Tản văn

Nhớ quê

Cập nhật, 12:21, Chủ Nhật, 05/08/2018 (GMT+7)

Lâu lắm rồi tôi chưa nghe được những câu hát ru hay đến thế. Giọng chị hàng xóm ru con khoan nhặt, ngân vang, bổng trầm. Chị hát hay hay đó là sự đồng điệu của những người con xa quê.

“Ầu ơ!... Ai về thăm mẹ quê ta…

Chiều nay có đứa… con xa nhớ thầm”…

Trời đã sang thu tháng tám sao vẫn nghe trong nắng chát chúa, oi nồng. Tôi ghét cái tiết trời đỏng đảnh này quá đỗi. Nắng sẽ làm bạc thêm chiếc áo đã ngả màu của cha nhưng lắm lúc lại vội mưa mau trĩu thêm nỗi lòng của mẹ.

Cha: Suốt một đời thủy chung với ruộng đồng, khoai bắp nên chẳng khi nào lưng thôi ướt đẫm mồ hôi. Vậy mà nắng cứ hay trêu người.

Nắng vội tắt nhường chỗ cho mây đen xám xịt. Mẹ đang chắt nước nồi cơm sau nhà. Cha tranh thủ nhấp ngụm trà cho đỡ mệt.

Bỗng vẳng xa xa là “tiếng hú” báo mưa về. Cha tất tả chạy ra sân cào lúa. Mẹ quýnh quàng coi sóc lại cái ổ gà. Những điều xem ra tưởng chừng là cỏn con, vụn vặt sao đối với tôi lại nhớ nhung lạ kỳ. Tôi nhớ cái mảnh đất nắng khô cằn, mưa nước lũ. Mảnh đất chỉ có khoai, sắn, rau dại, cá đồng. Nhưng, mảnh đất ấy đã nuôi tôi lớn khôn từng ngày nên thành ra tôi cứ nhớ.

Ừ mà!... Ai không có một làng quê, một cội nguồn để nhớ. Cứ vén áo lên xem, bụng ai cũng có một vết cắt còn vương mùi đất với bùn. Nơi chôn nhau cắt rốn thì làm sao mà quên cho đặng đừng.

Vậy nên, đố ai có thể vỗ ngực hô rằng: Tôi đã thật sự quên. Với những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn (như tôi), một khoảnh sân, một góc vườn, một thửa ruộng hay chỉ là một bãi đất trống cũng sẽ hóa thiên đường để tuổi thơ lân la tìm đến và khi nhớ ta lại đi tắt tìm về.

Lập nghiệp xứ người nhưng biết bao lần tôi đã “dừng lại” để hình dung làng quê ta mùa rơm rạ trải vàng đồng. Hay những lúc lũ về vây khắp chốn, tôi thảng nghe tiếng than khóc giữa muôn trùng.

Rủi ro cho người này, mất mát của người kia, hàng xóm láng giềng lại tựa vào nhau mà đi qua gian khó, bám đất bám làng. Những khắc khoải ấy như tiếp thêm sức mạnh, để tôi tự an ủi mình: ra đi rồi sẽ trở về bởi hồn mình, làng quê đã nắm níu.

“Ầu ơ!... Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục... ao nhà vẫn hơn... ”

DIỄM KIỀU