Lạ lùng những chiếc lá trung quân

Cập nhật, 07:03, Thứ Bảy, 20/06/2020 (GMT+7)

Trên con đường quanh co về Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam ở Tây Ninh (xã Tân Lập, huyện Tân Biên), lá trung quân rải rác mọc khắp rừng. Mái nhà lợp lá trung quân che nắng, che mưa, cùng chiến sĩ ta đi qua mưa bom, bão đạn. Ngày hôm nay, căn nhà lá còn vẹn nguyên ở vị trí cũ, nhắc nhớ một thời gian khó mà hào hùng, thiên nhiên kỳ vĩ mà ấm tình đến lạ lùng!

Những căn nhà ở Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam được lợp bằng lá trung quân.
Những căn nhà ở Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam được lợp bằng lá trung quân.

Trong hành trình tìm lại dấu tích xưa, men theo con đường rừng ngoằn ngoèo, thuyết minh viên Phạm Thị Sinh dẫn chúng tôi tới thăm khu nhà lá: nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành.

Đây là nơi mà 3 đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục Miền Nam: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác như: Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc. Tất cả căn nhà này đều được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá.

Chị Sinh kể, có câu chuyện truyền miệng nhau rằng ngày xưa có một vị tướng quân, khi giặc tràn đến, ông tạm cho binh lính của mình lui quân, biến căn nhà mình đang ở thành vườn không, nhà trống, địch đến đốt nhà nhưng nhà không cháy.

Khi quân ta phản kích, địch bỏ chạy, nhà vẫn còn nguyên, chỉ sửa lại chút ít là ở được vì địch châm lửa đốt, hết lửa là lá lại lụi đi, không cháy lan ra được. Cũng từ đó loại lá này đã được đặt tên là “lá trung quân” vì nó trung thành với vị tướng quân, chủ nhà.

Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những căn nhà lá trung quân nhỏ nhất thì dùng cho một, hai người ở; to có thể hàng chục, hàng trăm người ở vẫn thoải mái. Nhà lá trung quân còn có thể làm nhà kho lớn để chứa hàng trăm, hàng ngàn tấn lương thực và vũ khí quân trang, quân dụng rất tiện lợi.

Trung quân là một loại lá của cây rừng, dài chừng 40- 45cm, rộng 5- 6cm, hình dáng và kích thước gần giống lá cây ngọc lan.

Lá được hái về chằm thành tấm tranh dài hơn 2m, ép các tấm tranh qua một, hai đêm cho phẳng rồi lợp. Sau khoảng nửa tháng, lá trung quân khô chuyển màu nâu sáng, giống như màu ngói mới lợp.

Chạm tay vào loại lá đã đi cùng và che chở chiến sĩ ta suốt một thời kháng chiến, thật cảm phục những ai đã chắt chiu từng chiếc lá từ cả nghìn loại lá rừng để tìm ra trung quân. Và cũng thật ngưỡng mộ vì họ đã dành bao nhiêu thời gian, công sức tỉ mỉ kết thành mái nhà đẹp như bức tranh thêu.

Dưới mái nhà trung quân, các vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn,… đều được để đúng vị trí như trước đây.

Những câu chuyện kể, những chiến tích một thời hào hùng sống động như thước phim quay chậm, khiến tất cả những người đến thăm đều tự hào, xúc động.

Đi một vòng qua các trạm kiểm soát, các căn nhà lợp toàn lá trung quân, những dấu tích của cơ quan Trung ương Cục Miền Nam vừa được phục chế, chị Sinh chỉ chúng tôi một trạm canh “đời mới” được dựng trên nền cũ, mái lá trung quân được thay bằng những tấm nhựa giả lá được ghép lại.

Có những tiếng “ô, a” ngạc nhiên và cũng có cái lắc đầu ngao ngán… vì giờ tất cả mọi thứ đều có thể làm giả. Có bác cựu chiến binh nói rằng:

“Đừng giả trung quân!”, vì dù chỉ chịu được 3 mùa mưa nắng nhưng lá trung quân sống mãi trong ký ức của những người đã từng ở đó, nhắc nhớ một thời gian khó mà hào hùng, thiên nhiên kỳ vĩ mà ấm tình đến lạ lùng!

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