Phim đề tài gia đình

Hàn gắn những yêu thương

Cập nhật, 05:49, Chủ Nhật, 23/08/2020 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, phim đề tài gia đình “gây sốt” và chiếm những “giờ vàng” trên sóng truyền hình. Mảng đề tài tưởng cũ nhưng luôn luôn mới bởi thế giới vận hành và con người phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn.

Mối quan hệ trong gia đình bị coi nhẹ dẫn đến sự gắn kết lỏng lẻo, các thành viên trở nên xa cách, khó thấu hiểu, ít chia sẻ, đồng cảm với nhau.

Bố Sơn và con gái trong “Về nhà đi con”. Ảnh: VTV
Bố Sơn và con gái trong “Về nhà đi con”. Ảnh: VTV

Mỗi nhân vật trong phim đều rất “đời”, có cả những khoảng sáng- tối, có một cuộc đời riêng khiến cho người xem khóc cười cùng nhân vật.

Thông qua những thước phim, ai cũng có thể ít nhiều tìm thấy mình trong đó. Phim truyền thông điệp hàn gắn yêu thương, cũng là lời cảnh tỉnh, khiến người ta phải soi chiếu lại mình, nhìn vào gia đình mình để thay đổi và hướng tới cái đích cuối cùng của cuộc sống là… hạnh phúc.

1. “Về nhà đi con”: Kể về cuộc sống bình thường theo cách… ít thông thường

Năm 2019, “Về nhà đi con” được mệnh danh là bộ phim “quốc dân” bởi phim đã làm được một việc mà không phải bộ phim nào cũng làm được, đấy là tạo thói quen cứ tới đúng khung giờ là tự động các thành viên trong nhà quây quần bên nhau “chực chờ” trước màn hình tivi để xem từng tập một.

Người người, nhà nhà bàn luận sôi nổi trên khắp mạng xã hội và những câu thoại trong phim trở thành “câu cửa miệng” của nhiều bạn trẻ.

Phim xoay quanh cuộc sống gia đình ông Sơn có 3 cô con gái, ông không hài lòng mà muốn vợ đẻ thêm con trai. Trong lúc sinh nở, bà không may qua đời, khiến ông ân hận.

Cuộc sống “gà trống nuôi con” với 3 cô con gái ẩm ương khiến ông luôn phải đối mặt với những tình huống “dở khóc dở cười”. 

Mỗi nhân vật trong phim được xây dựng với cá tính rõ rệt. Bố Sơn vừa nghiêm khắc, vừa bao dung. Thu Huệ- người chị cả trưởng thành, dịu dàng, hiền lành và có phần cam chịu trước những sóng gió cuộc đời. Anh Thư là điển hình của mẫu người trẻ thực dụng.

Cô sắc sảo, khôn khéo, khao khát danh vọng. Và Ánh Dương- cô con gái út lại có tính cách bộc trực, thẳng thắn, bất cần nhưng nội tâm sâu sắc.

Mỗi nhân vật trong phim đều đầy rẫy những lỗi lầm. Ở họ có điều gì đó rất quen thuộc, và câu chuyện của họ tựa như câu chuyện của người hàng xóm nhà bên mà thỉnh thoảng chúng ta thường bắt gặp ngay trong cuộc sống.

Thông qua nhiều câu chuyện đan cài giữa các tuyến nhân vật, phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc, tình cảm gia đình, gắn kết các thế hệ bằng nội dung nhân văn, xúc động, có khả năng lan truyền sự đồng cảm.

2. “Lời hồi đáp 1988”: Khóc trên những tiếng cười…

Sử dụng chất liệu lịch sử để làm nền mà không tập trung khai thác nội dung chính trị, bộ phim Hàn Quốc “Lời hồi đáp 1988” tái hiện chân thực một cuộc sống tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng đầy tình người.

Khu phố nhỏ Ssangmun Dong, Seoul những năm 80 hiện lên với những ông bố bà mẹ luôn mang nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, không vì vậy mà tình yêu của họ dành cho con cái ít đi.

Người mẹ sẵn sàng dành hết của ngon vật lạ cho con, mẹ che chở cho con trong đêm mưa, là mẹ giấu đi nỗi đau, gạt đi nước mắt mong con mình luôn được vô lo.

Ở đó, có ông bố luôn cố gắng trở thành siêu nhân trong mắt các con nhưng lại có thể sợ đến thót tim khi nhìn thấy một con chuột chạy qua.

“Lời hồi đáp 1988” là minh chứng cho câu nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Những người mẹ đều tụ tập nhau trên chiếc phản quen thuộc trong con hẻm, nhỏ to chuyện chồng con. Bữa cơm dù đạm bạc, họ vẫn chia nhau từ con cá đến cọng rau.

Những lúc khó khăn, họ không quên trao nhau lời động viên, trợ giúp cho nhau từ những thứ nhỏ nhất. Khi mẹ Duk Sun bị nghi ngờ có bệnh ung thư thì cả khu xóm nghèo đều cùng lo lắng như thể đó chính là chuyện của gia đình mình.

Hay lúc bố Jung Hwan bị ngã gãy lưng, chỉ cần vài cuộc gọi là tất cả mọi người trong khu phố đều chạy đến giúp đỡ… Tình bạn của bộ 5: Duk Sun, Jung Hwan, Choi Teak, Sun Woo, Dong Ryung vượt xa cả thứ tình cảm thông thường. Họ coi nhau như anh em trong một nhà…

“Lời hồi đáp 1988” không hề có bối cảnh lung linh hay dàn diễn viên bắt mắt nhưng một khi đã thử bước chân vào thế giới mà bộ phim tạo ra, người xem sẽ khóc cười trong không gian của tình yêu thương quá tuyệt vời.

Một không gian vừa khiến cho ta hoài niệm không nguôi, lại vừa cho ta những bài học sâu sắc để sau đó biết trân quý hiện tại.

3. “Lấy danh nghĩa người nhà”: Học cách yêu thương

Bộ phim Trung Quốc “Lấy danh nghĩa người nhà” hiện đang tạo thành “cơn sốt” bởi những lời khen từ khán giả cùng với con số đứng đầu lượt xem khi phát sóng.

Khác với hình mẫu gia đình bình thường, một nhà 5 người gồm 2 ông bố và 3 đứa con không cùng huyết thống đã gợi lên trí tò mò của người xem về gia đình kỳ lạ.

Anh lớn Lăng Tiêu học giỏi, anh nhỏ Hạ Tử Thu giỏi thể thao và em út Lý Tiêm Tiêm tuy ngốc nghếch nhưng lại có tài hội họa đã cùng nhau trải qua tuổi thơ đầy biến cố.

Đối diện với những tình huống khó khăn, họ dũng cảm đối mặt, tự học cách lớn lên và dần thấu hiểu được ý nghĩa của gia đình. Họ không biết chính xác khi nào mình sẽ trưởng thành.

Và câu chuyện của họ giúp ta trả lời được câu hỏi đó, chúng ta trưởng thành khi dũng cảm đối mặt với khó khăn, biết gánh vác trách nhiệm. Dù trưởng thành là một quá trình đau thương, nhưng ít nhất khi trưởng thành, chúng ta có thể mạnh mẽ bảo vệ những điều mình yêu thương.

Bộ phim “Lấy danh nghĩa người nhà” đặc biệt bởi dám định nghĩa lại hai từ “người nhà”. Người nhà không phải là danh từ bị trói buộc bởi máu mủ ruột thịt mà nó phải được duy trì bởi tình yêu thương chân thành.

Và thông điệp lớn nhất mà nhà làm phim cố gắng truyền tải chính là: có những người dù không cùng huyết thống nhưng vẫn có thể trở thành một gia đình, cùng nhau sống hạnh phúc.

PHƯƠNG THƯ