Những người tù kháng chiến “mê” làm từ thiện

Cập nhật, 13:06, Thứ Năm, 28/11/2013 (GMT+7)

Thời trẻ, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã anh dũng, kiên cường, chiến đấu hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đến tuổi xế chiều, những người tù kháng chiến (NTKC) này lại tiếp tục dành thời gian làm từ thiện với mong muốn góp chút gì cho xã hội.

Góp sức cho xã hội

Tham gia cách mạng, bà Trần Thị Chậm (xã Hiếu Thành- Vũng Liêm) bị địch bắt, tù đày. Sau ngày giải phóng, bà cố vượt qua bệnh tật do ảnh hưởng những cực hình tra tấn dã man của quân thù, vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình vừa làm công tác xã hội với vai trò là Chủ tịch Hội NTKC xã.

“Lúc nhỏ, tôi ước ao được nếm thử mùi vị cái bánh trung thu, nhưng vì gia cảnh nghèo khó… Đến thời bình, tôi quyết tâm vươn lên thoát nghèo để góp chút sức lực chăm lo cho trẻ em nghèo”- bà Chậm tâm sự.

Đây cũng chính là lý do bà thường mua bánh trung thu làm quà cho học trò nghèo trong xã vào mỗi dịp Tết Trung thu. Chưa kể, bà còn tặng cặp, nón, quần áo… để các em không vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học.

Ông Lê Phát Hên phát quà cho hộ nghèo.

Noi gương bà, đứa cháu ngoại tuy còn là học sinh tiểu học nhưng mỗi ngày đều “nuôi heo đất làm việc thiện”. Mỗi tháng, cả nhà bà đóng góp khoảng 400.000đ để ủng hộ cho tổ cơm cháo từ thiện Bệnh viện Đa khoa huyện và giúp đỡ cho những hộ khó khăn, bệnh tật. “Trước mắt là lo cho họ có cái ăn, sau đó sẽ tìm cách vận động hỗ trợ thêm”- bà chia sẻ.

Một bàn tay vỗ không kêu, chính vì vậy năm 2008, Hội Từ thiện xã Hiếu Thành ra đời do bà làm hội trưởng với 39 thành viên cùng tâm nguyện giúp đỡ người nghèo khó, bất hạnh. Nhiều người nhờ được hỗ trợ kịp thời giờ đã có cuộc sống tốt hơn, như bà Nguyễn Thị A (ấp Hiếu Xuân) trước đây bị suy thận nhưng giờ đã có thể tiếp tục làm việc trở lại.

Còn ông Trương Văn Hùng (ấp Hiếu Kinh B) trước đây bị nổi hạch ác tính nhờ được bà giúp làm hồ sơ, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí điều trị nên đã lành bệnh, có thể đi làm và có tiền chuộc đất. “Khi làm việc thiện, tôi không nghĩ là sẽ nhận lại”- bà Chậm chia sẻ, và “dù có xa đến mấy vẫn cất công đi để giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn, giúp được rồi mới thấy lòng mình nhẹ nhàng”- bà Chậm tâm sự.

Rời Hiếu Thành, chúng tôi đến xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm) để gặp ông Lê Phát Hên- người từng được bà tích cực hướng dẫn, hỗ trợ trong những ngày đầu thành lập Hội Từ thiện Hiếu Tín. Bước qua tuổi 85, nhưng ông vẫn rất “mê” làm việc thiện dù bản thân ông đang mắc bệnh phù động mạch chủ.

Buổi đầu chỉ là vài bộ quần áo cũ do vợ chồng ông xin người quen mang về giặt ủi cẩn thận đem tặng lại cho bà con có hoàn cảnh khó khăn vì dù sao “cũng quý ở tấm lòng”. Càng đi, ông càng phát hiện nhiều mảnh đời khốn khó cần được giúp đỡ, nhưng khả năng thì… có giới hạn.

Suy đi tính lại, chỉ còn cách là vận động thêm người thân, bạn bè cùng góp sức. Hội Từ thiện Hiếu Tín ra đời cũng từ đó. Với 12 người tham gia ban đầu, đến nay đã tăng gấp đôi.

Từ “số tiền có trong tay lúc hội mới thành lập chỉ 120.000đ” qua hơn 1 năm, hội đã vận động gần 100 triệu đồng giúp đỡ cho 53 bệnh nhân nghèo, ủng hộ 23 địa chỉ nhân đạo và trao hàng trăm phần quà cho các hộ nghèo. Ông xem đây là niềm vui của tuổi xế chiều với mong ước “góp chút công sức cho những mảnh đời khốn khó”.

Còn sức còn làm từ thiện

Năm lần bị địch bắt tù đày và bị đánh đến bể thận cùng nhiều vết thương ở đầu, đùi và chân… nhưng bà Nguyễn Thị Bé Tư (thị trấn Trà Ôn) vẫn tiếp tục công tác và đóng góp cho địa phương. Đến tuổi về hưu, con cháu muốn bà được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn dành thời gian đi cơ sở và chăm lo phong trào.

Hiện bà là Chủ tịch Hội NTKC huyện và là Phó Ban điều hành cơ sở cơm cháo từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa huyện.

Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày bà vẫn không quên quán xuyến việc bếp núc với trên 300 suất cơm từ thiện/ngày và cả những việc trong ngoài, bởi “tuy cực mà vui”.

Xuất phát từ tấm lòng nhân ái “muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội”, đặc biệt là muốn chia sẻ một phần khó khăn với bệnh nhân nghèo, 5 năm qua (2008- 2013), bà đã cùng cơ sở vận động được trên 74.000kg gạo, nấu gần 340.000 phần cơm cháo và mua gia vị với tổng số tiền gần 212 triệu đồng, đã góp phần mang lại bữa ăn ngon miễn phí cho bệnh nhân nghèo và người nhà
của họ.

Bà Nguyễn Thị Bé Tư tại cơ sở cơm cháo từ thiện.

Trải qua những năm tháng “tính mạng ngàn cân treo sợi tóc” và sống giữa sự đùm bọc yêu thương của đồng đội, bà Tư hiểu sống trên đời phải biết vì mọi người. Thế nên, mỗi khi có cơ hội, điều kiện, bà lại ra sức giúp đỡ những người nghèo khổ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Từ yêu thích làm việc thiện, ngoài thời gian công tác với vai trò là Chủ tịch Hội NTKC Phường 2 (TP Vĩnh Long), bà Nguyễn Thị Thanh Vân còn mở quán bán bánh xèo lấy tiền lời nuôi đàn heo đất. Heo to thì mỗi năm khui một lần để góp vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tổ nấu cơm cháo từ thiện của thành phố và tỉnh. Còn bầy heo nhỏ thì khui để giúp vốn người nghèo hoặc giúp đột xuất.

Ngoài việc phụ giúp bà buôn bán, chồng bà còn “kiêm nhiệm” thêm việc bơm hơi xe đạp và bao nhiêu tiền có được ông cũng bỏ vào các ống heo. Qua thời gian, danh sách Mạnh thường quân cứ một dày lên và danh sách người nghèo được hỗ trợ cứ ngày một nhiều thêm theo số tiền mà ông bà vận động được.

Điều mong ước lớn nhất của ông bà chính là “có sức khỏe để tiếp tục buôn bán và mong mua may bán đắt để có tiền bỏ ống làm công tác xã hội, giúp người nghèo vượt khó”.

Họ là những người từng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man nên sức khỏe suy yếu. Nay khi tuổi già, họ vẫn thầm lặng đứng trên trận tuyến mới: giúp người nghèo khó, bất hạnh.


Bài, ảnh: THỤY VŨ