NHÂN NGÀY SÁCH VIỆT NAM (21/4), NGÀY SÁCH VÀ BẢN QUYỀN THẾ GIỚI (23/4)

Phát triển văn hóa đọc- nhìn từ nhà ra hiệu sách

Cập nhật, 05:46, Chủ Nhật, 22/04/2018 (GMT+7)

Gia đình- mà hơn ai hết ông bà cha mẹ chính là những người nêu gương, thắp lên niềm đam mê đọc sách và yêu sách cho trẻ. Đồng thời, các hiệu sách cũng là những điểm hẹn văn hóa đọc. Từ những khuyến khích của gia đình đến hệ thống các nhà sách sẽ giúp văn hóa đọc phát triển.

Truyền thống đọc sách

Cùng với nhà trường, phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa đọc cho trẻ.
Cùng với nhà trường, phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa đọc cho trẻ.

Việc đọc sách cần được rèn luyện từ nhỏ và hơn ai hết gia đình chính là cái nôi, nền tảng đầu tiên để hình thành văn hóa đọc cho trẻ. Sách khơi gợi trong trẻ mọi tò mò về sự vật, hiện tượng trong cuộc sống và tri thức từ sách cũng là lời giải đáp cho trẻ.

Sách kích thích khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng cho trẻ. Từ việc hình thành các kỹ năng phát hiện, tìm tòi để hiểu vấn đề, sách giúp trẻ trưởng thành và là nền tảng để có một nhân cách tốt đẹp.

Mỗi tuần chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (ở Phường 1- TP Vĩnh Long) đều đặn dẫn con đi đọc và mua sách. Chị Liễu cho biết: “Ngay từ khi các bé chưa biết chữ đã có thể đọc sách bằng cách xem hình và vợ chồng tôi hướng dẫn thêm”.

Đọc sách in giúp các bé phát triển tư duy, trí tưởng tượng và “thấm” sâu hơn là xem phim hay đọc sách online.

Quà tặng thông thường của chị Liễu dành cho con là quyển truyện tranh mà con thích, bên cạnh chị còn lựa chọn những quyển sách thích hợp với lứa tuổi của bé. “Con có thể đọc sách khi con mệt mỏi hoặc bất cứ khi nào con thích.

Riêng tối trước khi ngủ thì cả gia đình, mỗi người một quyển vừa đọc vừa kể và bàn về nội dung những quyển sách đó”- chị Liễu chia sẻ.

Cùng con gái 5 tuổi và cháu trai lựa sách trong Hội sách ở Quảng trường TP Vĩnh Long, chị Phan Thị Ngọc Liên vui vẻ cho biết:

Ngay từ lúc con còn nhỏ xíu, chị đã cho xem nhiều tranh ảnh, có chữ đơn giản để kích thích bé. Lớn lên một chút thì tùy độ tuổi mà chị chọn mua truyện cổ tích, truyện tranh phù hợp cho các bé hiểu.

Chị nói: “Ví dụ như cùng truyện tranh nhưng ở tuổi 5- 6, bé có thể hiểu “Doraemon” chứ không thể hiểu “Thám tử lừng danh Conan” được”.

Chọn đúng truyện, đúng độ tuổi sẽ làm bé thích thú đọc sách hơn. Nói về lợi ích đọc sách thì chị Liên khoe: “Con gái lớn của tôi đã học lớp 8, từ nhỏ được rèn nên rất thích đọc sách, nhờ vậy bé học văn rất giỏi”.

Nhà sách “đọc thoải mái”

Hình ảnh bé ngồi đọc say mê bên kệ sách dần trở nên quen thuộc tại các hiệu sách.
Hình ảnh bé ngồi đọc say mê bên kệ sách dần trở nên quen thuộc tại các hiệu sách.

Công ty CP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (Fahasa) đến nay có hơn 100 cửa hàng trong cả nước, đã góp phần thay đổi văn hóa đọc.

