Chuyện làng văn nghệ

"Ông hoàng" thơ tình sửa thơ cho "thần đồng" thơ

Cập nhật, 06:34, Chủ Nhật, 03/01/2016 (GMT+7)

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ở nước ta nổi lên một cậu bé mới học lớp 3 nhưng đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Với những bài thơ: “Mưa”, “Góc sân và khoảng trời”, “Hạt gạo làng ta”, “Cháu buốt ở trong tim này”...

Riêng bài “Hạt gạo làng ta” được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc thành ca khúc cùng tên nổi tiếng. Điều đó đã làm tên tuổi cậu bé Trần Đăng Khoa ngày ấy vô cùng nổi tiếng, rất nhiều bạn đọc ở miền Bắc, già có, trẻ có kéo nhau về làng Trực Trì (xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách- Hải Dương) để xem mặt nhà thơ tí hon này. Giới trí thức, văn nghệ sĩ đọc thơ Khoa thán phục, gọi Khoa là “Thần đồng thơ”.

Năm 1968, nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu- hai nhà thơ đại thụ cũng về tận làng Trực Trì để xác minh thực hư: Khoa có phải là một thần đồng thơ thật không. Qua một ngày đêm ở nhà Khoa, hai ông đã “mục sở thị” và nhận xét: Đúng là thần đồng thơ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã kể lại (trên Tạp chí Văn học Trẻ số 3-1998): “... Sau lần gặp gỡ ấy, Xuân Diệu trở thành người thầy dạy nghề thân thiết của tôi. Ông để lại cho tôi nhiều bài học thấm thía. Có khi ông chỉ chữa giúp tôi một chữ mà bài thơ đã biến đổi cả thần thái. Ví dụ như bài “Đêm Côn Sơn” chẳng hạn. Nhiều người nhắc đến hai câu thơ: “Ngoài thềm rơi cái lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”.

Xuân Diệu khen hai câu này, ông cho là tôi rất tinh, có giác quan tinh tế... nhưng ở hai câu tiếp theo: “Mờ mờ ông bụt ngồi nghiêm/Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền”. Xuân Diệu đã chữa một từ thành: “Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền”.

Chỉ một từ “sợ” chuyển thành từ “nghĩ” thì ông bụt trong câu thơ đã hóa thành cơ thể sống, câu thơ bỗng sinh động, có thần. Trần Đăng Khoa thực sự thán phục tài thơ và sử dụng ngôn ngữ của “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu.

Với bài thơ “Đêm Côn Sơn”, Xuân Diệu cũng đã đọc và không sửa thêm gì nữa. Thế rồi Trần Đăng Khoa đưa bài thơ này in vào tập “Từ góc sân nhà em”. Sách xuất bản, Trần Đăng Khoa lên Hà Nội tặng Xuân Diệu tập thơ này.

Cầm tập thơ, Xuân Diệu xem lại bài “Đêm Côn Sơn” và ông giật mình khi đọc đến hai câu thơ trong bài: “Bỗng đâu vang tiếng sấm rền/Tỉnh ra em thấy trong đền đỏ hương” hôm nào đã bị Trần Đăng Khoa chữa lại thành: “Tỉnh ra em thấy sáng đèn, đỏ hương”. Xuân Diệu mắng Khoa luôn: “Cậu làm hỏng bài thơ. Bài thơ đã toàn bích, lại mang ra vặn vẹo. Cậu chữa lợn lành thành lợn què rồi!”

Trở về nhà, Trần Đăng Khoa mở bài thơ ra lật đi lật lại, mới hay mình đã làm hỏng thật. Hỏng trước nhất là vô lý: Đèn đã sáng thì hương làm sao còn đỏ được? Vả lại đèn ở đâu mà sáng cơ chứ! Trong chùa người ta không thắp đèn sáng, chỉ có ngọn đèn dầu vặn nhỏ đặt ở bệ thờ.

Quả thật, sự học là mãi mãi, tuy là một thần đồng thơ nhưng Trần Đăng Khoa đã học hỏi được rất nhiều từ những nhà văn, nhà thơ tiền bối, đặt biệt là sự chỉ dạy chân tình của “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu.

Hơn 10 năm sau (năm 1977), thần đồng thơ ấy đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trẻ nhất, khi ấy Khoa mới 19 tuổi.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN- biên soạn