Món ngon ngọt vị tuổi thơ

Cập nhật, 16:37, Thứ Bảy, 19/11/2016 (GMT+7)

Cuối tuần về quê, tôi được thưởng thức chiếc bánh rán từ bàn tay của nội. Tuy tuổi nội đã cao, cuối tuần nội vẫn thường làm bánh cho đám cháu về ăn. Thương nội vén khéo, cả đời vất vả! Tôi cầm chiếc bánh rán vàng thơm gợi nhớ cả miền ký ức tuổi thơ nghèo khó bên nội.

Những chiếc bánh rán vàng mộc mạc nhưng thơm ngon và đong đầy tình thương của nội.
Những chiếc bánh rán vàng mộc mạc nhưng thơm ngon và đong đầy tình thương của nội.

Ngày ấy, đám con nít chúng tôi đâu có những món sơn hào hải vị. Đám con nít ở đây gồm có anh em tôi và những đứa em con chú và con cô.

Sáng sớm, người lớn trong nhà đã ra đồng với công việc đồng áng, cha mẹ tôi đi “chèo đò đưa khách sang sông”, mái chèo là những viên phấn trắng, chèo trên dòng sông tri thức. Chúng tôi ở nhà quanh quẩn theo chân nội.

Nghèo nhưng cuộc sống tuổi thơ không đến nỗi quắt quay, không có bánh sandwich, hamburger như tụi nhỏ bây giờ,… nhưng bù lại đám con nít chúng tôi được thưởng thức món ngon mỗi trưa từ bàn tay vén khéo của nội.

Đó là chiếc bánh rán hay miếng cơm cháy kẹp nhân dừa hoặc nồi kho quẹt, lâu lâu lại được ăn món ốc, cua luộc hèm,…

Đâu có trò chơi điện tử, đám con nít chúng tôi xúm xít chơi bắn thun, cò chẹp, u ranh hay thắt cào cào, con cá bằng lá dừa… ở dưới tán cây xoài bên con đường đất, ngóng chờ chú bán cà rem quảy thùng cà rem bên vai cùng lỉnh kỉnh lình kình những đồ ve chai…

Khi nghe tiếng leng keng lẻng kẻng, chúng tôi liền ùa ra. Đám con nít chúng tôi lượm những đôi dép đứt, những lon sữa bò, keo chao sành bỏ lăn lóc… để sẵn một góc nào đó quanh nhà để dành đổi cà rem. Que cà rem ngọt ngào, mát lạnh mà đứa con nít nào cũng mê tít.

Ngày trước, nội nấu rượu để bán cho những người trong xóm. Để có được những giọt rượu đế thơm nồng, phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết phải nấu cơm, cơm chín dỡ cơm ra cái nia.

Cái nia được ông nội đan bằng nan tre rất đẹp và chắc. Cái nia to hơn cái sàng mà bà nội hay sàng gạo. Ngày trước, nhà nào thường cũng có cái nia để phơi bột làm bánh ít mỗi khi nhà có đám giỗ.

Chúng tôi có nhiệm vụ nghiền những viên men rượu cho thật nhuyễn. Để rắc men lên cơm rồi trộn đều. Chờ cơm nguội, bỏ vào khạp da bò lại rắc thêm lớp men rượu trên mặt, sau đó được đậy thật kín. Sau vài ngày, khi cơm lên men thì đem nấu.

Chúng tôi vừa học bài vừa ngồi chụm lửa. Lửa phải vừa thì rượu mới ngon, lửa lớn rượu sẽ có vị chua, lửa nhấp nhem thì ơ rượu sẽ bị thất (không cho rượu gốc nhiều).

Chúng tôi phân công nhiệm vụ mỗi đứa chụm một ơ. Ơ rượu đã nấu xong, trong nồi được gọi là hèm. Cách vài hôm, chúng tôi được ăn món ốc luộc hèm. Ốc được chúng tôi bắt từ những ao xung quanh nhà và ngoài đồng.

Hôm nào có nếp ngon, nội để dành một ít làm bánh rán. Nội nấu đậu với nước cốt dừa, rồi nạo dừa rám cho vào ít đường bắc lên chảo xào đều đến chín, để đậu vừa nấu vào xào cho đến đều tay là được.

Dùng nhân kẹp vào giề cơm cháy, ăn vào cảm nhận độ giòn của cơm cháy, beo béo của dừa, ngon làm sao. Còn những chiếc bánh rán vàng thơm có độ giòn và dai của nếp, vị béo của nhân dừa, vị bùi của đậu xanh. Đây là món khoái khẩu của tôi.

Còn món ngon mỗi ngày của chúng tôi là món cơm cháy. Khi nồi cơm chín, nội dỡ cơm thì còn lại phần cơm cháy. Nội lấy cái sạn đánh từng giề cơm cháy giòn thơm.

Đám con nít chúng tôi xúm xít quẹt vào nồi kho khô. Nước mắm được nội nấu từ cá chốt, cá rằm,… Nội kho với tóp mỡ cho thêm miếng hành lá. Vậy là ngồi quẹt “khí thế” cho đến hết mới chịu thôi.

Giờ đây, món ăn nhà nghèo đã trở thành món khoái khẩu của người giàu, xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng.

Tuổi thơ bên nghèo khó giúp chúng tôi nên người! Tôi nghĩ thế, vì chúng tôi mặc những mảnh áo đến sờn rách, được ăn qua món nhà nghèo. Bữa cơm nhà nghèo mang hương ký ức ngọt ngào vì được nêm bằng vị tình thương của nội.

Bài, ảnh: MAI KHA