Nêu gương sáng, dạy con cháu nên người

Cập nhật, 13:23, Thứ Sáu, 06/06/2014 (GMT+7)

Bằng “kho tàng” kinh nghiệm quý báu của mình, các cụ đã phát huy vai trò người cao tuổi (NCT), thật sự là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Làm gương dạy con chí thú làm ăn

Tuổi trẻ của ông Nguyễn Văn Bẻn (ấp Ninh Hòa, xã Thới Hòa- Trà Ôn) là những tháng ngày sống hết mình cho lý tưởng cách mạng. Thời chiến, ông tham gia làm du kích tại địa phương. Hòa bình, ông trở thành thương binh 2/4 khi mang trong mình vết thương chiến tranh. Song, ông vẫn tiếp tục vừa làm kinh tế và tham gia công tác tại địa phương.

Thông qua nỗ lực của bản thân, ông Bẻn (phải) là tấm gương sáng dạy con cháu chí thú làm ăn.


Được cha mẹ cho ra riêng với 2,5 công ruộng, thu nhập không đủ để chăm lo cho mẹ già và đàn con thơ. Thế là, ông hỏi tiền vay chăn nuôi vịt tàu, còn vợ ông thì nấu rượu, nuôi heo. Tích cóp, ông mua con trâu, rồi hùn tiền mua máy xới, thùng suốt cũ. Suốt ngày, ông hết cày bừa tới làm đất, suốt lúa. Vất vả là thế, nhưng được cái là “làm đâu đạt đó”.

Có thời điểm, máy suốt của ông tạo việc làm quanh năm cho cả chục lao động. Dành dụm được chút đỉnh, ông lại vay thêm tiền mua đất. Nhờ vậy, đã “nở nồi” lên hơn 50 công ruộng. Bước qua tuổi 63, nhìn lại thành quả này, ông càng thêm tự hào vì có thể làm gương, động viên, nhắc nhở con cháu chí thú làm ăn. Bởi, “thành công chỉ mỉm cười khi chúng ta nỗ lực”.

Từ phong trào thi đua “tuổi cao, gương sáng”, ông Nguyễn Văn Một (ấp Phước Thọ, xã Quới An- Vũng Liêm) cũng là tấm gương trong việc phát triển kinh tế. Theo ông “đây là việc làm hết sức thiết thực và hiệu quả”.

Vừa làm kinh tế giỏi, vừa làm tốt công tác từ thiện, ông Một mãi là tấm gương điển hình soi sáng cho con cháu.


Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, ông phải mướn đất trồng lúa, kết hợp chăn nuôi. Thời gian rảnh thì “ai mướn gì làm đó” . Những ngày tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chi tiêu tằn tiện đã giúp ông mua dần được 15 công ruộng, 5 công vườn cùng các loại máy suốt, máy trục, máy xới... đem đến cho ông nguồn thu gần 83 triệu đồng/năm.

Ông luôn dạy con, muốn phát triển kinh tế thì tất cả các thành viên trong gia đình phải quyết tâm, cần cù lao động, chi tiêu tiết kiệm và tích lũy vốn. Đồng thời, phải biết học tập, tiếp thu khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm với những người sản xuất giỏi.

Ngời sáng những tấm lòng

Vươn lên từ cái nghèo, nên ông Một càng thấu hiểu và trải lòng giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Hằng năm, ông đóng góp cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa huyện từ 15- 30kg gạo. Những hộ tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh neo đơn như bà Lê Thị Tuyết Mai thì ông giúp xới, trục và tuốt 2 công lúa cả mấy năm nay mà không lấy tiền.
 
Ông cũng xuất tiền túi mua tặng thẻ BHYT trị giá 621.000đ và hỗ trợ 100.000đ giúp ông Lê Văn Oanh đóng chân quỹ hội NCT. Tuy không nhiều, nhưng “ít ra cũng giúp ông Oanh tiếp cận với dịch vụ y tế và tham gia công tác hội”- ông Một bày tỏ.

Không những vậy, ông còn vận động con cháu biết nhường cơm, sẻ áo thông qua việc hiến máu nhân đạo, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và sẵn sàng hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn đột xuất.

Còn với ông Bẻn, mỗi khi thấy đoạn đường nào xuống cấp thì đi vận động người dân cùng hùn tiền mua cát đá và góp sức cùng nhau tu bổ lại để có thể đi lại dễ dàng hơn. Khi tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp Tường Thịnh- Ninh Thuận- Ninh Hòa được đầu tư phóng lộ ra ngang qua phần đất của ông, ông đã tiên phong giao 200m2 đất và tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công.

Cũng từng trải qua những ngày tháng gian khổ, chồng mất, một mình bà Nguyễn Thị Bích Loan (ấp Phước Yên A, xã Phú Quới- Long Hồ) phải tần tảo với 4 công ruộng, rồi đi làm thuê, làm mướn để lo cho 6 đứa con lần lượt vào đại học. Khó khăn là thế, nhưng theo bà “chỉ có con đường học vấn mới có thể tìm đến tương lai”.

Từ nghèo khó đi lên, nên cả gia đình bà đều thấu hiểu được cảnh khó khăn của học sinh nghèo. Chính vì vậy, khi Hội NCT xã phát động phong trào NCT nêu gương sáng khuyến học, khuyến tài, bà và các con đều rất đồng tình và đã đóng góp vào quỹ học bổng của xã 8 triệu đồng.

Số tiền này tuy không lớn, nhưng góp phần giúp các cháu học sinh nghèo được an tâm đến trường, mai sau trở thành người công dân hữu ích. Bà tâm sự: Giờ tuổi đã cao, nhưng tôi nguyện đem khả năng còn lại của mình, tiếp tục nêu cao gương sáng, đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài và vận động con cháu làm nhiều việc tốt.

Năm 2014, các cấp Hội NCT trong tỉnh đẩy mạnh phong trào thi đua “tuổi cao, gương sáng”. Đến nay, nhiều cơ sở hội đã tổ chức hội nghị biểu dương điển hình “tuổi cao, gương sáng”. Qua đó, nhằm biểu dương những tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới và làm kinh tế giỏi...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI