Tập trung lo nhà ở cho hộ nghèo

Cập nhật, 10:03, Thứ Tư, 20/08/2014 (GMT+7)


Xã Tân An Luông tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ giúp nhà ở cho hộ nghèo.

Nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí quan trọng, thể hiện chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
 
Một trong những điều kiện cần thiết để đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) là phải xóa hoàn toàn nhà tạm bợ, xiêu vẹo, dột nát. Chính sách thì đúng đắn, nhưng trong quá trình thực hiện, còn vướng nhiều vấn đề khiến không ít người còn băn khoăn.

Lo nhà ở cho hộ nghèo

Mục tiêu của tiêu chí thứ 9 là làm sao để người dân nông thôn có được nhà ở kiên cố, vệ sinh và tránh được những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Theo quy định của tiêu chí này, có 2 điều kiện cơ bản cho xã NTM cần phải đạt là: “Trên địa bàn không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát” và “Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng từ 70% trở lên trên tổng số nhà ở của xã”.

Nếu so sánh những quy định cụ thể trong tiêu chí này với thực trạng hiện có thì hầu hết các địa phương không có được mấy căn nhà đạt đúng chuẩn NTM.
 
Bởi, ngoài quy chuẩn căn nhà phải đạt “3 cứng”, các công trình phụ kèm theo cũng phải đạt như: bếp ăn, khu vệ sinh, khu vực chăn nuôi,… hoặc những quy định về diện tích tối thiểu cho một người, về niên hạn sử dụng… Rõ ràng đây là tiêu chí không dễ thực hiện đối với địa bàn nông thôn hiện nay.

Trong quá trình thực hiện tiêu chí, nhiều nội dung cũng được BCĐ Xây dựng NTM tỉnh xem xét, quy định lại cho phù hợp với từng địa bàn cụ thể, cũng như thực tế cuộc sống của người dân nông thôn.

Chẳng hạn, những căn nhà được xây cất theo Quyết định 167, nhà tình nghĩa, nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22 của Chính phủ,… dù có diện tích không đạt mức quy định là 56m2, nhưng vẫn được công nhận đạt theo tiêu chí. Hoặc là những căn nhà cột gỗ, mái lá, nền gạch tàu nhưng niên hạn sử dụng trên 5 năm vẫn được đưa ra khỏi danh sách nhà tạm,…

Hiện nay, các địa phương tiến hành thống kê lại 2 loại nhà: nhà tạm, nhà đạt chuẩn Bộ Xây dựng. Kết quả, các nơi đều vướng cả 2 nội dung nêu trên do chưa đạt. Nhưng mặt bằng chung ở hầu hết các xã, nhà ở kiên cố của những hộ khá giàu thường chiếm từ 50 đến trên 60% tổng số nhà ở của xã.

Coi như nội dung này gần đạt, BCĐ các xã làm công tác vận động người dân xây mới hoặc sửa nhà để cùng “chung sức xây dựng NTM”. Sau 3 năm vận động, trên 80% các xã điểm NTM đều đạt nội dung số 2 này. Còn lại cái khó của các địa phương chính là nội dung số 1: “xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Theo số liệu thống kê về nhà ở trên địa bàn tỉnh thời gian qua thì nhà tạm, nhà dột nát tập trung vào các đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, một số ít rơi vào các trường hợp hộ trung bình khá với lý do chưa chọn được thời gian thích hợp để cất nhà.

Tuy nhiên, đối với hộ nghèo, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ, giải quyết những khó khăn về nhà ở trong gần 20 năm qua, nên số lượng còn lại ở các địa phương cũng không nhiều.

Theo ông Đỗ Hoàng Huynh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, việc thực hiện tiêu chí số 9 trong xây dựng NTM hiện nay là sự tiếp nối của các chính sách về an sinh xã hội đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm trước.

Nguồn lực để thực hiện chính sách này chủ yếu là từ việc vận động ngoài xã hội, thông qua các hoạt động gây quỹ “Vì người nghèo”. Đặc biệt từ khi đưa nội dung này gắn vào tiêu chí xây dựng NTM, việc thực hiện được triển khai nhanh hơn, mạnh hơn, tập trung hơn.
 
Các xã điểm thường không gặp nhiều khó khăn đối với nội dung này, bởi nguồn vốn luôn được cấp trên cam kết hỗ trợ. Hơn nữa, mỗi xã điểm hiện nay cũng chỉ còn lại vài chục căn nhà của hộ nghèo nên cũng không khó để hoàn thành.


