Đừng cho trẻ phụ thuộc vào smartphone

Cập nhật, 05:34, Thứ Năm, 25/02/2016 (GMT+7)

Ngày nay, hình ảnh những đứa trẻ dán mắt chú ý vào màn hình điện thoại thông minh (smartphone) hay máy tính bảng đã trở nên rất phổ biến và quen thuộc.

Tăng cường các hoạt động ngoài trời rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Tăng cường các hoạt động ngoài trời rất tốt cho sự phát triển của trẻ.

Cần lưu ý, khi trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ từ sớm và thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Tạo thói quen nghiện smartphone cho trẻ

Nhiều đứa trẻ chỉ mới 2- 3 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ, nhưng lại thiếu đi các kỹ năng cơ bản của cuộc sống. Nhiều phụ huynh thường dùng smartphone và máy tính bảng như một cách để dỗ dành trẻ khi chúng đang quấy khóc và phá phách. Có người còn lấy điện thoại, máy tính bảng cho con làm phần thưởng khi đạt được kết quả tốt trong học tập.

Chị H.P (TP Vĩnh Long) được một phen phát hoảng khi bữa nọ cầm chiếc iPad lên và thấy những đoạn clip không lành mạnh được tải xuống máy. Chị nổi giận lôi cậu con trai 7 tuổi của mình ra tra hỏi vì thằng bé thường xuyên “ôm” cái iPad chơi- đây là phần thưởng của chị khi bé đạt học sinh giỏi. Thằng bé mếu máo trả lời rằng thấy trên mạng rồi hiếu kỳ tải xuống máy. Chị H.P la mắng, đánh con một trận và sợ hãi quản lý luôn cái iPad.

Vợ chồng chị K.M cũng đang đau đầu không biết làm sao để 2 đứa con họ bỏ smartphone. Vì đi làm về nhà còn đủ thứ việc nhà rồi nấu nướng, giặt giũ, nên chị K.M cứ thảy chiếc điện thoại và máy tính bảng cho con chơi để chúng không phá phách, chọc ghẹo nhau khóc la um sùm. Riết thành ghiền, đi học về là chúng đòi điện thoại chơi. Tuy chị biết là có hại cho sự phát triển của trẻ nhưng chưa biết cách nào để “cai” cho con.

Trẻ nghiện smartphone cũng từ người lớn, khi đó các ông bố bà mẹ lại đau đầu không biết phải cấm con sử dụng như thế nào. Bởi trẻ có thể có những phản ứng dữ dội và la khóc. Mà nếu để con sử dụng suốt thời gian dài thì rất có hại cho sức khỏe, khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ và hạn chế khả năng giao tiếp.

Làm sao để “cai” smartphone cho con?

Theo nhiều nghiên cứu, smartphone và máy tính bảng làm ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của trẻ em vì nó làm xao nhãng sự chú ý của chúng. Video và trò chơi trực tuyến cũng làm hạn chế sự sáng tạo và trí tưởng tượng mới chớm nở của trẻ và làm chậm sự phát triển của giác quan vận động và thị giác.

Trẻ em đang dành quá nhiều thời gian để giao tiếp thông qua các thiết bị công nghệ mà không phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản của con người. Học tập những kỹ năng cộng đồng là một yếu tố cần thiết để tạo nên thành công cho một đứa trẻ, tuy nhiên nếu nghiện smartphone và máy tính bảng, trẻ em sẽ không còn hứng thú với việc học tập các kỹ năng ấy. Ngoài ra, ánh sáng phát ra từ màn hình ức chế hoóc môn gây buồn ngủ và làm thay đổi chu kỳ ngủ, thức tự nhiên của cơ thể, khiến trẻ khó ngủ. Nếu một đứa trẻ bị nghiện smartphone hay nghiện game thì chúng không chịu di chuyển, hoạt động thể chất bị hạn chế nên sẽ làm tăng cân. Trẻ em dùng một thiết bị công nghệ trong phòng ngủ sẽ tăng 30% khả năng mắc các bệnh béo phì, sau đó dễ bị bệnh tiểu đường, có nguy cơ đột quỵ cao và đau tim.

Về mặt khoa học, mới đây, các nhà khoa học và bác sĩ về ung thư của nhiều quốc gia đã đưa ra lời kêu gọi đối với các bậc phụ huynh rằng “Không nên cho trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng điện thoại di động vì bộ não của trẻ em ở tuổi này vẫn còn đang trong quá trình phát triển nên dễ bị tổn thương bởi các tia bức xạ của điện thoại di động”. 

Vậy làm sao để “cai” điện thoại cho con? Trước tiên là cha mẹ phải làm gương bằng cách tự hạn chế sử dụng smartphone trong gia đình, nên dành thời gian gần gũi con, trò chuyện và đọc sách cho con nghe để giúp bé nâng cao vốn từ, tăng cường khả năng giao tiếp. Nghiêm khắc quản lý giờ giấc sử dụng smartphone của con, cho dù có bận rộn mấy cũng phải kiên trì, không nên trao điện thoại cho con để tiện làm việc. Ngoài giờ ăn ngủ, học tập ra cha mẹ nên khuyến khích con tập luyện thể dục thể thao, chơi các trò chơi lành mạnh bổ ích, kích thích trí thông minh như cờ vua, xếp hình, cắt dán, tô màu,…

Phải dành thời gian cho trẻ dù cha mẹ có bận rộn như thế nào, nên sắp xếp đưa con đi chơi ngoài trời vào cuối tuần để bé được tăng cường tiếp xúc với thiên nhiên, khám phá và tìm hiểu thế giới thực xung quanh, hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường lớp cùng bạn bè, kích thích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng. Việc cho trẻ vận động và giao tiếp nhiều sẽ khiến chúng quên dần những chiếc điện thoại và máy tính bảng.

Theo thống kê hiện nay, cứ 10 phụ huynh thì 7 người cho con dùng các thiết bị công nghệ. Trẻ em Việt Nam dưới 6 tuổi ở thành thị đã tiếp cận sớm và thường xuyên với các thiết bị số. Đa số trẻ sử dụng từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày và phụ huynh đang có khuynh hướng dùng các thiết bị số để dỗ trẻ ngồi yên, không làm phiền người lớn.

Bài, ảnh: HẢI YẾN