Chiến thắng Bắc Nước Xoáy

Cập nhật, 06:35, Chủ Nhật, 20/11/2016 (GMT+7)

Địa danh “Nước Xoáy” là vùng nước xoáy mạnh, nguy hiểm trên dòng sông Măng Thít, thuộc địa phận 2 xã Tân An Luông (Vũng Liêm) và xã Hòa Hiệp (Tam Bình). Để qua lại sông, người dân phải dùng chiếc bắc (phà) đi qua nên người dân gọi là “Bắc Nước Xoáy”.

Công nhân đang hoàn thành các hạng mục Bia chiến thắng Bắc Nước Xoáy.
Công nhân đang hoàn thành các hạng mục Bia chiến thắng Bắc Nước Xoáy.

Tại đây, đêm 23/11/1940, đồng chí Phan Văn Hòa (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) đã lãnh đạo nghĩa quân, với vũ khí thô sơ như giáo, mác, gậy gộc và một ống loa làm bằng sắt thùng, đã đánh chiếm đồn và phá bắc Nước Xoáy; cắt đứt đường giao thông liên lạc, ngăn chặn đường chi viện của địch từ Vĩnh Long xuống Vũng Liêm, góp phần thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa tại quận lỵ Vũng Liêm.

Khi dòng chảy sông Măng Thít mà dân gian quen gọi là sông Măng bị dòng chảy rạch Ông Nam đột ngột đổ ra chặn lại thì hai dòng chảy quyện vào nhau tạo thành những xoáy nước cuộn tròn.

Lúc nước chảy mạnh, xoáy nước rít lên những tiếng kêu o… o… ọt, tâm xoáy có một lỗ tròn sâu hút, dân gian gọi là mắt xoáy, giông giống như mắt bão.

Các loại lục bình, cỏ, rác nếu trôi gần sẽ bị xoay tròn và cuốn vào mắt đó. Đây là khu vực nguy hiểm cho các xuồng ghe nhỏ đi lại trên sông. Từ xưa, người dân gọi đoạn sông này là “Nước Xoáy”.

Khi chính quyền thực dân Pháp đắp tuyến lộ 170, nối 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh, con lộ chạy gần vàm rạch Ông Nam, nối 2 bờ là một chiếc bắc đóng bằng gỗ, di chuyển bằng sức người chèo.

Tên gọi “Bắc Nước Xoáy” được đặt cho bến bắc này. Đứng xa hàng cây số vẫn nhìn thấy 2 đầu trụ thép nhô cao khỏi các hàng cây hai bên bờ.

Tuyến lộ 170 với bến bắc Nước Xoáy và trụ dây thép vượt sông Măng là một yếu điểm trên con đường giao thông bộ và đường điện thoại huyết mạch nối 2 tỉnh Vĩnh Long- Trà Vinh.

Để bảo vệ yếu điểm này, thực dân Pháp cho đóng một bót ở phía bờ Bắc thuộc quận Tam Bình. Bót này vừa giữ gìn yếu điểm giao thông, vừa là bót chỉ huy cả khu vực xung quanh.

Năm 1940, thực hiện lệnh của Xứ ủy Nam Kỳ về việc tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ tại huyện Vũng Liêm, lúc 17 giờ ngày 22/11/1940, tại nhà ông bà Tư ở xóm Trà Khang (nay thuộc ấp Trung Xuân, xã Trung Thành), Quận ủy Vũng Liêm tổ chức cuộc họp phân công lãnh đạo khởi nghĩa ở quận Vũng Liêm, gồm: đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Bí thư Quận ủy, Trưởng Ban khởi nghĩa; Phạm Văn Ba (Lọ Nhỏ)- Phó Bí thư Quận ủy; Nguyễn Văn Nhung (Ba Sa)- Quận ủy viên, Bí thư làng Trung Ngãi; Phan Văn Ba (Ba Lọ)- Quận ủy viên; Út Tao- Quận ủy viên, Bí thư Chi bộ làng Trung Thành; Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt)- Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp,…

Kế hoạch khởi nghĩa của quận Vũng Liêm được vạch ra cụ thể, chia thành 3 mũi. Mũi 1 là chiếm dinh quận Vũng Liêm, bót cò, nhà dây thép, giành chánh quyền ở quận; mũi 2 cắt đường giao thông liên lạc từ Trà Vinh về Vũng Liêm và mũi 3 cắt đường giao thông, liên lạc từ Vĩnh Long về Vũng Liêm.

Riêng lực lượng các làng đồng loạt nổi dậy giành chánh quyền ở làng xã mình. Đây là 3 mũi chính do Ban Khởi nghĩa quận trực tiếp chỉ huy. Còn ở các tổng, làng, chi bộ có nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm nhà việc, phá tề, chặt cây cản lộ, cắt đường điện thoại,…

Nhiệm vụ cắt giao thông ở Nước Xoáy (mũi 3) mới được Tỉnh ủy bổ sung vào chiều tối 22/11/1940 khi Quận ủy họp triển khai nhiệm vụ. Quận ủy Vũng Liêm giao cho đồng chí Phan Văn Hòa, tức Võ Văn Kiệt- Bí thư Chi bộ làng Hiếu Phụng cùng các đồng chí Hồ Chí Thiện, Huỳnh Văn Đắc chỉ huy lực lượng ở 2 làng Hiếu Phụng, Tân An Luông.

