Lòng mẹ

Cập nhật, 13:34, Thứ Sáu, 22/08/2014 (GMT+7)

Ước mơ lớn nhất của mọi người mẹ trên thế gian này là mong sinh ra những đứa con bình thường, khỏe mạnh, lớn lên lại trở thành “điểm tựa” của gia đình.

Nhưng ở Việt Nam cho đến giờ này, có hàng vạn người mẹ không có được hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy. Bởi chiến tranh đã tàn phá những bào thai, chiến tranh hủy hoại những đời người không trọn vẹn.

27 năm nay, chưa ngày nào chị rời xa 2 đứa con của mình.

Trước đây vì công việc, mỗi tuần ít nhất một lần tôi đưa những người khách Nhật Bản vào thăm Bảo tàng Tội ác chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh. Đã có không ít người ôm mặt không dám nhìn vào những bào thai dị dạng do chất độc da cam/dioxin, có người bỏ ra ngoài và sau đó không ăn cơm được.

Trong tự điển Katakana người Nhật đã giải thích từ “dioxin” như thế này: “Đó là chất khai hoang kịch độc, mà trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống những cánh rừng, đồng ruộng Việt Nam…”

Qua đó cho thấy rằng, chất độc nhất mà loài người phát hiện cho tới thời điểm đó, đã hủy hoại ghê gớm đất nước ta và hậu quả của nó kéo dài qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, trong lần đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Le (53 tuổi) ở ấp Nhất (xã Quới An- Vũng Liêm), tôi đã có một góc nhìn khác về tội ác chiến tranh, qua số phận những đứa trẻ không nguyên vẹn hình hài và tấm lòng yêu thương vô bờ của người mẹ đối với những đứa con của mình.

Dù đã quen với những hình ảnh về di chứng của chất độc da cam, nhưng tôi không tránh khỏi cảm giác bị sốc khi bước vào nhà anh Le. Trước mắt tôi là 2 thanh niên với thân hình queo quắt chỉ có da bọc xương, nhỏ thó như những đứa trẻ, cùng nằm trên bộ phản. Chị Lan (vợ anh Le) đang loay hoay chuẩn bị bữa ăn cho con.

Đứa con lớn của chị là Nguyến Tấn Thanh (27 tuổi), đứa út Nguyễn Minh Trường (17 tuổi) hoàn toàn nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân của 2 con do một tay chị Lan chăm sóc. Đứa con trai giữa là Nguyễn Tấn Định (24 tuổi) may mắn không bị ảnh hưởng, đi học bình thường nhưng cơ thể cũng không được mạnh khỏe như người ta.

Anh Le trước đây đi bộ đội ở chiến trường Campuchia 5 năm, cha anh hồi xưa cũng là bộ đội thời chống Mỹ. Sau khi giải ngũ về quê lập gia đình, anh thường xuyên bị sốt rét là căn bệnh có từ thời đi bộ đội, giờ thì đã trị khỏi nhưng lại chuyển qua bệnh hen suyễn nên sức khỏe ngày một yếu đi. Khi lập gia đình, không ngờ 2 trong số 3 đứa con bị ảnh hưởng nặng chất độc da cam.

Gia đình đã nghèo lại càng thêm khó. Gánh nặng đó đổ dồn lên vai chị Lan, suốt mấy chục năm nay chưa bao giờ yên giấc vì con bệnh triền miên, riêng việc tiêu tiểu của 2 đứa mỗi đêm chị phải thức giấc ít nhất 5 lần để bồng bế chúng.

Nhưng trong suốt câu chuyện, chỉ thấy chị Lan than rằng: “2 đứa nhỏ bị vậy làm nhọc lòng cô bác, anh chị quá trời. Làm mọi người phải tới lui thăm hỏi, giúp đỡ động viên. Nhờ có cộng đồng xã hội, vợ chồng tôi mới nuôi nổi mấy đưa nhỏ”.

Không thấy sự buồn bã vì vất vả, mà trong từng cử chỉ, ánh mắt chị Lan luôn dành sự yêu thương đằm thắm, khi con nói được một câu chị mỉm cười hạnh phúc. Chị khoe: “Nhờ có thằng nhỏ bi bô được mấy câu, nên khi anh Hai nó tiêu tiểu thì nó kêu cho mình biết. Hồi nghe nó kêu được tiếng má, dù không rõ ràng nhưng mừng rớt nước mắt”. 2 đứa con nằm một chỗ nhưng được chị chăm sóc rất chu đáo sạch sẽ, chị bảo mình mà không sạch thì đâu ai dám tới mua bánh, xay bột.

Thương con đến đỗi, tối chị nằm ngang ở dưới để 2 đứa nhỏ gác chân lên mình cho thẳng người dễ ngủ, không thôi 2 đứa nó co quắp lại như con tôm là bị tê chân. Ban ngày đi làm lắt xắt ngoài sân, đâu dám bỏ đi đâu. Mấy hôm nay treo trái banh nhựa cho thằng Út tập quơ tay.

Cuộc đời chị giờ đây ráng sống cũng vì 2 đứa nhỏ, không có chị không biết tụi nó sẽ ra sao? Ngay trong lần bệnh tưởng chết chị cũng nghĩ về 2 đứa đang nằm nhà. Lần sanh thằng con Út, mới phát hiện khối u trong tử cung bằng trái chanh, máu ra liên tục cũng cắn răng nằm nhà, tiền thuốc cho tụi nhỏ không có, có đâu tiền chị đi bệnh viện.

“Đêm nằm treo chân bên cạnh con mà không dám rên, ráng bồng con đi tiểu mà máu ra ướt chân. May nhờ y sĩ Tâm vào thấy chị bệnh vậy, mới làm đơn gửi lên Đài PT- TH Vĩnh Long, rồi xe chở cấp cứu qua Bệnh viện 121 kịp thời cứu chữa. Được chữa lành bệnh, lại được Chi đoàn bệnh viện hỗ trợ xây trợ căn nhà, thiệt tình mang ơn hết sức”- chị nói.

Trải qua mấy mươi năm làm vợ, làm mẹ, hỏi chị có được mấy ngày hạnh phúc? Theo lẽ thường, thì chị đang bất hạnh trong cuộc hôn nhân của mình; nhưng đối với chị, con nào cũng là con, con không được bình thường như người ta lại càng thấy thương con hơn. Vì lẽ đó mà “cầu mong trời phật cho mình được ra đi sau mấy đứa nhỏ!”

Cảm động thay tình mẹ, bao la thay tấm lòng của mẹ!

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG