Truyện ngắn

Ông Tám Huỳnh

Cập nhật, 05:21, Chủ Nhật, 05/08/2018 (GMT+7)

Ngoài đầu vàm Kinh Tắc có bốn gia đình liền canh liền cư: Ba Đức, Năm Nhãn, Bảy Bộ và Tám Huỳnh. “Nhứt cận thân nhì cận lân”, họ thân mật với nhau hơn những người khác trong xóm.

Ba Đức lớn tuổi nhất, ngấp nghé tám mươi, Tám Huỳnh và hai người kia trên dưới “thất thập cổ lai hy”. Ngược lại, Tám Huỳnh nghèo nhất so với ba ông bạn nhưng có trình độ học vấn cao hơn, kiến thức rộng hơn. 

Trước kia ông đậu Tú tài toàn phần, là giáo viên ngạch “Giáo học bổ túc”, sau ngày hòa bình thống nhất ông tiếp tục dạy học đến ngày nghỉ hưu.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Huỳnh không phải tên ông mà là họ, bởi vì trong xóm có ba người tên Tám nên người ta mới đặt biệt danh cho dễ phân biệt. Hai ông kia là Tám Xị, Tám Mốc do họ uống rượu như hũ chìm và chân tay lúc nào cũng mốc cời mốc thích.

Tính tình hòa nhã, khiêm tốn, tác phong và phẩm chất đạo đức tốt, ăn ở được lòng bà con, được bà con quý mến, tôn trọng. Gia đình ấm êm, cha mẹ mẫu mực, con cháu hòa thuận, hiếu thảo, nhiều người khen hạnh phúc.

Ông bà Huỳnh đi bộ thể dục về ngang quán cà phê chị Hạnh thì có tiếng gọi lớn:

- Tám Huỳnh!

Ông Huỳnh nhìn vào thấy ba ông bạn già đang ngồi trong quán, Năm Nhãn mời vô uống cà phê. Ông hơi lưỡng lự. Ông rất ít uống cà phê quán mà chỉ uống ở nhà và chỉ uống cà phê đen pha phin, mỗi ngày hai cữ sáng và trưa.

Nhưng, thấy lâu lâu mới có dịp bốn người ngồi chung bàn, ông Huỳnh kêu vợ về trước và bước vào quán. Bốn người trò chuyện một hồi, Năm Nhãn nói:

- Có một chuyện rất thương tâm mà tui định mời ba anh đến nhà bàn bạc tìm cách giúp đỡ nhưng người mọc người lặn như sao mai sao hôm nên chưa thực hiện được. Hơn nữa, tui sợ nói ra mấy anh hiểu lầm cho tui vị kỷ vị thân?

- Chỗ anh em không chớ có xa lạ đâu mà rào với đón? Mệt ông quá?- Bảy Bộ thúc giục.

- Chuyện ra sao?- Ba Đức hỏi.

- Chị Bảy Hiếu bị xơ gan khá nặng, nằm viện không có ai chăm sóc, không có tiền ăn uống phải trốn về nhà uống thuốc Nam lây lất.

Bệnh ngặt nghèo mà không được chữa trị tới nơi tới chốn, nếu chết thì khỏe cho chỉ, còn sống mà èo uột thì khổ sở vô cùng cho nên tui muốn bàn với mấy anh xin phép chính quyền, mở cuộc lạc quyên vận động bà con đóng góp giúp đỡ chị ấy. Nếu lạc quyên thành công, tui sẽ đưa chỉ đi bệnh viện và cho con gái chăm sóc. Mấy anh nghĩ sao?

Bà Bảy Hiếu là chị chú bác Năm Nhãn. Bà có hai con, thằng lớn chết vì tai nạn giao thông, chỉ còn con Thu. Trước kia đất cát của bà cũng khá, khoảng chục công vườn chôm chôm, chia cho hai con sáu công còn lại bốn công.

