Nghệ sĩ- Đạo diễn Lê Quốc Nam: Làm khán giả cười, vẫn chưa thành công!

Cập nhật, 07:52, Chủ Nhật, 25/10/2015 (GMT+7)

Nghiệp diễn đến với Lê Quốc Nam rất tự nhiên giống như câu ông bà mình từng đúc kết “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”.

* Con đường đến với nghệ thuật của nghệ sĩ- đạo diễn Lê Quốc Nam đã diễn ra như thế nào?

- Thuở nhỏ, tôi vốn có năng khiếu vẽ. Chả thế nên tôi được ba hướng theo con đường kiến trúc hoặc kinh doanh để nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên vào năm 16 tuổi, tôi thi đậu vào Khoa Lý luận phê bình âm nhạc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp phổ thông xong, tôi xin về Nhà Văn hóa quận Tân Bình mở lớp dạy nhạc. Đùng cái, tôi tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự sang tận bên Campuchia. Quay trở về nước sau thời gian hoàn thành nhiệm vụ, một bữa, đang trên đường nhìn thấy người ta bu đông ken ở Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường CĐ Sân khấu TP Hồ Chí Minh), tôi hiếu kỳ nhảy vô coi chơi, thấy vui vui nên đăng ký thi luôn.

Trời xui đất khiến thế nào, tôi lại thi đậu, bèn thôi không màng đả động lĩnh vực âm nhạc nữa! Học ở Trường Sân khấu được ít lâu thì trường mở khóa đạo diễn hệ đại học đầu tiên, tôi tiếp tục đăng ký học song song với lớp diễn viên. Năm 1992, tôi tốt nghiệp Khoa Diễn viên- Đạo diễn, Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 cùng với các nghệ sĩ Khánh Hoàng, Thành Hội, Hữu Nghĩa, Phước Sang, Ngọc Trinh,…

* Và anh đã bước vào sân khấu nghệ thuật ra sao?

- Mặc dù đến với nghề khá nhanh chóng, dễ dàng như thế nhưng thật sự khi tôi theo nghề cũng hết sức trầy trật. Cái trầy trật đầu tiên và lớn nhất bắt nguồn từ vẻ ngoài khá… bặm trợn của tôi (cười). Tự biết thân biết phận mình, nhằm để tự kiếm tiền trang trải, thời gian mới ra nghề đó tôi cũng không dám “muối mặt” xin đi diễn mà chỉ xin nghệ sĩ Phước Sang cho đi… xếp ghế ở sân khấu.

Mãi tới lần xếp ghế thứ 7 thứ 8 gì đó, bất ngờ được anh Phước Sang mời tới sân khấu để diễn chứ không phải là xếp ghế, được đường đường chính chính đi vào cổng trước của sân khấu chứ không còn phải đi lối cổng sau nữa! Lúc bước qua cổng, nước mắt tôi tự nhiên rớt ngon lành! Qua sự việc này, có lúc tôi nghĩ rằng để làm được nghề này chỉ tính kiên trì thôi cũng không đủ. Nếu người ta không cho mình cơ hội, tại sao mình không tự tạo ra nó?

* Lê Quốc Nam làm gì để tạo ra đoàn kịch có thương hiệu Đen Trắng năm xưa mà mãi tới bây giờ không ít người vẫn luôn nhắc đến tên?

- Đó là thời gian khoảng năm 1993, tôi mày mò để lập ra nhóm kịch Đen Trắng cùng với Hoàng Tùng và Vân Anh. Khi ấy, 3 chúng tôi đều rất trẻ, còn sân khấu lúc đó toàn là những cái tên “lớn” cỡ như Thanh Bạch- Xuân Hương, nhóm hài Tuổi đôi mươi của Phước Sang rồi vô số những nhóm lớn nhỏ khác. Tôi luôn nung nấu câu hỏi: Làm sao để tạo được ấn tượng khi mình còn quá nhỏ bé. 

Người ta bảo cái khó ló cái khôn, quả chẳng sai. Sân khấu hài khi ấy dù rất thịnh nhưng lại chỉ có một loại hình tấu hài đơn sơ, 2 người nói qua nói lại để gây cười. Tôi nghĩ, để làm được mình phải có cái nền tốt, chính yếu là ở khâu kịch bản. Vậy là tôi liền mày mò viết ra những vở diễn có nội dung, không chỉ làm vui mà phải khiến người ta xem xong còn đọng lại được điều gì.

Chúng tôi còn đưa nhạc nền vào kịch, dùng kỹ xảo ánh sáng để tăng thêm hiệu ứng sân khấu... Điều ấy làm Đen Trắng trở nên khác biệt và khiến cho nhiều khán giả tới nay còn nhớ…

* Còn bây giờ anh đi diễn nhiều hơn hay làm công việc đạo diễn nhiều hơn?

- Hiện nay tôi đang cố gắng tự “thắng” mình lại! Tôi vẫn làm đủ công việc từ đi diễn, làm đạo diễn và cả viết kịch bản nữa, cứ mỗi thứ mình làm một ít. Hiện tại tôi chủ yếu viết kịch bản và làm đạo diễn cho sân khấu kịch Hồng Vân, nơi tôi gắn bó suốt gần 3 năm nay. Tôi luôn suy nghĩ rằng mình sẽ làm những gì mà Tổ nghề giao cho, giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ có được bước đi vững chắc hơn trong nghề và cùng xây dựng hài kịch trở thành loại hình đẳng cấp hơn trong lòng công chúng. 

Anh có suy nghĩ gì về sân khấu hài hiện nay?

- Tôi biết hiện tại, nhiều khán giả thích đến sân khấu hài như một cách để giải tỏa strees bằng tiếng cười. Tuy nhiên, theo tôi nếu người diễn viên hài bằng lòng với việc hễ thấy khán giả cười là tự cho rằng mình thành công, có lẽ đã quá chủ quan, dễ dãi với chính mình. Ngoài ra, trước yêu cầu phát triển phong trào sân khấu hài cả nước nói chung thì không thể chấp nhận những tiểu phẩm hài thiếu đầu tư, với nội dung sáo rỗng và kém tính giáo dục.

Trước đây, tôi biết chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh đã có gần 30 nhóm hài và tới thời điểm này đã có hơn 50 nhóm. Sự xuất hiện quá nhiều nhóm hài mới đang dẫn tới tình trạng những tiểu phẩm tự chế không được đầu tư, chỉ diễn cương để chọc cười khán giả. Phần lớn diễn viên của các nhóm hài cũng chưa kinh qua trường lớp đào tạo chính quy, đa số xuất thân từ những vai phụ trong các đoàn cải lương.

Đã vậy, chưa có kinh nghiệm về nghệ thuật diễn hài, nhưng họ lại quan niệm diễn hài đơn giản và dễ kiếm tiền. Một số diễn viên trẻ trước đây diễn chung nhóm với các danh hài nổi tiếng, được một thời gian tự cho rằng mình đã “đủ lông đủ cánh”, bèn tách ra lập nhóm…

Hậu quả là do thiếu kỹ năng diễn xuất, thiếu đầu tư kịch bản nên nhiều nhóm hài diễn xong khán giả chẳng thấy đọng lại gì. Cũng do sự quá dễ dãi của các tụ điểm và việc thiếu định hướng của các sân khấu hài, nên có người còn ví hài bây giờ “nhạt như nước ốc”.

Nhiều khi khán giả chưa cười được thì diễn viên đã cười “mồi” trước, thật hết sức vô duyên! Tôi cho rằng ngành chức năng cần sớm đề ra các chuẩn mực rõ ràng và tổ chức thẩm định các nhóm hài thường “tách nhập, nhập tách” hết sức phức tạp, để nhằm sàng lọc bớt các nhóm quá yếu kém, các tiểu phẩm chưa đạt yêu cầu, nhất thiết kiểm duyệt trước nội dung tiểu phẩm…

* Xin cảm ơn nghệ sĩ- đạo diễn Lê Quốc Nam đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngắn này!

NGUYỄN SINH