Đoàn quân xuất phát hành quân từ Hiếu Phụng, đi bộ theo trục lộ chính lên Tân An Luông. Khi lên đến Tân An Luông, quân số tham gia tăng lên gần 100 người. Vũ khí trang bị chỉ là dao, kiếm, phản, gậy gộc và một ống loa làm bằng sắt thùng cuốn lại. Thế nhưng tinh thần thì rất cao.

Người người đều hồ hởi, phấn khởi như mở cờ trong bụng, với một quyết tâm rất cao. Trong lòng họ chỉ có một niềm tin là sẽ chiến thắng, đuổi hết bọn thực dân xâm lược, giành lấy chính quyền, đem ruộng đất về cho dân cày.

Theo tài liệu trong cuốn “Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ”, mũi này có khó khăn là từ quận lên bắc Nước Xoáy khoảng cách 20km thì làm thế nào bằng đường bộ có thể lên kịp để thi hành nhiệm vụ đúng thời điểm quy định.

Cuối cùng, chỉ huy mũi 3 quyết định thuê chiếc xe đò của một tề làng, lấy lý do có người bệnh cần đưa ngay lên nhà thương Vĩnh Long. Nhờ vậy, lực lượng này đã lên được bắc Nước Xoáy kịp giờ hành động.

Chi bộ địa phương huy động du kích, cán bộ, cốt cán ra tham gia, lực lượng nghĩa quân lên đến hàng trăm người.

Ven lộ, lúa đã lên cao. Lúa là của nông dân cấy cày chăm bón, một nắng hai sương ngoài đồng ruộng, nhưng đến mùa gặt thì địa chủ thu lúa ruộng gần hết.

Có năm thất mùa, nông dân trắng tay, không còn hột lúa để ăn nói chi đến nuôi con vịt, con gà. Chỉ nghĩ đến việc giành lấy chánh quyền, nông dân sẽ có ruộng để cấy cày là tinh thần người người phấn khởi lắm.

Đoàn nghĩa binh hùng dũng lên đến Bắc Nước Xoáy, thời khắc gần nửa đêm. Lúc này là những ngày cuối tháng 10 âm lịch, bầu trời tối đen, lưa thưa một vài ánh sao không đủ ánh sáng nhìn thấy bờ sông bên kia. Chiếc bắc đang đậu phía bờ bên đó.

Bất ngờ có một chiếc xe hơi loại xe “mu rùa”- xe này của một cai tổng trong vùng- từ Vũng Liêm chạy lên. Trên xe chỉ có tài xế, không có chủ trên xe.

Các đồng chí bắt tài xế rọi đèn qua bến để kêu người chèo bắc qua rước. Khi người chèo bắc qua tới, cả xe và người tràn xuống. Công nhân chèo bắc thấy lạ, nhưng các đồng chí đã kịp trấn an và bảo cứ chèo bắc qua sông.

Khi bắc vừa cặp bến, xe rọi đèn chạy lên bờ. Lúc này, lính bót ngủ trong mùng dưới trại lính. Tên lính gác đứng lớ ngớ, mắt nheo nheo có lẽ vì ánh đèn pha của xe rọi thẳng vào mặt và có lẽ cũng vì hắn đang buồn ngủ. Đoàn nghĩa quân ập vào bót, binh lính và cả xếp bót bị bất ngờ, tháo chạy tán loạn.

Nghĩa quân nhanh chóng quật ngã, khống chế bắt sống toàn bộ binh lính, tước hết vũ khí. Đồng chí Phan Văn Hòa phát loa nhân dân nổi dậy giành chánh quyền, phá bỏ gông xiềng thực dân.

Đồng chí Hồ Chí Thiện leo lên đỉnh cột dây thép cắm một lá cờ đỏ sao vàng, đồng thời cột một lá cờ đỏ sao vàng lớn, căng 2 đầu có 2 khoen bằng dây kẽm to treo vào dây thép vượt sông.

Do dây thép có độ chùn nên khi gió thổi lá cờ trôi tuột ra giữa sông ngạo nghễ tung bay theo gió mà khi địch chiếm lại được Bắc Nước xoáy, đến mấy ngày sau chúng cũng không lấy được lá cờ xuống.

Lực lượng tràn ra phá banh bót, đục chìm chiếc bắc và chặt dây thả trôi theo dòng nước lớn; cắt đứt nhiều đoạn dây thép dọc theo tuyến lộ. Lực lượng khởi nghĩa còn kéo đổ cột điện và đốn cây làm chướng ngại vật ngăn chặn giao thông. Giao thông bộ và đường liên lạc điện thoại bị cắt hoàn toàn.

