Truyện ngắn

Tết muộn

Cập nhật, 05:23, Thứ Bảy, 21/04/2018 (GMT+7)

Không khí đón tết mừng xuân bắt đầu từ hăm ba tháng Chạp và càng sôi động, nhộn nhịp tưng bừng vào những ngày cận tết. Những ngày thường, chợ chỉ đông đúc người mua kẻ bán vào buổi sáng, từ chín mười giờ về sau thưa thớt dần và vắng lặng “hoang sơ như buổi chợ chiều”. 

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Còn những ngày này, chen chân không lọt từ sáng đến chiều. Hàng hóa dồi dào, đa dạng, từ lương thực, thực phẩm đến các mặt hàng trang hoàng nhà cửa, thờ cúng và mang tính nghi lễ, tục lệ trong ngày tết.

Vào các ngày áp chót, chợ nhóm cả ban đêm, đông vui nhất là khu chợ hoa, nhiều chủng loại, sắc hương, từ bình dân đến cao cấp. Xuân đã cận kề, tết sắp đến nên nhà nhà nhộn nhịp, người người hối hả mua sắm, chỉ có nhà của bé Mỹ im lìm, vắng vẻ như đêm ba mươi.

X

Bên cù lao Mây có một bãi bồi khá rộng được chánh quyền Trà Ôn bao ngạn khô ráo rồi chia cho gần năm chục gia đình chính sách và hộ nghèo. Đất chia theo nhân khẩu mỗi hộ, hộ đông nhất được hai công, hộ ít nhất một công.

Vợ chồng Khanh và Cầm thuộc diện nghèo nhưng do chỉ có con Mỹ nên nhận được một công. Có đất mà không có vốn sản xuất ví như chiếc ghe không có dầm chèo, chỉ bơi bằng cây sào tròn lụi không thể tiến nhanh được, nhất là lúc gặp nước ngược còn có nguy cơ tụt hậu?

Sau vài năm trồng rau màu lỗ nhiều hơn lời, họ bán đất dọn về cất cái nhà nhỏ bên hông nhà cha mẹ ruột Khanh.

Có được số tiền khá lớn, họ mở quán bán cà phê, nước giải khát và tiệm tạp hóa nho nhỏ. Buôn bán có đồng vô đồng ra,

Cầm tích lũy thêm bằng cách nuôi hụi mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi nửa tháng. Khanh trở thành người tốt bụng, hào phóng, bao luôn việc ăn uống của cha mẹ, sẵn sàng cho anh em, bạn bè và hàng xóm thân thích mượn tiền vô điều kiện.

Cũng từ ngày đó, anh ta bắt đầu lười biếng, không thèm làm bất cứ chuyện gì mà chỉ lo hưởng thụ để bù lại những ngày cực khổ trước kia.

Ngoài việc ăn nhậu, Khanh còn sa đà vào số đề, đá gà, mua vé số mỗi ngày ít nhất năm vé, có khi còn mua hết mười mấy vé của những người bán ế, ôm sô.

Ngồi không ăn núi cũng phải lở, huống chi tiền bạc. Cầm lại bị vỡ hụi và những người vay nóng quỵt nợ, mất trắng vài chục triệu khiến cho vợ chồng họ “mèo lại hoàn mèo”.

Vợ chồng gởi con Mỹ cho ông bà nội, dắt díu nhau lên Bình Dương làm công nhân nhưng không có tay nghề nên chỉ lao động thời vụ, phổ thông, lương bổng ít ỏi, không đủ chi phí cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ. Họ lại bồng chống nhau trở về chỗ ở cũ.

Ít lâu sau, một người bạn của Khanh làm nghề bốc vác lưu động ở các bến tàu, bến xe trên TP Vĩnh Long dẫn đi nhập bọn. Cầm thì qua chợ Trà Ôn bán vé số kiếm sống hàng ngày và nuôi con Mỹ ăn học.

X

Xế chiều hăm chín tháng Chạp, cuối năm gió bấc thổi dồn, trời trở lạnh. Bé Mỹ ngồi co ro trong chiếc áo khoác cũ kỹ, đưa mắt nhìn quanh căn nhà.

Đến giờ phút này mà nhà nó vẫn trống vắng quạnh hiu, lạnh lẽo ảm đạm như mùa đông, chưa có một chút không khí đón tết mừng xuân.

Thấy nhà hàng xóm mua sắm đủ thứ, trang hoàng hực hỡ, tràn ngập niềm vui, Mỹ chợt se lòng, rơm rớm nước mắt.

