Giúp nhau từ 300đ tiết kiệm mỗi ngày

Cập nhật, 15:03, Thứ Năm, 28/05/2015 (GMT+7)

Kết thúc chiến tranh, những người tù kháng chiến (NTKC) bị địch bắt tù đày trở về đời thường với những vết thương hằn sâu và bệnh tật triền miên vì những trận đòn tra tấn dã man của quân thù. Cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp Hội NTKC trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp họ có động lực vươn lên trong cuộc sống.

Vươn lên từ đồng vốn nghĩa tình

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái với đủ loại dừa, mít, xoài, bà Phạm Thị Hưng (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An- TX Bình Minh) cho biết: “Tui vừa được Hội NTKC tỉnh giải ngân cho mượn 3 triệu đồng- từ chương trình “100.000 đ/năm gửi về Tỉnh hội hỗ trợ hội viên khó khăn”. Tui đã dùng số tiền này để cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái phù hợp với khả năng chăm sóc của tui”.

Bà Phạm Thị Hưng (bìa phải) cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng dừa từ chương trình tiết kiệm “100.000 đ/năm gửi về Tỉnh hội”.
Bà Phạm Thị Hưng (bìa phải) cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng dừa từ chương trình tiết kiệm “100.000 đ/năm gửi về Tỉnh hội”.

Bên ly trà nóng hổi, bà kể, thời chiến bà tham gia cách mạng, làm giao liên và bị địch bắt tù đày từ năm 1971. Chúng giam cầm bà từ Chi Cảnh sát Cái Vồn (thuộc TX Bình Minh ngày nay) đến Trung tâm Thẩm vấn và Khám Lớn (thuộc TP Vĩnh Long ngày nay). Không biết bao lần bà bị đe dọa, bị đánh đến sưng phù mình mẩy, nhưng bà vẫn quyết không khai nửa lời để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đơn vị và đồng đội.

Thời bình, bà trở về quê, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, chỉ với hơn một công đất vườn thì không đủ để chăm lo cho gia đình có 8 người. Hơn chục năm nay, khi chồng bà qua đời, cuộc sống càng khó khăn hơn. Bà cùng các con khăn gói lên TP Hồ Chí Minh làm thuê, làm mướn.

Thấy căn nhà cũ kỹ và vườn cây tạp của bà bị bỏ hoang, chính quyền địa phương và hội đã vận động bà về, hỗ trợ 40 triệu đồng để cất nhà tình nghĩa và giải ngân cho bà mượn vốn cải tạo vườn tạp. “Có những buổi chiều tui nằm võng trước nhà mà có cảm giác như... lên mây”- bà thật thà kể, vì hơn 70 năm trời bà mới có được căn nhà tường kiên cố, nền lót gạch men, không còn chịu cảnh nền đất, nóc nhà “nắng rọi, mưa dột” nữa. Có nhà ở yên ổn, lúc rảnh bà chằm nón kiếm thêm thu nhập. Vườn cây ăn trái đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa bội thu.

Qua 40 năm giải phóng, cuộc sống bà đã cải thiện rất nhiều. Được cho đi nghỉ dưỡng ở Hà Nội, bà nói: “Tui rất vui và hãnh diện khi từ miền Nam được ra thăm Lăng Bác”.

Giúp nhau từ 300 đ/ngày

Trong căn nhà tường khang trang, ông Ngô Văn Trang (ấp Mỹ Thới I, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) phấn khởi khoe: “Năm rồi, tui được cất cho căn nhà tình nghĩa, tui mừng không kể xiết.”

Năm 1971, ông Trang thoát ly gia đình làm cách mạng. Đầu năm 1975, khi đánh qua Bắc Bình Minh, ông đã bị bắt và bị giam ở Khám Cần Thơ. Chúng liên tục dùng đinh đóng vào đầu ngón tay để tra hỏi. “Đau đớn kinh hoàng trước thủ đoạn tra tấn tàn bạo, dã man, nhưng điều đó làm ý chí của người chiến sĩ cách mạng càng sắt đá hơn”- ông nói.

Từ đồng vốn hỗ trợ của hội, ông Ngô Văn Trang (bìa trái) đang tập trung trồng mới cây bưởi, cải thiện đời sống.
Từ đồng vốn hỗ trợ của hội, ông Ngô Văn Trang (bìa trái) đang tập trung trồng mới cây bưởi, cải thiện đời sống.

Sau ngày giải phóng, ông được cha mẹ cho ra riêng với hơn một công đất. Để chăm lo cho 6 đứa con lần lượt ra đời, ban ngày ông đi làm thuê, tối về lại thức thâu đêm giăng câu. Gần đây, khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường, ông đã hiến hơn 500m2 đất và đốn 20 gốc bưởi cho đơn vị thi công. Ông khẳng khái nói: “Trước kia, tui không tiếc thân mình, chịu đựng bao sự hành hạ ở chốn lao tù, chỉ mong có được độc lập tự do, thì nay, tui hiến đất để làm mới cho quê hương mình cũng là việc nên làm.”

Biết ông đang gặp khó khi quỹ đất sản xuất không còn nhiều, trước mắt, Hội NTKC xã cho ông mượn 1 triệu đồng từ chương trình tiết kiệm “100.000 đ/năm gửi về Tỉnh hội” để ông mướn xáng cạp đất, bồi đắp mương để lên liếp trồng bưởi. Bà Nguyễn Thị Lan- Chủ tịch Hội NTKC xã cho biết: “Toàn xã có 21 hội viên, trong đó 7 hội viên thuộc diện khó khăn. Trước đó, hội đã giải ngân nguồn vốn cho hộ khác mượn và hộ này đang hoàn vốn dần. Có tiền trong tay được bao nhiêu, hội liền bàn giao lại cho ông Trang mượn bấy nhiêu.”

Theo bà Phạm Thị Đào- Chủ tịch Hội NTKC TX Bình Minh cho biết: “NTKC bị tù đày, tra tấn dã man trong thời chiến, hầu hết đều bị hạn chế về sức khỏe, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để giúp nhau vươn lên, các cấp hội đã cụ thể hóa việc học theo Bác ở tinh thần tiết kiệm thông qua phong trào “100.000 đ/năm gửi về Tỉnh hội”, tương đương mỗi ngày tiết kiệm gần 300đ nhưng mang lại ý nghĩa nhân văn, giúp nhau vì cái nghĩa, cái tình. Tuy hội viên còn khó khăn rất nhiều, nhưng với tinh thần “vì đồng đội”, hàng năm 100% hội viên đều hưởng ứng đóng góp.

Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội NTKC tỉnh cho biết thêm: Phong trào tiết kiệm “100.000 đ/năm gửi về Tỉnh hội” được phát động từ năm 2014 đến nay, hội viên đã đóng góp trên 220 triệu đồng, giúp cho 43 hội viên nhận vốn để chăn nuôi, mua bán nhỏ, cải tạo vườn tạp và phụ cất nhà. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội mà trong năm 2014, đã có 28 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, 90 hộ được cất và sửa chữa nhà tình nghĩa.

Hiện, toàn tỉnh còn 33 hộ hội viên NTKC nghèo và 20 hộ khó khăn về nhà ở. Năm 2015, Hội NTKC tổ chức nhiều phong trào vận động gây quỹ, giúp nhau vốn, cây con giống cộng với quản lý có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước; phối hợp cất nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà cho hội viên; phấn đấu, xóa hết nhà tạm và hộ nghèo trong cán bộ, hội viên.

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI