Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Kiệt và những tự tình nghệ thuật

Cập nhật, 06:43, Thứ Bảy, 19/11/2016 (GMT+7)

LTS: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Văn Kiệt? Lâu nay, chúng ta biết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt với hình ảnh một người cộng sản chân chính có tầm nhìn xa, một người con Nam Bộ hào phóng, khoáng đạt; một cán bộ suốt hơn 70 năm hoạt động vì đất nước, một vị Thủ tướng thân mật và cởi mở với đồng bào cả nước; “một người của nhiều người”…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam- vừa gửi bài viết này đến Báo Vĩnh Long, cho chúng ta thêm một góc nhìn khác về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những ngày tháng 11 này, nhân kỷ niệm 76 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940- 23/11/2016) và 94 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2016), xin trân trọng giới thiệu về ông- Nghệ sĩ nhiếp ảnh VÕ VĂN KIỆT.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trò chuyện với NSNA Đồng Đức Thành.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trò chuyện với NSNA Đồng Đức Thành.

Sáu Dân là bí danh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, là một nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Nhà nước, nhà lãnh đạo tiên phong trên đường đổi mới và hội nhập, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều công trình lịch sử ích nước, lợi dân.

Từ sự kiện lịch sử Đường dây 500KV, bà con thân thương gọi ông là “chú Sáu Điện”. Còn người dân vùng sông nước Cửu Long gọi ông bằng cái tên mộc mạc, chí tình: “Người tạo diện mạo cho ĐBSCL”.

Đồng thời ông cũng là người am tường, yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh, là hội viên danh dự Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), đã từng có nhiều ảnh triển lãm, được giải thưởng về ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế…

Sáng 11/6/2008, đang trong lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ ảnh báo chí do Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu tổ chức thì anh Bảy Chánh- Chủ tịch Hội cho người mời tôi ra phòng khách có việc. Anh thảng thốt: “Có tin chú Sáu Dân vừa mất?”

Tôi lập tức điện thoại đến anh Trịnh- thư ký của chú Sáu- liên tục nhưng sóng không nối được, điện về tư gia của chú, chuông reo thật lâu… Cuối cùng, tin dữ đã được xác nhận!

Chúng tôi cùng lặng người. Tiếp tục vào lớp, tôi tạm ngưng bài giảng để chia sẻ tin buồn rồi cùng các học viên… Cả lớp chùng xuống. Trưa hôm đó, một mình bên ly cà phê, tôi dõi mắt về những ngày tháng đã qua, tất cả như mới vừa…

... Rất nhiều lần được gặp gỡ phỏng vấn, chụp ảnh khi ông đang là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nên sau này gặp trong những chuyến công tác, chúng tôi thường được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ưu ái, dừng lại trò chuyện riêng một chút để chúng tôi có thêm tư liệu “độc quyền” trong tin, bài và nhất là được những cú bấm máy giữ lại những khoảnh khắc đẹp khác hơn các đồng nghiệp.

Nhưng được ngồi riêng bên ông hàng giờ để trò chuyện về nghệ thuật thì phải đến sau này. Tôi còn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy…

Một buổi sáng cuối năm 2005, nhận được cú phôn của anh Trịnh- thư ký riêng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt- báo giờ gặp, tôi cấp tốc kéo tay săn giải thưởng nhiếp ảnh Hoàng Quốc Tuấn cùng đi.

Nhìn Tuấn lỉnh kỉnh túi máy, chân máy, đèn soft box, font… đi xe máy đến, tôi dịu hẳn cảm giác bồn chồn, bực dọc vì chờ lâu. Bởi lẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc gặp quan trọng không bao giờ là thừa cả.

Trong phòng khách ở tư gia của ông trên đường Tú Xương (Quận 1- TP Hồ Chí Minh), chúng tôi bắt đầu bằng: “Thưa chú Sáu…” Với đôi mắt và nụ cười ấm áp, ông bắt tay mời chúng tôi ngồi. Khá bất ngờ, ông thân mật xưng là “mình”: “Mời ngồi chơi, lâu nay mình đã xem nhiều ảnh của Thành và các cậu trong các cuộc triển lãm…”

Cách xưng hô thân mật, sự giản dị, gần gũi của một nhân cách lớn giúp tôi lấy lại sự tự tin, đem lại không khí thân tình cho buổi kỳ ngộ. Câu chuyện xoay quanh đề tài ảnh nghệ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại rôm rả ngay từ đầu.

Ông đưa chúng tôi đi xem phòng triển lãm mini ngay trong khuôn viên tư thất. Tôi thực sự đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhiều ảnh đẹp lắm! Ông đã đi, nhiều lúc phải vượt ngầm, lội suối để chụp. Ông qua thác, trèo non và bấm máy…

Dừng lại bên tác phẩm “Cánh đồng Mường Thanh”, ông kể: “Một chiều năm 1982, mình và Lâm Tấn Tài lên đến đỉnh đồi A1, vừa đúng lúc mặt trời chạm đỉnh núi, toàn cảnh chảo lúa Điện Biên hiện ra mới óng ả làm sao!

Cảm xúc dâng dâng, mình chỉ kịp nâng máy và bấm, bấm nhiều lắm, bấm như chạy đua với Mặt trời đang xuống núi. Bây giờ, mỗi lần xem ảnh, cái ngất ngây chiều ấy vẫn y nguyên. Đấy là điều tuyệt vời của nhiếp ảnh…”.