Nhiều hộ cận nghèo ở Thành Đông tự lực vươn lên xây được nhà ở khang trang.

Ngoài xã điểm, hộ cận nghèo cũng khó khăn

Trên thực tế, việc lo nhà ở cho hộ nghèo chỉ thật sự khó khăn đối với các xã ngoài xã điểm, vì ít được hỗ trợ, chủ yếu các xã phải tự đi vận động cho riêng mình.

Về vấn đề này, mấy năm qua xã Tân An Luông (Vũng Liêm) nổi lên như một điển hình và có những kinh nghiệm quý nhờ sự nỗ lực vận động từ nhiều đối tượng: doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, những người con xa quê,… để lo nhà ở cho hộ nghèo.

Năm 2014, có 30/72 xã (có 13 xã điểm) chưa đạt tiêu chí nhà ở dân cư đăng ký, xây dựng kế hoạch đạt tiêu chí. Trong 6 tháng đầu năm, đã hỗ trợ 65 căn nhà đại đoàn kết từ quỹ Vì người nghèo trị giá trên 2,1 tỷ đồng. Kết quả thực hiện tiêu chí đến nay có 23/89 xã đạt (chiếm tỷ lệ 26%), tăng 6 xã so với năm 2013 (Song Phú, Mỹ Lộc, Thành Trung, Tân Long, Trung Hiếu, Mỹ Thuận), riêng 22 xã điểm có 14/22 (chiếm tỷ lệ 64%).
Theo ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã, riêng năm 2014, Tân An Luông đã vận động được 50 căn, giúp địa phương hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư.

Tuy nhiên, có không ít xã, dù rất vất vả cũng chỉ vận động được vài căn, số còn lại cũng phải chờ đến sự phân bổ từ các chính sách về nhà ở của Nhà nước.

Vì vậy, có thể nói, chính sách nhà ở cho hộ nghèo đã và đang được cộng đồng xã hội quan tâm, nên nó không còn là vấn đề quá khó để xóa nhà tạm ở các xã NTM. Vấn đề khó nhất còn lại của các xã chính là những căn nhà tạm không thuộc đối tượng hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc (Tam Bình) Đỗ Thị Tuyết Phượng cho biết, xã còn 116 căn nhà tạm thì có 21 căn của đối tượng hộ cận nghèo.

Với thu nhập của hộ cận nghèo như anh Nguyễn Phú Quý (Ấp 7, xã Hòa Lộc); anh Võ Duy Xuyên, ông Nguyễn Chính Em (ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Lộc);… thì muốn có căn nhà xây đàng hoàng đang còn là mơ ước.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, số đối tượng trong khoảng cận nghèo thật sự còn rất nhiều và hầu hết đều gặp khó khăn về nhà ở. Ở đây, rất cần có một chính sách phù hợp để giúp đối tượng này có điều kiện sở hữu một căn nhà chắc chắn hơn.

Tuy nhiên, cá biệt cũng không loại trừ một vài trường hợp cha mẹ ra riêng cho con, cất nhà tạm bợ cốt ý trông chờ chính sách của Nhà nước. Thay vì đã có đủ khả năng cất nhà cho con, nhưng họ cứ để như vậy, vì nghĩ rằng, nhà xiêu vẹo, dột nát thế nào cũng được Nhà nước hỗ trợ. Trường hợp này tuy không nhiều nhưng cũng gây khó khăn cho nhiều địa phương.

Nhận định của UBMTTQ Việt Nam tỉnh- cơ quan vận động quyên góp quỹ Vì người nghèo và phối hợp hỗ trợ các biện pháp giúp cho người nghèo thoát nghèo, thực hiện tiêu chí số 9, là việc kế tục chính sách an sinh xã hội thời kỳ mới.

Đảng và Nhà nước vẫn luôn khẳng định đây là chính sách đúng đắn, nhân đạo và quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, không phải chúng ta buộc phải thực hiện nó bằng mọi giá, mọi cách mà trong quá trình thực hiện cần phải xem xét các giải pháp phù hợp nhằm tránh tạo điều kiện cho một bộ phận người dân lợi dụng chính sách nhân đạo này để trục lợi về mình, mà thiếu đi sự phấn đấu vươn lên.


Theo BCĐ Xây dựng NTM xã Ngãi Tứ, từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn huy động từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, xã đã xây cất được 275 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng khác với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng. Xã phấn đấu đến cuối năm 2014 đạt tiêu chí nhà ở dân cư.

Bài, ảnh: THÚY HẰNG - TRẦN ÚT