Ban hành nghị quyết xử lý gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT

Cập nhật, 05:03, Thứ Ba, 20/08/2019 (GMT+7)

Ngày 16/8/2019, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 05 ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết số 05 gồm 8 điều, trong đó, giải thích một số thuật ngữ trong các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự như: lập hồ sơ giả; lập hồ sơ bệnh án khống; kê đơn thuốc khống; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật chi phí giường bệnh; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT; thẻ BHYT được cấp khống; thẻ BHYT giả; thẻ đã bị thu hồi, bị sửa chữa; trốn đóng BHXH; gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN…

Nghị quyết cũng hướng dẫn một số tình tiết quy định khung hình phạt; truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể; xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thực hiện trước ngày 1/1/2018; xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…

Việc ban hành nghị quyết này, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và của cả cơ quan BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến nay, toàn quốc số nợ BHXH, BHYT, BHTN là trên 6.000 tỷ đồng của trên 55.000 đơn vị sử dụng lao động, tác động đến hàng trăm ngàn người lao động.

Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn các điều luật liên quan đến tội trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự là hết sức cần thiết, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý hình sự các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

SÔNG TRĂNG