Xin thêm một lần về với Trường Sa...

Cập nhật, 09:53, Thứ Sáu, 25/07/2014 (GMT+7)

“Bất đáo Trường Sa, phi ký giả”- với cánh nhà báo được đến với huyện đảo Trường Sa- vùng đất đầy nắng và gió, vùng biển trời tiền tiêu của Tổ quốc luôn là một niềm mơ ước. Và, 2 nữ phóng viên trẻ Diễm My (Báo Ninh Thuận) và Quỳnh Hậu (Báo Bà Rịa Vũng Tàu) đã chạm đến trái tim mình khi hạnh phúc được tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió.

Xin thêm một lần về với Trường Sa…

Phóng viên trẻ Diễm My (Báo Ninh Thuận) nhớ chuyến công tác ở Trường Sa của mình những ngày đầu năm mới 2012… Hành trang lúc đó của My ngoài tư trang và thiết bị tác nghiệp còn có món quà tinh thần ấm áp tình đất liền- đó là những số báo thường kỳ và Đặc san Xuân báo Ninh Thuận chuyển tặng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Thế mới thấm thía câu từ của cánh phóng viên mình “Hải trình Trường Sa- những chuyến đi vẹn nghĩa nặng tình”.

Vượt 2 ngày 2 đêm trên những con sóng dữ của mùa bão biển cuối năm, hành trình của con tàu mang số hiệu HQ-996 của Hải quân nhân dân Việt Nam đưa cánh nhà báo đến với Trường Sa thân yêu, đến với những người con ưu tú, ngày đêm vững tay súng canh giữ vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Lần đó, vì sóng to gió lớn nên dù đảo Song Tử Tây trước mặt mà cả đoàn người phải ngồi tàu đợi trời yên. Trong khi một số phóng viên “sốt ruột” vì đã tới nơi mà vẫn chưa cập đảo thì với nhiều anh, chị khác, tàu dừng là lúc họ “hồi sóng”, lấy lại sức để tiếp bờ an toàn, sẵn sàng máy móc tác nghiệp ngay để có được cảnh quay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ra cầu cảng mừng người đất liền.

Phóng viên Diễm My tác nghiệp tại Trường Sa.

Điều đặc biệt ấn tượng với My là lễ thượng cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền dân tộc được diễn ra ở tất cả các điểm đảo, dù là đảo nổi rộng lớn hay đảo chìm chỉ vài trăm thước vuông.

Chứng kiến lá cờ Tổ quốc sao vàng tung bay ở cột chủ quyền, một niềm xúc động xen lẫn niềm kiêu hãnh của một công dân đứng trên bờ cõi của quê hương. Đồng thời, tự hào khi thấy bộ đội và nhân dân ta đã kiên cường xây dựng biển, đảo ngày càng phát triển, đẹp giàu.

My nhớ như in một lần trên xuồng CQ tiếp cận đảo chìm Đá Lớn. Lần ấy sóng to lắm, chỉ huy Vùng 4 kiên quyết không cho phóng viên di chuyển từ tàu lớn theo xuồng CQ vào đảo vì quá nguy hiểm. Nhưng sự nằng nặc của các anh em cũng làm xiêu lòng vị chỉ huy và chừng 10 phóng viên được phép vào thăm đảo.

“Nhìn từ tàu HQ-996, đảo Đá Lớn gần lắm nhưng ngồi xuồng CQ đi vòng vòng tìm đường cập đảo phải mất gần 2 giờ đồng hồ. Xuồng gần đến bến cập thì chẳng may mắc cạn, 2 thủy thủ phải thả trôi xuồng, dùng sức đẩy xuồng nhích từng nhích một qua bãi cạn. Chứng kiến cảnh các anh cắn răng chịu đá mồ côi đâm vào chân, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều phóng viên đòi xuống bơi vào cho nhẹ xuồng nhưng thủy thủ tuyệt nhiên không cho bởi họ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho chúng tôi mà”- My kể.

