KỶ NIỆM 67 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH- LIỆT SĨ (27/7/1947- 27/7/2014)

Những thương binh “tàn nhưng không phế”

Cập nhật, 08:17, Chủ Nhật, 27/07/2014 (GMT+7)

Tại hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2014 tại tỉnh Quảng Nam
vừa qua, Vĩnh Long có 2 đại biểu tham dự. Đó là ông Huỳnh Văn Ri (thương binh 4/4) và ông Nguyễn Đức Chờ (thương binh 2/4).


“Ổng bị thương tật vậy mà nuôi heo, nuôi cá thì khó ai bì kịp”- đó là nhận xét của những người là hàng xóm thương binh Nguyễn Đức Chờ.

Trong chiến tranh họ đã đóng góp một phần máu xương góp phần làm nên chiến thắng dân tộc. Trong thời bình, họ không chỉ chăm lo, phát triển kinh tế gia đình mà còn sẻ chia kinh nghiệm làm ăn đến cộng đồng.

Tỷ phú lươn giống

Căn nhà của thương binh Huỳnh Văn Ri nằm sâu trong ấp Lông Công (xã Phú Lộc- Tam Bình). Trước sân và cặp hông nhà là những dãy bể xi măng dùng để nuôi lươn đẻ, ương lươn giống.

Bên tách trà ấm, chú Ri nhớ lại: Năm lên 10 tuổi, cha hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 14 tuổi, chú tham gia du kích xã và sau đó làm Xã Đội xã Mỹ Lộc. Trong những trận đánh đồn, đánh phục kích, chú Ri nhiều lần bị thương. Hiện tại những miểng đạn vẫn còn trong người nên mỗi khi trái gió trở trời, vết thương hành hạ, khiến chú hay bị đau nhức.

Và, câu chuyện cứ kéo dài ra khi chúng tôi cùng chú tham quan mô hình nuôi lươn giống. Năm 2013, thu nhập của gia đình từ bán lươn giống được một con số mà ai nghe cũng không khỏi bất ngờ: hơn 1,3 tỷ đồng.
 
Cứ vài tháng, chú Ri “xuất chuồng” lươn giống thu được vài trăm triệu đồng. Càng khâm phục hơn khi biết mái ấm khang trang cùng số tiền tỷ hôm nay có được là từ nghị lực phi thường của một thương binh làm nghề giăng lưới, đặt lọp trên sông, ruộng năm nào.

Năm đất nước giải phóng, chú Ri lập gia đình. Cuộc sống nghèo khó của những năm bao cấp, con đông, nhà lại ít đất sản xuất nên chú Ri có thêm nghề bắt lươn, bắt cá thiên nhiên kiếm sống. Nhận thấy con lươn có giá ổn định, chú Ri thử để dành “lươn bố mẹ” cho đẻ trứng là ương lươn con để dành nuôi và chú đã thành công.

Chú là hộ nông dân duy nhất ở Vĩnh Long cung cấp lươn giống từ nguồn nuôi ấp nhân tạo. Không chỉ cung cấp trong tỉnh, lươn giống của chú Ri còn đi khắp các tỉnh- thành trên cả nước.

Qua Vĩnh Long mua lươn giống, chú Nguyễn Văn Châu (Đồng Tháp) phấn khởi: “Tui cũng là thương binh nè, xem ti vi thấy mô hình nuôi lươn của ông Ri hay quá. Ổng giỏi quá, mần ăn hiệu quả nên tui sang đây mua lươn về nuôi theo. Ổng cũng nhiệt tình chỉ dẫn cách nuôi lươn nữa. Hy vọng tui thành công”.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Lộc Trần Văn Tám cho biết:
 
“Anh Hai (tên thường gọi của chú Ri) không chỉ siêng lao động mà còn nhiệt tình tham gia công tác hội. Ảnh còn làm Bí thư Chi bộ ấp Lông Công. Hội viên nghèo mua thì ảnh bán lươn chịu, có tiền mới trả. Ngoài ra, ảnh còn hướng dẫn tận tình cách làm ăn, nhờ vậy nhiều hội viên trong xã và các xã lân cận có cuộc sống ổn định từ nghề nuôi lươn”.


