Hát ru trong "Tết quê" ở một trường tiểu học

Cập nhật, 05:30, Thứ Năm, 25/02/2016 (GMT+7)

“Tết quê” tại Trường Tiểu học Hựu Thành B (Trà Ôn) có một chương trình đặc biệt hơn những năm qua. Đó là trước phần trao quà “Bát gạo nghĩa tình” và hoạt động trò chơi dân gian cùng ẩm thực tự chọn là hội thi những bài hát ru do phụ huynh là các bà ngoại, nội và mẹ học sinh cùng tham gia.

Một tiết mục hát ru trong chương trình
Một tiết mục hát ru trong chương trình "Tết quê" ở Trường Tiểu học Hựu Thành B.

Hơn 200 học sinh và gần 100 đại biểu từ Sở GD- ĐT Vĩnh Long, một số Mạnh thường quân thường xuyên cùng Trường Tiểu học Hòa Tân (Cầu Kè- Trà Vinh) đã lắng đọng để hồi tưởng lại cảnh ấu thơ của mình theo lời hát ru qua 8 tiết mục tham gia.

Mẹ của bé Mai Anh đang học lớp 1/1, với chiếc áo bà ba màu tím đã “Ầu ơ … ví dầu cầu ván đóng đinh…” rồi tiếp tục với “Gió mùa thu… mẹ ru (mà) con ngủ” cùng với tay đưa võng đã gợi cho cử tọa hình ảnh của mình, của mẹ mình mà bấy lâu nay ít có cơ hội hồi nhớ. Còn mẹ của em Bảo Thi- lớp 1/1 đã bồng con đưa lên võng và “… gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại…”, vừa dứt giọng ngân thì “Con ơi, con ngủ…”.

Xúc động nhất, lôi kéo mọi người hướng về mẹ của Bảo Thi là vì “tay lựa thóc trong thau, tay đưa võng cho con ngủ” đúng với tính chất Mẹ Việt Nam tảo tần, hết lòng hết dạ nuôi dạy con. Mẹ của bé Kim Loan- lớp 1/2 đã cất lên bài hát ru con “Gió mùa thu” và thêm “Chí làm trai…” nói lên nỗi lòng người vợ, người mẹ; nói lên tâm sự riêng tư người phụ nữ thời xưa.

Mọi người cùng ồ lên khi bà ngoại của bé Thúy Vy, tay bồng cháu đặt vào võng rồi “Ầu ơ!... “các câu ca dao quen thuộc và xen kẽ hát các bản vắn của cải lương Nam Bộ mà các CLB đờn ca tài tử hay hát. Mọi người hướng mắt theo khi bà rời sân khấu (chỉ là một mảnh vải 6m2 căng trên nền gạch) xốc cháu ngoại “gọn hơ” đi thẳng về chỗ ngồi của con gái mình với nụ cười thoải mái, thỏa mãn cho tiết mục vừa
trình bày.

Sau 2 bài nhạc âm hưởng ru con dân gian của mẹ bé Ngọc Hân- lớp 3/1 và mẹ của bé Gia Hân- lớp 3/1 lại xuất hiện của bà nội em Thanh Nhật- lớp 5/2 với bài hát ru Nam Bộ. Chương trình khép lại với giọng hát ru con "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra...” và tiếp theo là “Trâu ơi, ta bảo trâu này...” của mẹ cháu Phượng Vy- lớp 5/2.

Cũng là sự chân chất, mộc mạc của người phụ nữ quê, giọng hò, giọng hát ru ấm ngọt kèm theo những động tác xoay nhìn, vuốt tóc cháu nằm trong võng, 8 tiết mục dự thi hát ru con Nam Bộ đã làm nên nội dung đầu tiên của một “Tết quê” ở Trường Tiểu học Hựu Thành B.

Có lẽ đây là hoạt động mà đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian địa phương tỉnh Vĩnh Long” do Thạc sĩ Âu Thị Thu Nguyệt- Thanh tra Sở GD- ĐT làm Chủ nhiệm mong đợi. Nếu sưu tầm, nghiên cứu như biết bao đề án khác mà chưa đưa được vào cuộc sống thì rất là uổng phí cả công lao, trí tuệ và vật chất.

Ngành GD- ĐT cả nước đang tìm mọi cách để giữ lại bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc,… trong đó bao gồm cả mảnh đất màu mỡ của văn học dân gian từ truyền thuyết, truyện vui, hò, vè, ca dao, tục ngữ,… đến những câu hò, điệu lý, hát ru,… đã lưu truyền đây đó trong dân gian, vùng miền hay trong một gia tộc, một gia đình hoặc trong một người bà, người mẹ.

Và chỉ có thể tồn tại mang tính chất vĩnh hằng khi những câu hát ru, bài hát ru, điệu lý, câu hò đến với học sinh qua người mẹ, người bà như hoạt động này. Sự kết hợp, mời gọi phụ huynh tham gia vào “Tết quê” sẽ phong phú, thu hút nhiều nếu mỗi nhà trường minh chứng được sự kết nối với cộng đồng, mang lại những lợi ích cho con em họ và cho họ một khoảng không gian, thời gian cùng tham gia với nhiều sân chơi giúp họ nhớ về tuổi thơ, nhớ về khung cảnh ngày xưa và cả cách thể hiện sự chăm sóc con, cháu của mình.

Sự lồng ghép hoạt động thi hát ru (ngoài các trò chơi dân gian đã có) trong những ngày chuẩn bị Tết Nguyên đán có kết hợp trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn là một cách làm cần được nhân rộng. Nhiều dự án, đề án cấp quốc gia cũng đang vươn tới nhằm tạo sự hiện diện của các hoạt động để giữ gìn bản sắc dân tộc, giúp học sinh nhớ về cội nguồn dân tộc, truyền thống gia tộc, hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Phải chăng đó là một cách làm “dạy chữ- dạy người” mà xã hội đang kỳ vọng?

Trần Hoàng Túy