Hồi chồng còn sống, chỉ ỷ lại vào chồng, không làm động móng tay nên sau khi ông ấy chết, chỉ không biết cách chăm bón, mùa màng thất bát triền miên.

Lại thích ăn xài thành ra cứ bán vườn dần dần đến hết dù con Thu đề nghị bán hoặc cho nó thuê. Đáng lẽ nên bán hoặc cho nó thuê để nhờ cái thân lúc tuổi già bóng xế nhưng lại bán cho người dưng khiến mẹ con trở mặt, cãi lộn như bầm bầu, coi nhau như kẻ thù. Đến chừng nghèo túng, bị bệnh xơ gan đến nhờ vả nó, nó bỏ mặc, không thèm ngó ngàng đến.

- Tưởng chuyện gì quan trọng, té ra chuyện đó?- Ba Đức nói- Sao chú không tự làm mà lôi tụi tui vô?

Năm Nhãn cười hề hề:

- Mấy anh có uy tín hơn nên tui muốn chắc ăn?

- Tốt quá rồi còn gì?- ông Huỳnh nói- Làm việc thiện là truyền thống của lòng nhân đạo. Bố thí là làm việc thiện, lạc quyên tạo cơ hội cho mọi người bố thí để họ thể hiện và vun bồi lòng nhân đạo.

Bảy Bộ đồng tình:

- Giúp đỡ người hoạn nạn nghèo túng neo đơn là chuyện đáng làm và nên làm, còn bàn bạc gì nữa? Hơn nữa, nó cũng chẳng nặng nề gì chỉ tốn chút công thôi.

- Chín người mười ý, hai chú đừng chủ quan. Nhiều người làm một việc thì phải có sự nhất trí mới đạt hiệu quả- Ba Đức nhắc nhở.

- Tui nghĩ chắc ai cũng tội nghiệp và xót thương hoàn cảnh của chị Hiếu. Có con như không có. Bây giờ còn đi đứng, xoay trở được, đến khi lết trong mo bò trong mủng mới khổ, muốn sống không được muốn chết không xong. Đúng là vô phước!- Bảy Bộ biện minh.

Tính Ba Đức nóng nảy, cố chấp nên phản ứng liền:

- Có phước đâu mà vô mà tội nghiệp? Gieo nhân nào gặt quả đó, trời đất rất công bằng chớ oan ức gì? Có đất vườn mà không biết thủ thân, sang bán ăn cho đã đến khi già cả nghèo đói bệnh hoạn thì kêu gọi người ta giúp đỡ? Con Thu bất hiếu là lỗi của nó nhưng lại do mẹ nó tạo ra.

Tạo nghiệp thì ráng chịu, càng oán than càng bị thiên hạ chê cười, nhục nhã. Cả xóm này ai không biết chuyện đó nên tui nghĩ không ai giúp đâu, làm chi mất công vô ích?

Bảy Bộ thoáng chút trầm ngâm rồi gật đầu nhè nhẹ, nói:

- Cũng rất có thể. Hồi nãy tui cũng sợ như vậy nhưng chưa nói ra.

- Chưa làm sao biết được, hai anh?- ông Huỳnh nói- Hiện nay người ta làm từ thiện nhiều lắm nghen.

Ba Đức và Bảy Bộ nín thinh. Ông Huỳnh đưa mắt nhìn họ. Thái độ của anh Ba đồng nghĩa với từ chối dứt khoát, còn thái độ của anh Bảy thuộc loại ba phải, tiền hậu bất nhất, gió chiều nào ngả theo chiều đó, ngó chừng đã ngả theo anh Ba. Ông Huỳnh nhận xét rồi thuyết phục hai người:

- Hoàn cảnh của chị Hiếu vừa đáng trách vừa đáng thương. Mục đích tối hậu của cuộc sống là an vui hạnh phúc cả vật chất lẫn tinh thần và chỉ có hiện tại mới đem lại điều đó.

