Đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Cập nhật, 11:58, Thứ Sáu, 25/10/2019 (GMT+7)

Ngày 23/10/2019, trong phiên làm việc tại hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó vấn đề mà đại biểu quan tâm là việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến Quốc hội 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu (Điều 169).

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đoàn ĐBQH tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tuy nhiên, một số ĐBQH còn băn khoăn về quy định tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện hành; một số đoàn ĐBQH đồng ý với phương án 2 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình.

Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: chủ trương điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung đối với người lao động là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu lâu dài để chủ động ứng phó với xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, cùng với ý kiến của các vị ĐBQH, quá trình lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho thấy, trong số các ý kiến đồng tình với quy định về tuổi nghỉ hưu, vẫn có 2 quan điểm về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định rõ lộ trình thực hiện trong dự thảo bộ luật như phương án Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 7. Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định về nguyên tắc để giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cho phù hợp với ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số..., không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau và người lao động (nhất là nhóm lao động trực tiếp).

Do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 để xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1 (Phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi): tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Phương án 2 (Phương án quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình): tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cả 2 phương án đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết 28-NQ/TW quy định rõ tuổi nghỉ hưu phải hướng tới.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đối với phương án 1 sẽ bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của “người làm công ăn lương”, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể về lộ trình cho từng năm và xác định được thời điểm hoàn thành.

Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của ngành và nghề lao động Việt Nam, sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động.        

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, phương án 2 bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để Chính phủ có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp.

Tuy nhiên, phương án này chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định, như vậy có thể sẽ dẫn đến phức tạp, khó khăn hơn khi thực hiện các quy định nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 điều này và người lao động không xác định được việc mình sẽ nghỉ hưu vào thời điểm nào. Vì lẽ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.

TÂM THI (ghi)