Đặc biệt, có nhiều bức ảnh đề tên Xuân Hà, Trung Hiệp- những tác phẩm và cả tên tác giả khá quen thuộc trong những lần triển lãm ảnh nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh. “Thưa chú, Xuân Hà là…?” Chú Sáu cười thật tươi: “Xuân Hà là tên cháu ngoại, còn Trung Hiệp là tên cháu nội của mình…”

Vui chuyện, chúng tôi được ông cho biết thêm: “Trung Hiệp cũng là tên ngôi làng nơi ông chào đời, thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đứng trước một thác nước kỳ vĩ tung bọt trắng xóa, ông sôi nổi: “Thác Khôl ở Nam Lào là con thác cao nhất, lớn nhất trong tiểu vùng Mekong mà mình từng thấy.

Thác đẹp lắm, địa hình rất hiểm trở nên rất ít người có điều kiện tiếp cận”. Rồi ông cười: “Chắc vì vậy nên ảnh này đã được giải thưởng của nước Lào…”

Niềm vui chụp ảnh thực sự đã giúp ông thư giãn, bớt căng thẳng trong công việc. Ông nhớ lại: “Năm 2003, trong chuyến đi thăm lại Trường Sơn, từ Nghệ An vào bằng tàu hỏa, đến đèo Hải Vân thì cuối ngày, trong nắng chiều, trên đỉnh quả đồi nhô sát biển bao trùm một màu trắng hoa rừng, hoa gì không biết, trắng miên man đến nao lòng, mình bấm máy nhiều lắm và đặt tên ảnh là “Hoa Bạch Tuyết”. Gần đây, vẫn bấm máy trong những lần đi, tuy ít hơn lúc trước”.

“Bây giờ mình xem ảnh nhiều hơn, và rất thích xem ảnh nghệ thuật của các tác giả trong nước và quốc tế…”- ông nói. Còn tôi hào hứng: “Thưa chú Sáu, thời gian qua, giới nhiếp ảnh nước ta đã gặt hái được khá nhiều thành tựu, chú nhận xét gì về điều này?”

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng NSNA Đồng Đức Thành.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng NSNA Đồng Đức Thành.

Ông như được khơi mạch: “Sự hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới là tất yếu. Việc này đòi hỏi tư duy và sự nỗ lực của tất cả các cá nhân ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Trong văn hóa- nghệ thuật nói chung thì nhiếp ảnh là ngành có hoạt động phổ cập nhất, đáp ứng nhu cầu lớn của mỗi quốc gia và nhân loại và cũng là một trong số những ngành có kỹ thuật thể hiện cao nhất. Do vậy, nhiếp ảnh nghệ thuật nước ta cần phải có sự vận động lớn.

Nhất là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay thì yếu tố nghệ thuật lại càng phải được đặt lên hàng đầu. Tiến bộ về nghệ thuật phải gắn liền với tiến bộ trong cuộc sống hôm nay, bởi nhu cầu thưởng ngoạn của đời sống tinh thần ngày càng cao hơn nhu cầu cuộc sống vật chất.

Khắc phục sự tụt hậu trong lĩnh vực kinh tế phải có thời gian. Nhưng trong văn hóa- nghệ thuật thì không nhất thiết phải như thế, vì nghệ thuật là trí tuệ. Do vậy, việc thường xuyên nghiên cứu, giao lưu, đối thoại là một phương thức chống tụt hậu trong nhiếp ảnh.

Chúng ta đang có rất nhiều thời cơ: Văn hóa- nghệ thuật không có vùng cấm, kỹ thuật tiên tiến đang được đua tranh kịch liệt từng ngày và anh em nghệ sĩ trong nước không thiếu thốn thông tin, phương tiện để tiếp cận, để trang bị cho mình thêm kiến thức, bản lĩnh…”

“Thưa chú, còn về khái niệm tác phẩm nhiếp- ảnh- đỉnh- cao?” Ông khẳng định: “Chắc chắn đấy phải là những khoảnh khắc sống động, từ trong cuộc sống và vì con người. Và tính nhân văn phải là chủ đạo trong tác phẩm!”

Lần ấy và đôi lần tiếp sau, câu chuyện về nghệ thuật nhiếp ảnh với chú Sáu được nối dài, chú đã bàn với tôi việc sắp xếp, hệ thống lại những phim ông đã chụp để tiến tới việc chọn in tuyển tập ảnh Võ Văn Kiệt, điều này đã đem đến cho tôi một phấn khích lớn, không chỉ về phương diện chuyên môn nghiệp vụ và vinh dự được chú tin cậy, giao việc, mà còn từ hạnh phúc được sẻ chia niềm đam mê cái đẹp của người cùng yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.

Chú Sáu ơi, cháu đã được nghe những tự tình của chú hàm ý về nghệ thuật trong nghĩa rộng và sâu của nó. Với cháu, chú đi xa chỉ là một khái niệm. Bởi, nụ cười ấm áp của chú vẫn bừng sáng trên đường sáng tác của không chỉ riêng thế hệ chúng cháu!

NSNA ĐỒNG ĐỨC THÀNH

TIN LIÊN QUAN