Đảm bảo an toàn sinh học để ngăn dịch tả heo châu Phi "càn quét"

Cập nhật, 14:26, Thứ Sáu, 16/08/2019 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, giải pháp duy nhất để giữ đàn, chống dịch hiệu quả là đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học cho trại.

Tại Đồng Nai, nơi được coi là “thủ phủ chăn nuôi” của cả nước, dịch tả lợn châu Phi (ASF) xuất hiện từ cuối tháng 4 đến nay, 1/3 số trang trại của Đồng Nai đã “dính” dịch, số heo (lợn) bị tiêu hủy lên tới hơn 275.700 con.

Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, giải pháp duy nhất để giữ đàn, chống dịch hiệu quả hiện nay là đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học cho trại.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, giải pháp duy nhất để giữ đàn, chống dịch hiệu quả hiện nay là đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học cho trại.

Trong khi dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, giải pháp duy nhất để giữ đàn hiện nay là đảm bảo tuyệt đối an toàn sinh học cho trại. Và để làm được điều nay, thì quyền “tự quyết” thuộc về chính các trang trại chăn nuôi.
 

1/3 tổng số trang trại đã “trắng” heo 

Về vùng chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai hiện giờ, dịch tả heo châu Phi được nói đến nhiều nhất. Một không khí lo lắng bao trùm cả vùng quê rộng lớn vì nhiều trang trại, nông hộ nuôi heo bị dịch, phải tiêu hủy. Những hộ may mắn chưa bị thì cũng như ngồi trên đống lửa, vì chưa biết lúc nào dịch “ghé thăm” đàn heo nhà mình.

Trang trại heo của ông Hoàng Văn Phúc nằm biệt lập trên một quả đồi ở ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất. Khi dịch tả heo châu Phi bắt đầu xuất hiện ở nước ta, rồi lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc, ông Phúc đã rất thận trọng, nhanh chóng triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng để bảo vệ đàn heo gần 400 con của mình, kể cả công nhân làm việc trong trại cũng được yêu cầu không ra khỏi trại suốt hàng tháng trời.

Những tưởng trại nằm biệt lập, lại được bảo vệ nghiêm ngặt như thế thì sẽ ngăn được dịch, nhưng đến đầu tháng 7, heo của ông Phúc có dấu hiệu bệnh, ông báo chính quyền địa phương và nhận về kết quả rất sốc: heo dương tính với dịch tả heo châu Phi:

“Từ hồi có tin tức dịch ngoài miền Bắc là nhà tôi ngưng hết luôn, mọi hoạt động đi lại vào trại cũng hạn chế. Chỉ có 2 bố con chăm heo, sáng vào, trưa về ăn cơm rồi vào, kể cả đồ ăn cũng không đưa vào, vậy mà lợn vẫn bị dịch. Đến giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân làm sao...”, ông Phúc cho hay.

Thiệt hại nặng hơn ông Phúc, trang trại của bà Trịnh Thị Thủy ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất đã phải tiêu hủy 2.300 con, trong đó có 200 con heo nái. Toàn bộ gia sản nằm ở trại heo phút chốc đã “bốc hơi”. Bà Thủy khẳng định mình đã làm mọi cách, từ xây tường rào bao quanh, làm trại lạnh, rồi đổ hàng tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng…nhưng vẫn không ngăn nổi dịch.

“Nói chung là kỹ không còn gì để nói: tường rào xây cao 2 mét rưỡi, trại lạnh, người ra người vào, xe cám đứng ở ngoài vác vào…vẫn bị. Vôi tôi mua bằng xe tải, hàng trăm bao một lần chứ không phải một, hai bao. Rải vôi, phun thuốc sát trùng một ngày 10 lần nhưng vẫn không ăn thua. Tôi thiệt hại quá lớn, lần này phải vài ba chục tỷ...”, bà Thủy ngân ngấn nước mắt kể.

Dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở Đồng Nai từ cuối tháng 4 vừa qua, sau gần 4 tháng ở đây đã có 673/1.700 trang trại bị dịch, tiêu hủy hơn 275.700 con heo. Ngân sách địa phương không đủ cho việc hỗ trợ người chăn nuôi và chi cho công tác xử lý dịch, Đồng Nai đã phải đề xuất Trung ương cấp bổ sung khoảng 800 tỷ đồng.

An toàn sinh học là giải pháp duy nhất

Đáng chú ý, theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Đồng Nai, giữa lúc dịch tả heo châu Phi đang “càn quét”, thì nhiều trang trại dù nằm giữa vùng dịch vẫn ổn nhờ thực hiện tốt an toàn sinh học.

Khi có thông tin dịch, chủ trang trại đã nhanh chóng cho xây tường rào, bao lưới xung quanh trại, ngăn chim, ruồi muỗi, chuột bọ không thể xâm nhập khu vực chăn nuôi. Đặc biệt đối với con người thì thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, người trong trại không ra khỏi trại, thậm chí thức ăn cho người được nấu chín trước khi đưa vào trại; thương lái và xe vận chuyển heo cũng không được vào trại mà heo được lùa ra ngoài rồi đưa lên xe. Riêng xe vận chuyển thức ăn chăn nuôi mỗi khi vào trại phải được phun khử trùng kỹ lưỡng, nhiều lần…

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai khẳng định, hiện nay dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vaccine nên giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất vẫn là thực hiện thật tốt an toàn sinh học, “sống chung với dịch”, minh chứng là các trang trại làm an toàn sinh học tốt vẫn “đứng vững”.

Cũng theo ông Quang, thực hiện an toàn sinh học đòi hỏi sự nghiêm túc của chính người chăn nuôi. Cơ quan chức năng có thể khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp song không thể thực hiện thay, nên việc thực hiện an toàn sinh học hiệu quả để chống dịch hoàn toàn phụ thuộc vào chủ trại.

“Bây giờ là xác định sống chung với dịch thì sống chung như thế nào? Sống chung với nó thì phải tìm giải pháp. Thực tiễn chống dịch thời gian qua cho thấy ai làm được an toàn sinh học tốt thì giữ được đàn. Không ai có thể làm thay nông hộ, trang trại. Không làm được thì không nuôi được vì dịch nó sẽ tái đi tái lại”, ông Quảng phân tích.

Hiện tổng đàn heo của Đồng Nai còn khoảng 1,9 triệu con, giảm khoảng 600.000 con so với thời điểm trước dịch. Ngoài số heo bị tiêu hủy thì tổng đàn giảm do người chăn nuôi chủ động bán bớt heo để giảm thiệt hại trong trường hợp dịch xảy ra.

Nguồn cung heo thịt giảm khiến giá heo thịt tăng mạnh, hiện giá heo hơi ở Đồng Nai đang ở mức khoảng 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân nuôi heo đang lãi khá cao, tuy nhiên điều này cũng đặt ra cho các chủ trang trại lựa chọn khó khăn: tái đàn, tăng đàn nuôi tiếp hay tạm dừng chờ dịch qua.

Còn về phía ngành chăn nuôi địa phương thì đưa ra khuyến cáo, các trang trại mới bị dịch không nên tái đàn ở thời điểm này nếu chưa chắc chắn đảm bảo an toàn sinh học./.

Theo Xuân Lượng/VOV