Câu chuyện nông thôn

Người làm ruộng ngày càng già

Cập nhật, 07:33, Thứ Tư, 24/02/2016 (GMT+7)

Nói chuyện ở tầm “vi mô” theo kiểu xóm ấp thôi, Hai Lúa tui thấy một thực tế là lực lượng làm nông của xứ sở nông nghiệp chúng ta đang ngày càng già đi.

Nói vậy, liệu có bị cho là bi quan quá không? Thế nhưng khi đứng trên mảnh ruộng mình, đôi lúc Hai Lúa tui tự hỏi: xa xa chừng 5- 10 năm nữa, ai sẽ thay Hai Lúa tui để canh tác mảnh ruộng đã mấy đời gắn bó với gia tộc mình đây?

Chỉ nói gọn gọn trong nhà thôi, khi mà mấy đứa con đều “mần việc” nhà nước. Đến lớp tụi cháu thì xin thưa rằng: Nếu mà đứa nào không đậu đại học, thì cha mẹ tụi nó thiếu điều... cắn lưỡi!

Bởi không đậu được cao đẳng, đại học, thì coi như bị xếp vào hàng thất bại. Và trong số một chục đứa đậu đại học, thì có đứa nào quay về làm ruộng không? Chắc chắn là hiếm hoi lắm. Thậm chí mấy đứa học hành không tới nơi, tới chốn, thì thà là bồng bế gia đình con cái đi làm công nhân xứ người. Còn tâm thế chung là phải làm việc ở công ty này, công ty nọ, dù có tệ gì cũng ngon hơn “bị” gọi là... nông dân.

Như Hai Lúa tui đã nói là chỉ bàn ở tầm “vi mô” nên không nói nguyên do sâu xa gì, mà chỉ nói chuyện trong nhà, trong cửa, nói chuyện ở xóm ấp thôi. Thì ngay trước mắt, hiện giờ các bậc cha mẹ- dù là nông dân, đa phần là không muốn cho con cháu mình “làm động móng tay”, nói chi là sai nó đi phụ công việc ruộng đồng.

Học sinh ở nông thôn giờ thử hỏi cách làm lúa, cách trồng trọt coi có bao nhiêu đứa biết; mà hễ không biết thì làm sao biết yêu thương mảnh ruộng, yêu thương nghề nông. Còn xa xa lên phố thị chút, thì mấy cháu học sinh nó “nhai cơm mỗi ngày”, nhưng chắc gì chúng “biết được mùi rơm rạ”.

Chính những người lớn chúng ta đang dạy tụi nhỏ ngày càng xa lánh ruộng đồng. Cho nên, già như Hai Lúa tui đây nhưng vẫn phải “cày”, biết đến bao giờ mới được... “về hưu”!

Hailua@.com