Trịnh Công Sơn: Tuổi buồn như lá...

Cập nhật, 16:02, Thứ Bảy, 24/10/2015 (GMT+7)

Con người đến với thế giới này không thể chọn cho mình rằng cuộc sống sẽ hạnh phúc hân hoan hay mang những suy tư trắc ẩn. Nhưng với Trịnh Công Sơn, cuộc đời dường như đã gắn trọn với ông một dự báo không lành, “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa).

Hơn 600 ca khúc của Trịnh, nếu chỉ đọc qua, nghe qua thôi thì chỉ cần một thời gian nhất định. Còn nếu để hiểu, thấu hiểu cho hết cái tâm khảm trần gian của nhạc sĩ, có khi mất cả một đời.

Tôi đã nghe Trịnh, cảm nhận rồi say mê nhạc Trịnh cũng hơn 15 năm, ấy vậy mà cứ lần hồi ngộ ra những ý niệm mới. Có khi đó là những tứ, tình tứ chân phương. Có khi đó là một câu tình xé tim thính giả. Và cũng có thể là một ý niệm ngộ pháp chân không của người thiên về cõi Phật, một cảm giác phiêu bồng trong nhạc Trịnh.

Tôi có cái biệt lệ nghe nhạc Trịnh lúc giữa khuya, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, quanh tôi chỉ là màu đêm thâm u tĩnh lặng. Lúc đó, những dòng nhạc, từng nốt nhạc như những bước chân ai đó đi về lặng lẽ trong làng khói mờ ảo của đêm. “Có nhiều khi, từ vườn khuya bước về. Bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồ những năm xưa” (Phôi pha).

Có lẽ vì cách nghe này mà tôi luôn cảm giác thế giới của Trịnh là thế giới của cái phiêu bồng, lãng du. Cuộc đời kéo dài đến vô tận, hay sẽ kết thúc khi nốt cuối cùng của khúc ca ngừng lại! “Một trăm năm như tiếng thở dài”. Đêm vắng, cảm giác bàng bạc cho những thở than mang triết lý nhân sinh sâu thẳm tâm hồn, để khi hơi thở đã thắm mệt, ta nằm xuống và ngủ cùng thiên thu.

Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng lòng thổn thức, tiếng tình yêu từ những nhịp đập tâm hồn, đồng điệu yêu thương. Còn Trịnh, có thể nghe mọi thứ. “Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa”. Hình như ông không tồn tại! Cái bản thể tâm thân của Trịnh như hiện thân của hư vô mang tâm hồn tạo hóa. Trịnh có thể nghe mọi thứ, hiểu mọi thứ từ côn trùng hay là cánh hoa sắp tàn, nghe trong gió tiếng ai đi về… đến nghe tiếng thở của bào thai, nghe cả hồn người, nghe cả thiên thu,…

Chỉ không nghe được tiếng lòng mình. Thế cho nên, dù Trịnh đã xây nên một “lâu đài thơ- nhạc Trịnh”, nhưng lòng vẫn mải mê đi tìm, đi tìm bản ngã đời mình. Đi tìm nguồn gốc hiện sinh và để trả lời câu hỏi “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...”

Có lẽ, hơn ai hết, Trịnh là người hiểu được những câu hỏi mà mình nêu lên như một mệnh đề mang đầy triết lý sẽ mãi mãi chẳng có câu trả lời. Nhưng như một triết gia mang tâm hồn thiền, Trịnh phải đi cho đến tận cùng chân lý dù cho một lúc nào đó mệt mỏi và “nằm xuống với đất muôn đời”.

Hỏi chỉ là để hỏi thôi, thông điệp ấy sẽ gửi đến ngàn sau bởi lẽ Trịnh ngộ ra một điều là “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Còn bây giờ, với mình, “tuổi buồn như lá gió mãi cuốn đi quay tận cuối trời”...

Bài, ảnh: PHAN (TP Vĩnh Long)