Chú
Ri
(bên trái) chia sẻ kỹ thuật nuôi lươn.

Thương binh tàn nhưng không phế

Chú Nguyễn Đức Chờ- thương binh 2/4 ở phường Đông Thuận (TX Bình Minh) cũng giống như nhiều thương binh khác, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà không ngại hiểm nguy, khi chiến tranh kết thúc đã bỏ lại chiến trường một phần máu thịt.

Trở về cuộc sống đời thường, với nhiều vết thương trên người, chú vẫn vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc. Không chỉ thế, “ổng bị thương tật vậy mà nuôi heo, nuôi cá thì khó ai bì kịp”, đó là câu đầu tiên mà người dân ở đây dành cho chú bằng sự nể phục.

Trong chiến tranh, chú Chờ bị thương, cụt 1/3 tay trái và nhiều vết thương trên người. Sau khi điều trị khỏi vết thương, phục viên về lập gia đình, chú được đơn vị cấp hơn công rưỡi đất ở và canh tác.

Với tinh thần vượt khó thoát nghèo, thấm nhuần câu “Thương binh tàn nhưng không phế”, chú đã mạnh dạn mượn tiền mua hàng tiêu dùng từ TP Hồ Chí Minh về bán lẻ tại làng quê.

Qua thời gian tích lũy vốn, chú chuyển sang cải tạo thửa ruộng thành ao nuôi cá và vay thêm 3 triệu đồng từ đồng vốn của Hội Cựu chiến binh để chăn nuôi heo giống.

Tuy bị thương tật nhưng chú Chờ rất chịu khó lao động. Nhờ vậy, vợ chồng chú tích lũy mua thêm công rưỡi đất và cất được căn nhà khang trang.

Hiện tại kinh tế gia đình chú ổn định với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và lo cho 2 con học xong đại học, có việc làm ổn định.

Chú Chờ tâm sự:

“Các chế độ chính sách của Nhà nước giúp gia đình tôi có vốn chăn nuôi. Nhưng quan trọng còn là sự cố gắng của bản thân. Tôi đã không ngại rong ruổi ở khắp các ngõ hẻm để đi bán các vật dụng gia đình. Về nhà, tôi đắp bờ nuôi cá, nuôi heo, trồng rau,... cố gắng mần để lo con cái đến trường, có cuộc sống ổn định như hôm nay”.

2 tấm gương thương binh vượt khó của chú Huỳnh Văn Ri và Nguyễn Đức Chờ thật đáng quý. Đáng quý không chỉ vì các chú đã đóng góp một phần máu xương vào cuộc kháng chiến vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc, mà còn vì giữa đời thường, các chú là những tấm gương có ý chí phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Các chú phát huy truyền thống tự lực tự cường của bộ đội Cụ Hồ, tự thân vận động, tạo một nét đẹp trong lao động. Đồng thời, còn là tấm gương sáng, sẻ chia tình yêu lao động đến cộng đồng.

Từ năm 2008 đến nay, qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn tự nhiên, chú thiết kế bể nuôi lươn đẻ. Khi lươn đã đẻ trứng xong, chú vớt trứng đưa sang bể ấp.

Sau hơn 6 tháng chăm sóc, chú cho ra đời mẻ lươn giống đầu tiên với khoảng 1.000 con giống. Nếu so với sản lượng ước tính khoảng 10.000 con thì tỷ lệ thành công là tương đối thấp. Song, đây là mẻ lươn giống đã giúp chú tích lũy rất nhiều kinh nghiệm. Vào năm 2010, chú cung ứng cho thị trường trên 10.000 con giống. Năm 2014, chú dự kiến sẽ xuất từ 500.000- 800.000 con lươn giống (giá bán mỗi con 3.000đ), sau khi trừ chi phí, chú Ri cầm chắc trên 1,5 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN