Hội thi của tôn vinh, gợi nhớ và hội ngộ

Cập nhật, 12:14, Thứ Ba, 05/01/2016 (GMT+7)

Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; đồng thời, tôn vinh và gợi nhớ về đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, Đài PT- TH Vĩnh Long phối hợp với UBND huyện Trà Ôn tổ chức hội thi giọng ca cải lương “giải Út Trà Ôn” năm 2015.

Tiết mục trích đoạn
Tiết mục trích đoạn "Bên cầu dệt lụa" của thí sinh Phạm Văn Nguyên (Đồng Tháp)

Hội thi đã thu hút trên 600 thí sinh đến từ khắp nơi tham gia từ các tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận cho đến các tỉnh cực Nam Tổ quốc như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang....

Vòng sơ tuyển diễn ra vào đầu tháng 11/2015, sau vòng thi này đã có 60 thí sinh so tài ở vòng bán kết. Và 10 thí sinh xuất sắc nhất vào tranh tài ở vòng chung kết xếp hạng trong 2 đêm 30 và 31/12/2015.

Theo đánh giá của ban giám khảo, phần lớn các thí sinh của cuộc thi năm nay đều trẻ, khỏe, chất giọng tốt, hát bằng cả lòng đam mê với nhiều cảm xúc diễn đạt nội dung bài hát. Điều đáng mừng là nhiều thí sinh thể hiện bài Oán- một bài bản khó của tài tử hay, nghệ thuật tài tử cũng được phát huy ở hội thi này, bài vọng cổ mang tính tự sự cao cũng được nhiều thí sinh thể hiện rất tốt.

Các bạn đã biết xử lý làn hơi, luyến láy chuyên nghiệp với chiều sâu cảm xúc làm cho ban giám khảo, khán giả thán phục và trầm trồ khen ngợi. Sân khấu cải lương đã có thế hệ kế thừa đầy nhiệt huyết, yêu nghề và bản lĩnh.

Nói lên suy nghĩ của mình khi đến với hội thi này, thí sinh Phạm Huyền Trâm đến từ Cà Mau cho biết: “Đối với em kết quả cao, thấp không quan trọng mà quan trọng là đến với hội thi để được giao lưu học hỏi, mở rộng kiến thức về nghệ thuật hát tài tử- cải lương”.

Thí sinh ở huyện nhà Trà Ôn- Trương Thị Hồng Yến, lần đầu đến với hội thi bày tỏ: “Tham gia hội thi điều trước tiên là gầy dựng phong trào cho huyện nhà, sau đó là đẩy mạnh phong trào ca hát cải lương nhằm duy trì và phát huy bộ môn nghệ thuật này”.

Các thí sinh đến với hội thi năm nay với tấm lòng yêu nghệ thuật cải lương vô hạng, mong được cống hiến hết mình cho niềm đam mê của bản thân. Hầu hết thí sinh chưa được học về diễn xuất nên ở phần thi diễn trích đoạn cải lương, các thí sinh được tư vấn và hướng dẫn nhiệt tình từ nghệ sĩ Hải Long. Dù với lối diễn chân phương, mộc mạc nhưng các thí sinh đã thể hiện được niềm đam mê, khát vọng cống hiến, được sống với nghệ thuật cải lương và bước đầu làm quen với nghệ thuật diễn xuất.

Tiết mục trích đoạn

Tiết mục trích đoạn "Hòn vọng phu" của thí sinh Hồng Yến (Trà Ôn- VL)

Hội thi năm nay cũng để lại cho chúng tôi nhiều câu chuyện cảm động. Thí sinh Phạm Huyền Trâm từ Cà Mau phải đi từ 1- 2 giờ sáng mới kịp giờ thi. Thí sinh  Nguyễn Thị Tám ở tận Phú Quốc- Kiên Giang thì đi tàu vào trước buổi thi 1 ngày ở nhà trọ, đến ngày thi lại bị cảm làm cho chất giọng gặp khó khăn định bỏ cuộc nhưng cũng cố gắng lên sân khấu hoàn thành bài hát của mình.

Thí sinh Minh Phụng đi xe máy từ Đồng Nai vào tới TPHCM,  không thể đi tiếp vì sợ ảnh hưởng sức khỏe phải gửi xe lại và đi xe đò về Trà Ôn. Đặc biệt là trường hợp thí sinh Ngọc Huyền ở Trà Vinh đi lạc đường, còn lại bị cảnh sát giao thông phạt và giữ xe, phải đi xe ôm, lòng vòng trễ cả giờ tập buổi sáng.