Mỹ bước ra sân trông ngóng. Cha vẫn biền biệt xứ người, mẹ còn chen chân đầu đường cuối chợ. Làm nghề bốc vác lưu động ở các bến xe bến tàu khá bấp bênh do ngày thường hàng hóa ít, thu nhập thấp, chỉ “tay làm hàm nhai”, không có dư gởi về cho vợ con.

Những ngày cận tết, nhiều hàng hóa hơn là dịp tốt cho Khanh kiếm tiền, đó là lý do anh ta về muộn. Khi nghèo túng, vợ con trông mòn con mắt mới tỉnh ngộ thì đã muộn màng. Cầm cũng tranh thủ người mua bán đông đúc, lãnh thêm vé số bán đến ba bốn giờ chiều.

Hôm nay, gần tối Cầm mới về do đi mua quần áo, giày dép cho con và vài bịch bánh mứt loại nhỏ, còn các thứ khác đợi ngày mai bán xong và Khanh về mới mua. Vừa bước vào nhà, Cầm hỏi Mỹ:

- Cha về chưa?

- Dạ chưa!- Mỹ đáp.

Buồn bã pha chút dỗi hờn, Cầm cằn nhằn:

- Làm gì ở trển mà tới giờ này chưa về?

- Mai cha sẽ về, con tin chắc như vậy!- Mỹ an ủi mẹ.

- Con nấu cơm chưa?

Mới chín tuổi, học lớp bốn nhưng do ở nhà thường xuyên nên Mỹ biết tự nấu cơm, rửa chén bát, giặt quần áo và quét dọn trong ngoài.

- Dạ rồi! Mẹ có mua đồ ăn không?

- Chưa! Để mai bán xong và cha về mới mua.

Hồi xưa, ngày hăm chín hoặc ba mươi tháng Chạp, chợ chỉ buôn bán non buổi sáng rồi dọn dẹp, ai về nhà nấy ăn tết.

Người ta gọi buổi chợ đó là “buổi chợ nhà nghèo” vì chỉ có người nghèo lo làm thuê làm mướn đến hết ngày hôm qua mới có tiền mua sắm.

Buổi chợ này có hai đặc điểm, giá cả tăng cao vì thiếu hàng hóa, sụt giảm do dư thừa. Ngày nay người ta buôn bán tới chiều nhưng giá cả cũng lên xuống theo số lượng hàng hóa. Thường thì tăng gấp rưỡi, gấp đôi nhưng người nghèo vẫn phải cắn răng bấm bụng mua cho có với người ta!

- Hâm nồi cá ăn đỡ đi con!- Cầm biểu.

- Nội có cho mấy trái dưa hấu. Xẻ dưa ăn cơm hén mẹ?- Mỹ nói.

- Ừ!

Cầm ngồi sắp xếp lại tiền bán loại nào theo loại nấy gọn gàng. Mỹ vào bếp hâm cá, xẻ dưa hấu chuẩn bị bữa cơm. Nhìn con gái lủi thủi đi làm, Cầm buồn rười rượi.

Gia đình nghèo túng, thiếu thốn là lỗi của vợ chồng mình chớ nó có tội lệ gì mà phải chịu vạ lây? So với bạn bè trang lứa, nó bị thiệt thòi quá mức.

Mới chừng ấy tuổi mà đã biết làm những việc của người lớn thay vì học hành, tung tăng chơi đùa cùng chúng bạn.

Vợ chồng mình là cái gương xấu, gieo vào lòng nó một sự thất vọng ê chề. Tuy nó không trách cứ dỗi hờn, ngoan ngoãn vâng lời nhưng làm gì không có nỗi buồn man mác!? Cầm thở dài thườn thượt!

Mỹ dọn cơm lên bàn. Bữa cơm đạm bạc nhưng hai mẹ con ngồi ăn ngon lành.

Khoảng chạng vạng tối, Cầm và Mỹ bất ngờ đón những vị khách không mời. Họ là cán bộ địa phương và những nhà hảo tâm đến tặng quà và lì xì cho mẹ con chị vui tết, mừng xuân.

Hai người xăm xoi bao lì xì và giỏ quà đầy ắp rồi đưa mắt nhìn nhau dâng trào cảm xúc. Niềm vui và hạnh phúc vỡ òa, tràn ngập căn nhà chật hẹp.

TRƯƠNG HOÀNG MINH