Quá khứ là phần đời không thể thay đổi, không thể đem an vui hạnh phúc cho cuộc sống. Thế thì tại sao lại lấy cái không thể bỏ cái có thể, chấp cái đáng trách bất chấp cái đáng thương? Giàu hay nghèo, phải hay trái đều là một mạng người, giá trị như nhau chứ có gì khác?

Ông Đức phản đối:

- Sao không khác? Có quá khứ mới có hiện tại, không nhân làm sao sanh quả? Mỗi người mỗi thân phận khác nhau, chú cũng biết điều đó mà nói vậy nghe sao được?

Bị chê trách nhưng ông Huỳnh vẫn tươi cười và vui vẻ nói:

- Đúng! Đó là quy luật tất yếu và bất di bất dịch của trời đất, tui không phủ nhận. Tuy nhiên, cái mà anh cho là khác đều do người đời phân biệt chứ trời đất rất công bình, có công thì thưởng có tội thì trừng, không thiên vị bất cứ ai.

Ngay cả luật pháp cũng vậy. Người ta có thể lọt lưới luật pháp nhưng không thể thoát được lưới trời.

Lời nói có sức công phá mãnh liệt như quả trọng pháo, Bảy Bộ thay đổi thái độ như trở bàn tay:

- Đúng vậy! “Cứu một mạng người bằng xây năm bảy kiểng chùa”, cho nên thấy người lâm nạn sắp chết không cứu chẳng những tổn âm đức còn bị pháp luật trừng phạt và thiên hạ nguyền rủa.

Ý dân là ý trời, miệng đời rất lợi hại, linh như cú, ai bị nguyền rủa sẽ cất đầu không nổi, sớm muộn gì cũng gặp tai họa.

Ông Huỳnh đưa tay vỗ vỗ vào vai bảy Bộ, miệng mỉm cười, đầu gục gặc. Được tán thưởng, ông ấy vô cùng phấn khích.

Ngược lại, bị Bảy Bộ phản bội, tiếp tay ông Huỳnh thành song kiếm hợp bích tạo nên hai mũi giáp công khiến ông Ba cảm thấy cô đơn, yểu xìu như cái bánh phồng nếp nướng thiếu lửa. Sợ ông ấy tự ái bỏ cuộc, ông Huỳnh bèn xoa dịu:

- Những người nóng nảy, thẳng tính nghe chuyện sai trái mấy ai không bất bình nổi giận? Nhưng họ tốt ở chỗ không để bụng giận lâu giận dai, sau khi cơn giận qua đi họ lại sẵn sàng bỏ qua và tha thứ hết.

Đó là sự thể hiện lòng từ bi hỷ xả của đạo Phật và lòng bác ái của đạo Thiên chúa. Tui nghĩ anh Ba cũng thế, “khẩu xà tâm Phật”, nói vậy chứ không phải vậy, phải không hai anh?

Bảy Bộ và Năm Nhãn gật đầu. Đúng là tuyệt chiêu! Được ông Huỳnh và hai người kia “vuốt giận”, thái độ ông Ba thay đổi ngó thấy. Mặt bớt căng thẳng, trầm tư, nghĩ ngợi.

Ba Đức hối hận, nói:

- Xin lỗi mấy chú, do nóng nảy cố chấp nên tui thiếu suy nghĩ, bây giờ mấy chú tính sao tui nghe vậy.

Nãy giờ Năm Nhãn ngồi nhìn diễn biến sự việc như tâm trạng chàng trai đi “coi vợ” lần đầu và chờ đợi cái gật đầu ưng thuận của cô gái trong hồi hộp, lo âu. Đến giờ phút này mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi chính quyền cho phép, cuộc lạc quyên được thực hiện ngay, bốn người thay phiên nhau làm, nay người này, mai người khác.

Ông Huỳnh xung phong đi làm đầu tiên và tự nguyện đóng góp nửa tháng lương hưu. Ba ông còn lại cũng không hề thua kém.

TRƯƠNG HOÀNG MINH