 Đến với hội thi năm nay thành phần thí sinh cũng rất đa dạng, làm đủ ngành nghề, từ cán bộ viên chức, giáo viên cho đến những anh nông dân, chị buôn bán, người nội trợ, sinh viên, học sinh. Có những thí sinh vừa tốt nghiệp trường Đại học sân khấu điện ảnh như Quốc Nhựt (Long An), Mỹ Tiên (Hậu Giang). Bên cạnh đó cũng có những thí sinh chưa qua đào tạo về chuyên môn, chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chỉ học cách ca diễn của nghệ sĩ qua truyền hình, qua mạng internet như trường hợp của thí sinh Trịnh Thị Ngọc Huyền ở Trà Vinh.

Khán giả mộ điệu quê nhà Trà Ôn đã có những đêm thưởng thức hát tài tử, cải lương thật thỏa thích. Đêm thi nào cũng đông nghẹt khán giả, đứng chật cả sân khấu Trung tâm văn hóa, riêng 2 đêm thi chung kết xếp hạng và trao giải khán giả đến đông không còn chỗ ngồi phải đứng ra cả hai bên và ngoài cổng.

Rõ ràng cải lương vẫn còn thu hút khán giả, bà con vẫn dành tình cảm đặc biệt cho từng câu vọng cổ ngọt ngào thể hiện qua những tràn vỗ tay giòn giã. 2 đêm thi diễn của vòng chung kết xếp hạng với 3 phong cách và loại hình khác nhau: các bài tân cổ giao duyên ngọt ngào tình cảm, bài oán hoặc ngoại oán đậm chất tài tử và những trích đoạn cải lương kinh điển, đã đi vào lòng người như Bên cầu dệt lụa, Chuyện cổ Bát Tràng, Hòn vọng phu, Rạng ngọc Côn Sơn, Tâm sự Mai Đình....

Chị Nguyễn Thị Hồng Bến (thị trấn Trà Ôn) bày tỏ: “Rất vui vì được xem các em cháu hát cải lương, tài tử, nếu ở đây các hội thi như thế này được duy trì sẽ tạo điều kiện cho bà con đến xem và cổ vũ, tạo được sân chơi lành mạnh bổ ích”. Anh Phạm Quốc Vững (thị trấn Trà Ôn) còn cho rằng: “Nếu được tổ chức thường xuyên như vầy cải lương sẽ sống lại một cách mạnh mẽ, thôi thúc tinh thần yêu thích cải lương của người dân Nam bộ”.

Phát biểu tổng kết hội thi, Phó chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, Trưởng ban tổ chức hội thi- Nguyễn Thành Ân ghi nhận sự nhiệt tình tham gia, niềm yêu mến nghệ thuật cải lương độc đáo của vùng đất phương Nam của các thí sinh. Ông cũng khẳng định: “Được đứng trên sân khấu biễu diễn với sự nhiệt tình ủng hộ của bà con đã là 1 niềm vui, niềm vui lớn hơn là được góp phần cùng người dân Nam bộ nói chung và những ai yêu mến sân khấu cải lương nói riêng giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật đặc sắc của nước nhà. Các thí sinh đã đem đến những ngày cuối năm ở đây rộn ràng hơn, khởi sắc hơn, vui tươi hơn bởi tiếng hát lời ca hòa quyện cùng tiếng đờn ngọt liệm đã đưa người dân Trà Ôn đến với những cung bậc tuyệt vời của nghệ thuật tài tử cải lương”.

Hội thi Giọng ca cải lương giải Út Trà Ôn 2015 đã khép lại, mỗi người trở về với công việc đời thường của mình, nhưng điều đọng lại đối với thí sinh là được giao lưu, trao đổi, học hỏi, được đứng trên sân khấu và biễu diễn. Còn đối với người dân nơi đây là họ được sống trong không khí những ngày cuối năm, những ngày chớm xuân đầy ấm áp, nghĩa tình, có được những đêm văn nghệ vui tươi, nhiều ý nghĩa từ một hội thi hát ca cổ cải lương mang tên người con của quê hương Trà Ôn mến yêu- đệ nhất danh ca Út Trà Ôn.

Thí sinh Lê Thị Thanh Thúy ở Bến Tre đã xuất sắc đạt giải nhất với trị giá giải thưởng 30 triệu đồng. Giải nhì được trao cho thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Tiên đến từ Hậu Giang và thí sinh Phạm Văn Nguyên quê đồng Đồng Tháp đạt giải ba. 7 thí sinh còn lại đạt giải khuyến khích. Ngoài ra ban tổ chức còn trao một số giải phụ như thí sinh hát tân cổ giao duyên hay nhất, hát bài bản hay nhất và ca diễn trích đoạn hay nhất.

 

Bài, ảnh: HỒ VĂN