Quy hoạch đô thị: “dành chỗ cho nước”

Cập nhật, 15:15, Thứ Tư, 25/06/2014 (GMT+7)


Đô thị Vĩnh Long- nhìn từ phía sông Cổ Chiên. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng- Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), căn cứ vào các tiêu chí để nhận dạng “đô thị nước” (*) thì các đô thị ĐBSCL đều gắn chặt với yếu tố “nước”… Mà để phát triển hệ thống đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD), cần phát triển theo “mô hình mạng lưới đô thị nước”.

Một trong những giải pháp quy hoạch đô thị là chủ động “dành chỗ cho nước”.

Dành chỗ cho nước

Giải pháp quy hoạch này cần mang tính chủ động cao. Thay vì để nước tự do lấn chiếm không gian như chúng vốn có. Hoặc ngược lại, chúng ta lấn chiếm quá nhiều, quá thô bạo không gian nước để phát triển đô thị mà lẽ tự nhiên là phải đảm bảo cho chúng “sống”.

Ở đây có thể áp dụng một số các tiếp cận phi kết cấu đã được sử dụng khá hiệu quả ở Ấn Độ, Banglades, New Zealand và Hoa Kỳ để thích ứng với rủi ro. Đặc biệt ở Hà Lan với cách tiếp cận thích nghi với nước trong quy hoạch và thiết kế đô thị là chương trình “Dành chỗ cho nước” (Room for water).
 
Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian hơn cho nước, để nước có thể thâm nhập vào đô thị theo cách có thể kiểm soát. Qua đó giúp cải thiện khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước, giảm thiểu chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước…

Với ĐBSCL, quy hoạch hệ thống đô thị có thể áp dụng giải pháp quy hoạch chủ động “dành chỗ cho nước”. Có nghĩa là phải có một quy hoạch nước, phải chủ động hơn nữa trong việc kết hợp với quy hoạch thủy lợi, tưới tiêu. Phải xác định được các vùng chứa, thoát nước cho các mùa mưa lũ, triều cường… phù hợp với quy luật tự nhiên và có tính chủ động trong việc điều tiết, kiểm soát.

Công tác quy hoạch khoanh vùng bảo vệ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, hệ thống kênh rạch… tạo nên các lưu vực sông cấp thoát nước chính, các không gian mở có khả năng dung nạp, điều tiết nước các mùa trong năm có ý nghĩa chiến lược, lâu dài.

Một trong những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo thích nghi với BĐKH, NBD là tôn trọng quy luật chuyển động của nước trong vùng một cách chủ động, thân thiện nhất.

Các giải pháp khác được TS. KTS. Trương Văn Quảng đề xuất là: Đảm bảo cân bằng hệ địa- kinh tế- sinh thái trong cấu trúc đô thị; quy hoạch tôn trọng cấu trúc đô thị nước; chọn đất xây dựng phát triển đô thị; lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý nước.

Tương lai cho TP Vĩnh Long

Trong tương lai, TP Vĩnh Long được quy hoạch trở thành một trong 3 đô thị vệ tinh của TP Cần Thơ- đô thị trung tâm vùng ĐBSCL. Trong nhóm giải pháp về quy hoạch đô thị để xây dựng TP Vĩnh Long nói riêng và các đô thị của tỉnh nói chung thành đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh.

Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Long Đoàn Thanh Bình cho rằng: Cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch đô thị, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị; tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai, ưu tiên phân bổ đất công để nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị…

Đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế ảnh hưởng có hại của BĐKH và NBD, chống ngập đến các khu đô thị.


Sông- nước chính là tài sản quý giá của đô thị, vì thế trong quy hoạch đô thị cần có “không gian”- dành chỗ cho nước, để tạo nét mỹ quan và khác biệt của TP Vĩnh Long với những đô thị khác. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Thời gian qua, vấn đề chống ngập, chống sạt lở và ứng phó với BĐKH đã được TP Vĩnh Long tính đến. Chẳng hạn, dự án kè sông Cổ Chiên được UBND tỉnh đã phê duyệt đầu tư vào tháng 5/2009. Tuyến kè có tổng kinh phí trên 1.400 tỷ đồng, dài hơn 9.000m, bắt đầu từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Cái Cá.

Trước đó, công trình kè sông Cổ Chiên khu vực Phường 1 (643m, đoạn từ cầu Cái Cá đến cà phê Hoa Nắng) đã được xây dựng vào cuối năm 1994. Tiếp đó là đoạn kè sông Cổ Chiên khu vực Phường 5 (700m) cũng được khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2008.

Cùng với đó, TP Vĩnh Long còn xây dựng hệ thống kè nội ô giúp bảo vệ thành phố trước nguy cơ ngập nước. Dự án có tổng kinh phí được duyệt trên 700 tỷ đồng. Theo thiết kế, tuyến kè bảo vệ 2 bờ sông Cái Cá, rạch Kinh Cụt, sông Cầu Lầu sẽ được xây mới, chiều dài toàn tuyến trên 4.400m.

Trong khi đó, quy hoạch chống ngập úng TP Vĩnh Long đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Theo quy hoạch này, về lâu dài, để ứng phó với BĐKH, NBD, các cống Cái Cá, Cái Cam, Long Hồ, Cái Đa, Cái Đôi tiếp tục được nghiên cứu đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, chống ngập thành phố còn bằng các giải pháp phi công trình như sử dụng sông, kinh, ao, hồ các diện tích đất vùng trũng thấp để trữ nước… cùng nhiều biện pháp chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH, NBD.

Thiết nghĩ, trong quy hoạch phát triển đô thị, TP Vĩnh Long tương lai cần chủ động “dành chỗ cho nước” để phát triển đô thị bền vững, thích ứng với BĐKH, NBD. Bên cạnh, tận dụng thế mạnh “sông nước” để phát triển ngành công nghiệp không khói.

(*) Tiêu chí nhận diện đô thị nước đã được nghiên cứu trong Nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ theo nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Vương Quốc Bỉ. Mô hình “đô thị nước” nhằm ứng phó với BĐKH do VIAP thực hiện.

NAM ANH