Nhiều lắm những kỷ niệm về phóng viên công tác ở Trường Sa và những kỷ niệm ấy bỗng nhiên trỗi dậy khi tình hình biển Đông thêm căng thẳng. My biết, đồng nghiệp tôi nhiều anh chị mong muốn được đặt chân lên Trường Sa, được xông pha ra Hoàng Sa- nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để tác nghiệp, để động viên, tiếp thêm sức mạnh, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, ngư dân nước ta nơi tuyến đầu Tổ quốc. Và, nếu được chọn, My xin thêm một lần về với Trường Sa...

“Máu đỏ, sao vàng”giữa biển đảo quê hương

“… Nhà giàn DK1 Phúc Tần đã hiện ra phía trước. Sáng ấy, sau lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hình như biển Đông muốn động. Sóng biển cuộn mình gầm rú. Những cơn sóng dữ dội dâng lên, hạ xuống trong chớp mắt, tung cao bọt trắng xóa.

Chiếc xuồng nhỏ chỉ dám chạy một chuyến duy nhất. Chiếc xuồng mang quà sang cho nhà giàn DK, trao tặng các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ thềm lục địa. Đã hơn 1 năm rồi, không có đoàn công tác nào sang được đây. Vậy mà hôm nay, chiếc xuồng có sự hiện diện của một số đại biểu can đảm nhất trong đoàn công tác số 8.

Mũi xuồng bé nhỏ lúc dốc ngược lên thẳng đứng, lúc lại như bị nuốt chửng vào lòng biển thẳm. Bàn tay không đủ khỏe, rất dễ bị hất tung ra khỏi bụng xuồng. Bàn chân không đủ nhanh, chắc, lúc leo xuống tàu hay lên giàn, rất dễ bị cạnh xuồng đập vào đứt lìa.

Tiếng khóc nức nở, uất ức trong lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma.

Và trời mưa. Nước mắt của những người “lực bất tòng tâm” còn lại trên tàu HQ 996 cũng chảy. Nhà giàn DK1 Phúc Tần nhỏ bé, tưởng như gần mà sao quá xa xôi. Bóng nhà giàn chông chênh hơn giữa mưa gió đại dương, nhạt nhòa đi trong làn nước mắt.

Bỗng có tiếng hát cất lên, tiếng hát của những cô gái trên con tàu HQ 996, gửi qua bộ đàm, tới những chiến sĩ DK1. Những chiến sĩ đang đứng ngóng trông bên kia, tuy nhìn thấy nhau nhưng bàn tay không thể cùng nắm.

Tiếng hát lúc ấy không véo von, thánh thót như trong buổi diễn văn nghệ. Tiếng hát rất khàn, rất đục, bởi những nức nở, nghẹn ngào ngắt quãng.

…Và con tàu HQ 996 trở mình chầm chậm quay đi. Đồng loạt, những cánh tay trên nhà giàn và trên tàu cùng giơ cao lưu luyến vẫy chào nhau.

Rồi đột nhiên, một chiến sĩ hải quân cầm chặt lấy lá cờ đỏ sao vàng trong tay, giơ lên thật cao và chạy một vòng tròn quanh nhà giàn- đầy kiêu hãnh, tự hào. Lá cờ có màu của máu và có ánh sáng của sức sống Tổ quốc, tung bay giữa không gian bao la của biển trời quê hương. Lá cờ đẹp nhất mà em từng được nhìn thấy trong đời.

Tiếc thay, lúc ấy mắt em cay quá và người em run quá, em không đủ bình tĩnh để lưu giữ hình ảnh ấy vào máy ảnh. Em chỉ kịp lưu giữ trong tim mình- mãi mãi về sau”...

Đó là những dòng cảm xúc rất thật của nữ phóng viên Quỳnh Hậu- Báo Bà Rịa Vũng Tàu khi những ngày đầu năm 2014, Hậu đã vinh dự được đến Trường Sa.

Để rồi, cũng như các nhà báo được may mắn, hạnh phúc một lần đến Trường Sa tác nghiệp, những đảo chìm, đảo nổi giữa trùng khơi sẽ biến thành đảo nhớ, đảo thương giữa lòng người. Và, không riêng cánh nhà báo, hàng triệu trái tim Việt thì Trường Sa, Hoàng Sa luôn vĩnh hằng là của đất mẹ Việt Nam, Trường Sa, Hoàng Sa vẫn đấy và chan chứa tình.

THÚY QUYÊN (ghi)