PHỤ NỮ TP VĨNH LONG

Làm theo Bác: thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững

Cập nhật, 12:41, Thứ Tư, 25/06/2014 (GMT+7)

Thực hiện đợt thi đua thực hành tiết kiệm lập thành tích kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN TP Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch triển khai, phát động và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực.

Nhờ đồng vốn hỗ trợ, nhiều chị em có điều kiện mua bán, tăng thu nhập.

Hội PN cơ sở lồng ghép tuyên truyền phát động đến 100% chi hội, 748 tổ, thu hút hơn 20.000 lượt cán bộ, hội viên PN tham dự. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, giúp các chị nâng cao ý thức, đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, giúp nhau khắc phục khó khăn, hỗ trợ PN nghèo phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo đó, mức tiết kiệm tối thiểu đối với hội viên không lương: 5.000 đ/hội viên/tháng, hội viên có lương: 10.000 đ/hội viên/tháng, cán bộ hội chuyên trách cấp cơ sở: 20.000 đ/người/tháng, cán bộ hội chuyên trách thành phố: 100.000 đ/người/tháng.

Toàn thành phố đã huy động nguồn từ tổ tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gần 3 tỷ đồng, có 2.421 chị tham gia. Nguồn từ tổ góp vốn xoay vòng với 1.707 chị tham gia, với trên 500 triệu đồng, 1.827 chị được nhận vốn.

Nguồn từ hội viên khá giúp hội viên nghèo có 399 chị tham gia số tiền trên 290 triệu đồng, cho 147 chị vay không lãi hoặc lãi suất thấp. Nguồn tiết kiệm bằng tiền mặt do hội viên PN đóng góp định kỳ tháng/quý: có 1.309 chị tham gia, với trên 130 triệu đồng, giúp 114 chị được nhận vốn.

Bên cạnh việc trợ vốn giúp chị em, hội cơ sở linh hoạt nhân rộng triển khai hình thức giúp nhau cây, con giống như: heo con, gà con, dế bố mẹ, cá bố mẹ, gốc thanh long ruột đỏ, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tạo điều kiện cho chị em có cơ hội duy trì chăn nuôi sản xuất lúc khó khăn.

Trong năm, đã huy động được hơn 110 ngày công, 3.084kg thức ăn, 36 con heo giống, 2kg cá giống,… giúp cho 131 lượt PN nghèo ở địa phương. Ước trị giá hơn 100 triệu đồng.

Tổng số tiền tiết kiệm từ các nguồn Hội LHPN thành phố đang quản lý gần 4 tỷ đồng với 15.836 cán bộ, hội viên tham gia thuộc 412 tổ. Hiện thành hội đã phát vay trên 1 tỷ đồng cho 1.019 chị, số còn lại là nguồn gửi tiết kiệm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chị em dùng để mua cây giống trồng hoa màu, làm vốn mua bán nhỏ, bổ sung nguồn hàng dự trữ, mua sắm dụng cụ để tìm việc làm như: xe đẩy bán nước giải khát, mở quán bán cơm tấm… Hầu hết đều lập được sổ quản lý tiết kiệm tại tổ và có danh sách người được hỗ trợ (so chỉ tiêu vượt 230%).

Phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình như dì Nguyễn Thị Ánh- Chi hội trưởng Chi hội PN Khóm 1 (Phường 9) vận động được 100% hội viên trên địa bàn tham gia các hình thức tiết kiệm.

Trong đó, cá nhân tình nguyện dành tiền tiết kiệm hỗ trợ hộ nghèo không tính lãi như cô Huỳnh Trúc Mai nhà giáo về hưu nhận dạy thêm và dành toàn bộ số tiền này để giúp cho 3 phụ nữ nghèo (500.000 đ/chị/tháng).

Chị Hồ Hồng Bông- Chi hội trưởng Chi hội PN Khóm 4- Phường 5 vận động chị em tham gia gửi tiết kiệm 10.000 đ/hội viên/tháng từ nhiều năm nay. Chị đã lập hồ sơ quản lý hiệu quả; hỗ trợ được 9 chị trong chi hội làm vốn mua bán nhỏ, mỗi chị nhận 1.000.000đ.

Chị Phạm Thị Hoàng Mỹ tâm sự: “Nhờ đồng vốn hỗ trợ của chi hội mà tôi mở một sạp gạo nhỏ bán trước nhà kiếm tiền nuôi 2 con ăn học. Chi hội còn cho mượn vốn để mua xe ép nước mía, các loại nước giải khát bán kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy gia đình tôi bớt khó khăn”.

Bà Lê Thanh Thủy- Chủ tịch Hội LHPN TP Vĩnh Long cho biết: “Có thể nói đợt thi đua đặc biệt này là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm phát huy nội lực, tạo lập nguồn vốn chủ động cho hội viên PN phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Cuộc vận động diễn ra đúng thời điểm nên công tác tuyên truyền có nhiều thuận lợi. Thông qua đợt phát động giúp chị em PN hiểu rõ mục đích tiết kiệm, ý nghĩa của đồng vốn. Từ đó, hỗ trợ cho chị em PN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; củng cố nâng cao chất lượng các loại hình tiết kiệm hiện có của hội, xây dựng loại hình tiết kiệm mới phù hợp với từng địa bàn; sử dụng, quản lý nguồn tiết kiệm hiệu quả”.

Bài, ảnh: ANH MINH