Viết ngắn

Vinh quang và cay đắng

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 18/08/2020 (GMT+7)

Là người viết văn, tôi viết khá nhiều truyện ngắn, tản văn cho hầu khắp các tầng lớp xã hội, từ giới chức cho tới nông dân, doanh nhân, trí thức và cả những mảnh đời cơ nhỡ, lang thang…

Dẫu là ai thì họ đều là con người mà đã là con người thì không thể tránh khỏi sai sót, lầm lỡ. Điều ấy hoàn toàn có thể sửa chữa nếu họ không mù quáng đến nỗi chẳng nhận ra thói hư tật xấu của mình.

Một phút bốc đồng, tự kiêu tự đại sẽ đẩy lòng tự trọng của họ xuống vực thẳm mà không do động cơ hay chủ đích nào khác. No mất ngon giận mất khôn.

Họ đâu nghĩ đến xa xôi: “Nhà giàu ăn cơm ba bữa, nhà khó đỏ lửa ba lần”, cũng là ba nhưng ba bữa và ba lần thì cách nhau đến một trời một vực. Ba lần mà chỉ khoai củ, rau dưa qua ngày đoạn tháng thì quả thật cũng đáng thương.

Ở đây tôi muốn nói đến người thầy, người thầy phải quỳ để nhận cái sai của mình gây ra. Người thầy đâu phải là thánh mà không mắc sai lầm, có thể trong lúc xử phạt học trò (hẳn là do trò đã nhiều lần ngang bướng) bằng roi vọt người thầy không nghĩ đến hệ quả cốt chỉ giáo dục, răn đe giúp trò ngoan ngoãn hơn thôi.

Chẳng có gì để phải dao to búa lớn, hành xử như côn đồ, cho dù có biện bạch kiểu gì đi nữa thì người cha của trò kia tự biến mình thành kẻ bạo lực học đường, nông cạn khi tấn công vào nền tảng đạo đức xã hội, vào sự tôn sư trọng đạo mà ông cha ta đã bao đời vun đắp.

Đứng về khía cạnh khác, người thầy lợi dụng đặc ân của nghề, hành xử định kiến, lệch chuẩn không còn cô giáo là mẹ hiền, không thương trò như con, hở cơ là roi vọt thì làm sao trách bị dư luận “búa rìu”.

Không khó để bắt gặp những tình huống nghiệt ngã như thế. Con sâu làm rầu nồi canh. Người ta dễ dàng quy chụp vội vàng khi nghe ông tiến sĩ giấy thì cứ nghĩ ông tiến sĩ nào cũng giấy, giáo sư nào cũng dỏm và bác sĩ nào cũng tắc trách vô tâm thì thật quá cạn lý, cạn tình.

Xin hãy bình tâm dồn nén bất mãn, hằn học của mình lại để làm người tử tế. Hung hăng, cậy thế, hành xử đáng buồn biết đâu lại là nạn nhân sau này. Gieo gió thì gặt bão, ông bà ta đã khẳng định thì chẳng bao giờ sai.

Hãy thôi là người gieo gió, hãy luôn là người tử tế để hướng về. Bao dung hơn, nhân từ hơn, sẵn sàng phục thiện, sẵn sàng lắng nghe thì mọi sự tốt đẹp không cầu cũng đến.

Sự hối lỗi nằm ở lòng chân thành, nếu không hệ quả sẽ vô cùng tai hại.

LÝ THỊ MINH CHÂU