Từ các hiệu sách kiểu cũ như những cửa hàng mậu dịch, Fahasa đã có sự thay đổi mang tính cách mạng khi mở các nhà sách- nơi người mua sách có thể tùy ý tham quan, đọc thử, chọn lựa sách như trong một siêu thị hàng hóa thông thường.

Theo chị Nguyễn Thị Huỳnh Trang- Cửa hàng trưởng nhà sách Fahasa chi nhánh Vĩnh Long: “Ngoài 4 đợt khuyến mãi giảm giá sách truyền thống trong năm, chúng tôi chuẩn bị ghế cho khách hàng có nhu cầu ngồi đọc sách nhưng do nhiều bé thích ngồi bệt gần kệ nên mới dẹp các ghế đi.

Khách đến đây được đọc sách thoải mái”. Với sự chuyển hóa qua mô hình siêu thị, sách đã có sự thay đổi về bản chất khi tiếp xúc với bạn đọc. Chị Trang cười thật tươi: “Vĩnh Long là một trong những chi nhánh của Fahasa bán chạy nhất ĐBSCL”.

Công ty Văn hóa Phương Nam là đơn vị thành công trong sự thay đổi hình ảnh nhà sách, dẫn đến những thay đổi về văn hóa đọc.

Một trong các thay đổi nổi bật của hệ thống nhà sách Phương Nam (PNB) là mở rộng khoảng không giữa các kệ sách để đặt các hàng ghế.

Dù điều này đồng nghĩa làm giảm số lượng sách trong nhà sách, nhưng lại tạo không gian thoải mái để khách tìm sách có chỗ đọc thử.

Chị Lương Xuân Mai- Cửa hàng trưởng nhà sách Phương Nam tại Vĩnh Long chia sẻ: “Tại Vĩnh Long, do chúng tôi mới đầu tư và lượng bạn đọc chưa nhiều nên chưa có những hàng ghế hay cà phê sách như TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, khách vào Phương Nam cứ đọc sách thoải mái, đọc bao nhiêu và bao lâu cũng được”.

Có thể nói, việc rèn luyện thói quen đọc sách ở gia đình từ nhỏ là rất quan trọng. Song hành với gia đình, các nhà sách đang giúp cho đời sống văn hóa đọc trở nên sôi động, đầy sức sống hơn, sách cũng đến với bạn đọc dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, trẻ em nông thôn vẫn còn nhiều thiệt thòi khi không có nhà sách để tiếp cận.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Trang: Trẻ nhỏ bây giờ chỉ thích chơi game hay xem phim, xem hoạt hình từ Internet. Tôi tập thói quen đọc sách cho bé bằng cách ra điều kiện khi bé đọc hết quyển sách mới cho chơi game 15 phút. Ngày xưa, hoàn cảnh sống khó khăn phải dành dụm để có tiền mua sách nên bây giờ tạo mọi điều kiện cho bé quen với việc đọc.

Chị Lương Xuân Mai cho biết: Tôi quê ở huyện Trà Ôn, các cháu tôi ở quê ít được tiếp cận nên chưa thích đọc sách. Để khuyến khích các cháu đọc sách, tôi không chỉ mang sách về tặng cho cháu mà còn hứa sẽ tặng quà khi các cháu đọc xong và tóm tắt nội dung sách cho tôi nghe.

Chị Trương Thị Kiều Loan (Phường 3- TP Vĩnh Long): Đọc sách là việc hoàn toàn không thể bắt ép nhưng phụ huynh có trách nhiệm tạo thói quen đọc sách và định hướng cho bé chọn sách phù hợp. Bé còn nhỏ thì đọc để rèn mặt chữ, nhưng lớn hơn thì đọc sách để rèn cả nhân cách.

Chị Trần Thị Kim Anh (giáo viên Trường THCS Thanh Đức- Long Hồ): Tôi thích loại sách dành cho mẹ và cho cả con như sách về kỹ năng sống, kiến thức gia đình… Đọc sách cùng con là cơ hội để phụ huynh gần gũi con hơn lại tự trau dồi kiến thức, làm giàu đời sống tinh thần sau những bộn bề cuộc sống.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY