Đạo đức- có nên xếp hạng

Cập nhật, 04:28, Thứ Tư, 24/03/2021 (GMT+7)

Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực ngày 20/3/2021 quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT. Trong 4 thông tư này, có một quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên tạo nhiều ý kiến quan tâm của dư luận, đặc biệt là giáo viên.

Trong 4 thông tư này, phần quy định về chức danh nghề nghiệp, Bộ GD-ĐT phân giáo viên mỗi cấp thành hạng I, hạng II và hạng III và trong mỗi hạng đều có tiêu chuẩn riêng về đạo đức nghề nghiệp giáo viên cần đạt được để xếp hạng. Cụ thể, đối với xếp hạng III được quy định như chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử…; đối với hạng II, thì ngoài các tiêu chuẩn của hạng III, còn phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”; đối với hạng I, cần thêm tiêu chí “phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo”.

Khi thông tư được ban hành, có nhiều ý kiến- đặc biệt là giáo viên cho rằng, theo cách hiểu thông thường thì giáo viên thứ hạng cao đương nhiên phải có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp... cao hơn thứ hạng thấp. Một số ý kiến khác cho rằng, Luật Giáo dục có quy định chung về đạo đức nghề giáo và bắt buộc tất cả phải thực hiện. Còn trong Luật Viên chức, cũng có một bộ quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề đó cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức. Không chỉ quy định trong Luật Giáo dục, năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 16 “Quy định về đạo đức nhà giáo”, quy định một chuẩn mực chung về phẩm chất đạo đức của giáo viên.

Nhiều chuyên gia cho rằng quy định trên là không hợp lý và không cần thiết, bởi đã là tiêu chuẩn đạo đức thì các hạng phải cùng tiêu chí, không phân biệt. Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người, do đó không nên tách ra để xếp hạng một cách máy móc theo từng loại. Điều này có thể gây ra những tổn thương không đáng có đối với nhà giáo.

AN NHIÊN