TP VĨNH LONG

Chỉnh trang việc lắp đặt biển hiệu, quảng cáo

Cập nhật, 10:31, Thứ Tư, 30/07/2014 (GMT+7)


Biển hiệu một tiệm tạp hóa vi phạm do quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu.

Nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định về lắp đặt biển hiệu, quảng cáo và sử dụng tạm vỉa hè không vào mục đích giao thông, BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị TP Vĩnh Long có kế hoạch chỉnh trang biển hiệu, quảng cáo và hướng dẫn sử dụng vỉa hè năm 2014.

Theo đó, BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã tổ chức khảo sát việc lắp đặt biển hiệu, quảng cáo và sử dụng vỉa hè trên các tuyến đường nội ô thành phố, kết hợp cấp phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn; thống kê hộ vi phạm; kết hợp BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị phường mời hộ dân đến tuyên truyền, cho cam kết khắc phục; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Còn nhiều vi phạm

BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị TP Vĩnh Long thống nhất chọn các tuyến đường điểm ở 7 phường để thực hiện. Qua khảo sát, có 691 hộ kinh doanh, doanh nghiệp đã lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo không đúng quy định.

Các hình thức vi phạm gồm: lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo lấn ra vỉa hè, lòng đường; biển hiệu và bảng quảng cáo cũ rách, hư hỏng, đã hết hạn thực hiện quảng cáo nhưng không tháo dỡ; lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo chồng chéo lên nhau gây mất mỹ quan, đặt biển hiệu, bảng quảng cáo trên vỉa hè, lòng đường; biển hiệu có diện tích vượt quá quy định, dùng nền màu đỏ, có kèm nội dung quảng cáo; biển hiệu ghi không đầy đủ nội dung quy định, ghi bằng chữ nước ngoài…

Theo ông Nguyễn Hòa Đàm– Tổ trưởng tổ khảo sát của BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho biết: Qua kiểm tra, các hành vi vi phạm biển hiệu tiếng nước ngoài hay đặt biển hiệu trên vỉa hè đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, các vi phạm khác như lắp đặt biển hiệu có diện tích lớn hơn quy định, ảnh hưởng giao thông, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy… vẫn còn nhiều.

Điển hình như các hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu ở các phường (nhiều nhất là Phường 4). Nhiều hộ lắp đặt biển hiệu kèm theo quảng cáo có diện tích quá lớn, chiếm hết các tầng nhà rất không an toàn.

Có hộ chụp ảnh cô dâu, chú rể trong tình trạng trang phục khá “mát mẻ” để đưa lên biển hiệu quảng cáo gây phản cảm. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng biển hiệu của hộ kinh doanh để quảng cáo hàng hóa mà chưa được sự thẩm định của cơ quan quản lý về văn hóa ở địa phương.

Nhiều hộ cạnh tranh nhau đưa biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường dẫn đến tranh chấp kéo dài nhưng nghiêm trọng nhất là làm mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt khá cao đối với các trường hợp vi phạm về lắp đặt biển hiệu. Điều 66 quy định: Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại; phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng đối với hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;…


Lắp đặt sao cho đúng?

Điều 34, Chương III, Luật quảng cáo được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013, quy định: biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải có các nội dung sau:

Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Bên cạnh, việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của luật này.

Về kích thước biển hiệu: đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Mặt khác, biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng; việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, một số hộ kinh doanh đã tự khắc phục, tháo dỡ các bảng hiệu sai quy định ngay sau khi đoàn khảo sát đi qua.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo lên phần mái hiên, ban công nhà được cơi nới lấn chiếm, rất khó giải quyết; nhiều hộ kinh doanh phía trong hẻm lắp đặt biển hiệu ở đầu hẻm nhau làm mất trật tự, mỹ quan.

Có nơi biển hiệu che khuất cả cổng chào khu dân cư, tổ tự quản. Để việc chỉnh trang được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp xử lý đối với các hộ cơi nới mái che chiếm không gian vỉa hè, lòng đường; tổ chức lấy ý kiến các ngành liên quan để thống nhất hướng dẫn các hộ kinh doanh trong hẻm lắp đặt biển hiệu bảo đảm mỹ quan.


Biển hiệu lấn chiếm vỉa hè.

Đồng thời, UBND các phường- xã cần có biện pháp nhắc nhở, hướng dẫn người dân lắp đặt biển hiệu đúng quy định ngay từ khi mới kinh doanh. Tăng cường các hình thức tuyên truyền trong nội bộ, hệ thống truyền thanh của địa phương.

Thực hiện kế hoạch chỉnh trang biển hiệu, quảng cáo và hướng dẫn sử dụng vỉa hè năm 2014, BCĐ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị đã tập trung tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật có liên quan đến việc lắp đặt biển hiệu, quảng cáo, sử dụng tạm vỉa hè không nhằm mục đích giao thông như:

Nghị định 181/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định 158/NĐ- CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; Nghị định 100/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/NĐ- CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; hướng dẫn việc sử dụng tạm vỉa hè để xe gắn máy theo quy định của Ban an toàn giao thông TP Vĩnh Long…

Bài, ảnh: HÒA ANH