Qua 2 thập niên xây dựng đời sống văn hóa

Xã hội lan tỏa nếp sống đẹp- gia đình no ấm và hạnh phúc

Cập nhật, 05:35, Thứ Ba, 02/03/2021 (GMT+7)

 

Nhiều phong trào đi vào đời sống, nhiều mô hình huy động được sự đóng góp của cộng đồng. Ảnh: HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)
Nhiều phong trào đi vào đời sống, nhiều mô hình huy động được sự đóng góp của cộng đồng. Ảnh: HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)

(VLO) Qua 20 năm (2000- 2020) triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” liên tục được nâng cao chất lượng và phát triển về số lượng. Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng lòng tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường… xây dựng quê hương.

Những tập thể, cá nhân được UBND tỉnh biểu dương về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Những tập thể, cá nhân được UBND tỉnh biểu dương về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Những thay đổi tích cực

Từ khi Chỉ thị 01/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” được triển khai vào tháng 9/1996, tỉnh luôn xác định đây là cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài và đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, để điều hành cuộc vận động đạt hiệu quả.

Qua 20 năm, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tư tưởng đạo đức, lối sống trong cộng đồng dân cư chuyển biến mạnh mẽ.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái tiếp tục được phát huy và trở thành phong trào quần chúng, thường xuyên và sâu rộng.

Công tác vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được chú trọng. Di sản văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, nhiều giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa mới được hình thành và phát triển.

Cũng từ phong trào này, nhiều gương điển hình tiên tiến đã được nhân lên và tạo được sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ; tạo động lực để phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, xóm, ấp; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.

Theo ông Trần Thanh Lâm- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long: Nhiều hình thức, cách làm hay, nhiều mô hình tự quản trong cộng đồng được hình thành, nhân rộng và hoạt động ngày càng hiệu quả; đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, có 259.580 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 96,84%, tăng 6,4% so với năm 2015 và tăng 360% so năm 2000); 750 ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa (đạt 99,4%, tăng 13,5% so năm 2015 và tăng 619,8% so năm 2000).

Đặc biệt, cuộc vận động quỹ “Vì Người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội liên tiếp từ 2015- 2019 được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật của tỉnh; góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,77% (năm 1996) xuống còn 6,26% (năm 2015); đến năm 2018 còn 2,63% và tiếp tục được giảm thêm 0,8% vào cuối năm 2019.

Tính đến nay, đã có 55/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, nâng chất được 12 xã được đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 về xây dựng nông thôn mới trước 2 năm.

Phường 1 (TP Vĩnh Long) đã đạt những hiệu quả tích cực từ thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiến tới xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị, hướng nâng cao chất lượng phường văn minh đô thị trong thời gian tới.

Cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Cuộc vận động quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Phó Chủ tịch UBND Phường 1- Lê Hoàng Vương chia sẻ, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã thành lập các mô hình mới phòng chống tội phạm có hiệu quả như: vận động xã hội hóa camera an ninh, mô hình phòng chống cướp tiệm vàng và phòng chống cướp ngân hàng (đây là các mô hình đầu tiên trong toàn tỉnh); mô hình cổng rào an ninh trật tự, mô hình loa phát thanh kết hợp camera an ninh phòng chống tội phạm...

Các mô hình văn minh đô thị hiệu quả như: “Xanh hóa trụ sở cơ quan”; “Khu phố xanh- sạch- đẹp”; “Nhà vệ sinh cho khách vãng lai”, “Thu gom rác thải giúp trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn”…

Đồng lòng và nỗ lực hướng đến tương lai

Ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch- cho biết: Tỉnh xem phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là trung tâm, bao trùm các phong trào, cuộc vận động trong nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng từng ngày được nâng lên.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng từng ngày được nâng lên.

Thời gian tới, phấn đấu duy trì có 100% hộ gia đình cư trú tại các địa bàn dân cư đăng ký tham gia thực hiện cuộc vận động hàng năm.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh duy trì có trên 95% hộ gia đình văn hóa, trên 98% ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa; trên 80% xã đạt “xã văn hóa nông thôn mới”; thêm 7 phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (nâng tổng số 100% phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị).

Đồng thời xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng...

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đề nghị cần xem trọng công tác vận động nhân dân, mọi thành phần kinh tế xã hội trên cơ sở đề cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị nhằm đưa từng nội dung, tiêu chí của phong trào đi sâu vào đời sống; từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Các ngành, các cấp, đoàn thể phải chủ động và sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện phong trào và công tác gia đình; thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổ chức bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng.

Kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các mô hình, cách làm hay, tạo sự lan tỏa rộng khắp về tính hiệu quả tích cực của phong trào.

Đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của người dân trong tham gia thực hiện phong trào. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phát huy vai trò nêu gương, đồng hành với nhân dân cùng tham gia, góp phần xây dựng văn hóa và con người Vĩnh Long, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY