tâm lỉnh khỉnh mang quần áo đến.

Tận tay trao túi đồ cho anh, chị Nguyễn Thị Trang (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) phấn khởi nói: “Trước đây, tôi cũng hay đem quần áo cho người nghèo nhưng là không biết người ta có sử dụng được không.

Nhưng tại quầy này, người cần có thể chọn những gì phù hợp và dùng được”. Lần đầu góp quần áo, bạn Nguyễn Thị Cẩm Tiên- Trường CĐ Cần Thơ cho rằng: “Việc làm của anh thiết thực quá nên sinh viên tụi em cũng ủng hộ, giúp được ai thì giúp”.

Sau khi gửi lời “cảm ơn” đến nhà hảo tâm, anh cũng không quên nhắn nhủ: “Nếu lần sau chị không có điều kiện mang đến thì cứ gọi em, em sẽ chạy xe đến nhận về liền”.

Tại đây, chúng tôi cảm nhận được dù người đến cho hay nhận đều có được niềm vui. Người hạnh phúc khi được chia sẻ những khó khăn của người khác, còn người nhận thì mừng rỡ, phấn khởi.

Chị Lê Thị Phượng Hồng (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài) cho biết: “Có quầy quần áo từ thiện này những người “cần” quần áo như chúng tôi vui lắm”.

Có thể những bộ quần áo đã qua sử dụng không còn mới nhưng nó lại rất quý đối với những người lao động nghèo. Vợ chồng chú Trần Bá Tuế ở Vĩnh Long qua tận đây để xin quần áo.

“Tui mần ruộng, còn vợ thì bán vé số, cuộc sống còn khổ cực lắm. Nghe nói có chỗ cho đồ tui mừng quá, qua xin vài bộ cho cả nhà xài”- chú nói.

Những ngày qua, anh Phương còn kêu gọi bạn bè, các nhóm thiện nguyện quyên góp ủng hộ quần áo, giày dép, tập sách, bút viết để tiếp sức cho học sinh nghèo. Khi có hàng, anh tự chở đến các điểm trường học để tặng các em.

Với anh, càng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn thì càng vui. Bởi “niềm vui của họ cũng chính là niềm hạnh phúc của mình mà”- anh bộc bạch.

Chia tay chúng tôi, anh cũng bắt đầu khởi hành chuyến xe “đong đầy niềm vui” đến cho các em ở Trường Tiểu học Long Hòa 2 (quận Bình Thủy- TP Cần Thơ).

Với việc làm nghĩa tình mang đậm chất nhân văn ấy, anh đã phần nào chia sẻ và làm vơi đi gánh nặng cuộc sống cho những lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng những cử chỉ tốt đẹp của anh Phương sẽ được lan tỏa và nhân rộng.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