Bia truyền thống “Chiến thắng Bắc Nước Xoáy” tại Ấp 8 (xã Tân An Luông- Vũng Liêm), tọa lạc ven ngã tư đường xuống bến bắc Nước Xoáy cũ giao với Đường tỉnh 901. Công trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 1.600m2, gồm các hạng mục: nền đài bia, phù điêu, hội trường,…

Bia, biểu tượng, nền tượng và phù điêu do nhà điêu khắc Hứa Văn Chiến- Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long sáng tác mẫu phác thảo; Công ty TNHH Mỹ thuật 1TV Đương Đại TP Hồ Chí Minh thực hiện trên đá và Công ty TNHH Toàn Mỹ (TP Vĩnh Long) xây dựng nền.

Ngay trong đêm nổ súng tiến công, lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng chiếm được bến phà, tổ chức vượt sông, chiếm đồn Nước Xoáy, bao vây tề xã, treo cờ cách mạng, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi.

Tại Hiếu Thành, lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm công sở Nhà Đài. Sau đó, tỏa ra các ấp giải tán bộ máy tề ngụy, làm chủ xóm ấp. Trên cù lao Quới Thiện, lực lượng khởi nghĩa chiếm bót canh nhà việc Thanh Bình và làm chủ nơi này suốt 3 ngày.

Trong những ngày này, lực lượng khởi nghĩa ở làng Thạnh Phú, Thanh Lương, Rạch Vọp giải tán tề, lấy lúa của địa chủ chia cho dân làng.

Chiến thắng Bắc Nước Xoáy góp phần làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm. Chiến thắng Bắc Nước Xoáy thể hiện tinh thần cách mạng tiến công dũng cảm, kiên quyết và triệt để của người chiến sĩ cộng sản, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì muốn cho nhân dân thoát ách gông xiềng của thực dân xâm lược.

Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên trong tỉnh và thành công vang dội ở Vũng Liêm. Mặc dù trong bối cảnh chung, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thất bại; địch tập trung binh lực đàn áp dã man, đánh trốc nhiều cơ sở, bắn giết và bắt tù đày nhiều đảng viên và quần chúng cốt cán nhưng Chiến thắng Bắc Nước Xoáy trong Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại bài học quý giá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Để ghi nhớ công lao đóng góp của thế hệ đi trước, làm truyền thống giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định đầu tư xây dựng bia truyền thống “Chiến thắng Bắc Nước Xoáy” tại Ấp 8 (xã Tân An Luông).

Công trình gồm 4 hạng mục chính: Một là, bia và biểu tượng chiến thắng, cờ đỏ sao vàng được tạc bằng đá màu đỏ nguyên khối, cao 9m, đặt trên bệ cao 2m.

Hai là, phù điêu thể hiện các nội dung chính của diễn biến trận đánh, được tạc bằng đá, màu xám xanh, cao 4,5m, rộng 13m, đặt ngay phía sau bia biểu tượng. Ba là, nhà trưng bày truyền thống đặt ngay phía sau phù điêu.

Bốn là, sân công viên ở phía trước dùng làm nơi sinh hoạt truyền thống và vui chơi của lớp trẻ. Đây là biểu tượng và phù điêu được tạc bằng đá đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Công trình mang nét kiến trúc hài hòa, thiết kế tinh tế, thi công đẹp mắt, mang tính nghệ thuật cao.

Hội đồng nghệ thuật đã thống nhất nghiệm thu phần nghệ thuật của biểu tượng và phù điêu. Vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940- 23/11/2016) và 94 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2016)- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, người chỉ huy trận đánh Bắc Nước Xoáy- Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành bia truyền thống “Chiến thắng Bắc Nước Xoáy”.

Đây sẽ là điểm đến được bổ sung trong hành trình tìm về cội nguồn của thế hệ trẻ và là địa chỉ tham quan bổ ích đối với khách du lịch gần xa.

Cùng với mũi 3, mũi 1 do đồng chí Nguyễn Thị Hồng chỉ huy bắt được hương quản Mão và 5 lính. Đồng thời, phá trại giam giải thoát 45 cán bộ và đồng bào đang bị địch giam giữ. Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được treo trên nóc cao trại lính, phấp phới bay trong tiếng hò reo vui mừng, cùng tiếng trống mõ của quần chúng.

Mũi 2 do đồng chí Nguyễn Văn Nhung, Phan Ngọc Yến và Đỗ Văn Viên chỉ huy đánh chiếm được đồn Trung Ngãi, làm chủ tình hình tại đây. Đồng thời, được sự hỗ trợ của mũi thứ nhất đốt cầu Giồng Ké (Trung Ngãi), xe của địch không qua được và khi chúng vừa ra khỏi xe thì bị nghĩa quân nổ súng đánh xáp lá cà. Chủ tỉnh Trà Vinh bị trúng ngay phát đạn đầu tiên ngã quỵ, một tên cai bị thương nặng ở chân.

ĐẶNG VĂN- TRẦN ÚT- NGUYỄN THỊNH