Chuyện tờ giấy bạc hình con trâu

Cập nhật, 05:32, Thứ Ba, 02/03/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Nhớ hồi còn thơ ấu, trong những ngày tết, ai cũng luôn náo nức, rạo rực trông chờ, để được mặc quần áo mới, được đồng tiền “lì xì” của ông bà, cô bác, cha mẹ và những người lớn tuổi.

Lịch sử đồng tiền trên thế giới đã thay đổi lắm lần, với nhiều hình thức và chủng loại, nào là tiền đúc: tiền vàng, tiền bạc... rồi tiền giấy... Tùy theo mỗi thời kỳ mà có sự khác nhau về hình ảnh và kích cỡ.

Nhìn lại nước ta sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Chính phủ đã chính thức phát hành giấy bạc của Nhà nước Việt Nam độc lập để thay thế cho đồng tiền Đông Dương cũ.

Nhớ lại mấy mươi năm bị nô lệ, dân ta phải tiêu tiền thực dân, với hình ảnh những ông Tây, bà đầm. Ngày nay, lần đầu tiên người Việt Nam cầm tờ giấy bạc của mình, với những hình ảnh gần gũi, thân thương mang đậm màu sắc dân tộc, nên nhiều đồng bào không nén được xúc động đến rơi nước mắt.

Nỗi xúc động về tờ giấy bạc đã làm nảy nở nhiều ý hay cho các nhà sáng tác văn - thơ- nhạc- họa. Người dân thì có hiện tượng tôn thờ giấy bạc của Nhà nước dâng lên bàn tổ tiên cầu nguyện trước khi đem tiêu xài, nhằm báo với ông bà quá cố rằng nước nhà đã độc lập có tiền riêng của đất nước. Có người còn đem tờ giấy bạc để chúc phước, cầu thọ, mừng tuổi, làm quà cho trẻ em.

Cảm động thay cho nhiều cán bộ “nằm vùng” khi bị giặc vây bắt, đã vội nhai nuốt tờ giấy bạc trong túi vào bụng, chớ nhất định không để lọt vào tay địch rồi bị vò xé, giẫm đạp vì tờ giấy bạc có những hình ảnh mà dân mình hết sức tôn trọng.

Hơn 75 năm đã trôi qua... Bây giờ, nhiều người, còn nhớ một số tờ giấy bạc có hình Bác Hồ, cùng với chữ ký của ông Hiền, ông Khoát và có cả hình con trâu với cặp sừng ngạo nghễ. Và ở miền Nam trước năm 1975 cũng có phát hành các tờ giấy tiền có in hình con trâu với mệnh giá 5 đồng, mệnh giá 100 đồng, mệnh giá 500 đồng.

Biết bao thi ca, hò, vè, dân ca đã đề cao tờ giấy bạc và thế đứng vững vàng của con trâu trên tờ giấy bạc. Xin sưu tầm trích dẫn bài thơ “Tình ca hận”- một giai thoại vui hồi đầu cách mạng để cống hiến bạn đọc nhân dịp xuân về, nhất là xuân con trâu lại càng hợp tình
hợp cảnh:

“Từ ấy, tôi yêu cô hàng cà phê

Cô yêu Trâu tôi có đôi mắt huyền

Đêm tôi nằm mơ đàn tính tang tính

Cô còn rung rinh: “Tiền! Tiền! Tiền!...”

Chợt tỉnh tôi muốn làm ông Hiền, ông Khoát

Mở cửa kho cho trâu tôi đến với cô liền liền

Từ đây tôi giã biệt cô- đường lên Việt Bắc xa lơ xa lắc...”

Truyền rằng tác giả bài thơ trên là một nhạc sĩ tham gia kháng chiến ở Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội sau đêm 19/12/1946 để tiến hành kháng chiến chống Pháp theo lệnh Hồ Chủ tịch.

Đơn vị trú quân tại vùng đồi trung du để chuẩn bị lên Việt Bắc. Dân Hà Nội lên đây mở quán bán hàng, có nhiều cô xinh đẹp lạ lùng.

Tại quán cà phê, gần chỗ đóng quân của anh nhạc sĩ nọ, có cô chủ quán tuổi mới cập kê, da trắng, má hồng, giọng nói trong trẻo, thanh tao.

Sáng nào, anh nhạc sĩ cũng đến quán của cô nhấm nháp tách cà phê để nhìn trộm cả tiếng đồng hồ. Rồi đứng lên trao tay cô hàng cà phê tờ giấy bạc Bác Hồ có in hình con trâu ngộ nghĩnh... Một tuần lễ trôi qua...

Không hiểu cà phê ngon hay vẻ đẹp của cô chủ quán làm chàng nhạc sĩ mê tít. Nhưng cô hàng cà phê chỉ quan tâm đến con trâu xanh từ trong túi anh nhạc sĩ chui ra và bước vào tay cô mỗi sáng.

Thế rồi... Một sáng nọ, nhạc sĩ đến quán. Như thường lệ, cô mang đến trước mặt tách cà phê thơm lừng, ông trầm ngâm nhấp từng ngụm ngon lành.

Đến khi đứng dậy, nhạc sĩ hẹn hôm sau trả tiền vì hôm nay quên ví tiền ở nhà. Cô chủ quán nhất quyết không bằng lòng, đòi cởi đôi giày gửi lại quán, khi có tiền sẽ nhận lại.

May thay, một tốp 3 đồng đội cùng đơn vị đi ngang, nhạc sĩ bèn gọi vào thì thầm thương lượng mượn tiền. Hợp đồng xong, khi có tiền rồi, chàng nhạc sĩ bước tới quầy đặt tiền nhẹ vào mặt bàn và nhìn cô với cặp mắt đầy... đắng cay hổ thẹn.

Về nhà, nhân có hứng, nhạc sĩ sáng tác bài thơ để kỷ niệm và đem đọc trong đêm liên hoan lửa trại, được các đồng đội hoan nghênh nhiệt liệt. Bài thơ còn rất dài, chỉ trích một đoạn để thấy được khía cạnh trong mối quan hệ tình- tiền, nét sinh hoạt thời đầu kháng chiến.

Đây là giai thoại khá hấp dẫn kể ra cho vui nhân Tết con trâu ngõ hầu giúp vui bạn đọc có cái nhìn về đồng tiền mang hình ảnh con trâu- biểu tượng cho sức mạnh nhà nông và làng quê nông thôn Việt Nam thái hòa, thịnh vượng: “Ngồi trâu thổi sáo- nhìn cánh chim bay”.

VŨ CHI