Hướng tới xây dựng đô thị thông minh

Cập nhật, 14:41, Thứ Tư, 08/11/2017 (GMT+7)

Đô thị thông minh là xu hướng phát triển của thế giới. Tại Việt Nam, hiện các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ,… đều đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Còn tại Vĩnh Long, ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng đô thị thông minh, Vĩnh Long cũng không thể đứng ngoài…

Đô thị thông minh mang đến hệ thống hạ tầng thông minh
Đô thị thông minh mang đến hệ thống hạ tầng thông minh

Đưa đón con đi học ở TP Vĩnh Long, chị Phạm Thị Ngọc Lan (xã Tân Hạnh- Long Hồ) cho biết: “Ngán cảnh xe cộ ùn ứ, phải nhích từng chút để ra khỏi đám đông như bị “dính chùm” trong các tuyến đường nội ô và cảnh chen chúc tìm đậu xe chờ rước con trước cổng trường”.

Theo chị, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: do giờ học, giờ làm trùng nhau; đường đô thị nhỏ hẹp- chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại… “Ước gì có thể thư thả hơn vào những giờ phút đưa đón con đến trường”- chị Lan nói.

Theo Ths. Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện trạng kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh đạt tiêu chuẩn theo cấp đô thị khoảng 60%.

Các công trình văn hóa, y tế, giáo dục… đã được đầu tư xây dựng tại các đô thị, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ do thiếu nguồn lực để đầu tư triển khai thực hiện…

Trong khi đó, công tác dự báo và lập các đồ án quy hoạch mang tính định hướng, phát triển chưa mang tính khả thi cao, chưa nghiên cứu kỹ tác động, hậu quả về mặt kinh tế- xã hội và môi trường.

Đô thị thông minh được kỳ vọng sẽ giải quyết rốt ráo các vấn đề này. Theo ông Võ Văn Phước- Giám đốc Trung tâm CNTT-TT- đô thị thông minh áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để đưa vào công tác quản lý và phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội. Cụ thể ở các lĩnh vực như giao thông, hạ tầng thông minh, y tế, giáo dục thông minh… Thông minh là ứng dụng tới mức cao, mức trí tuệ nhân tạo trong đó.

Ví dụ, hạ tầng về giao thông thông minh thì phải dự báo được, mức sống người dân cao thì mua ôtô nhiều, vậy nhìn vào hạ tầng hiện tại đường bộ thì có đáp ứng không, nếu không khéo sẽ không giải quyết được bài toán kẹt xe.

Muốn thông minh phải dự báo trước, hoặc giải quyết tình huống là làm sao đáp ứng được nhu cầu được thực tế đang diễn ra. Thông minh là ứng dụng vào sản xuất, tăng tính dự báo, lường hết được các vấn đề xảy ra.

Chẳng hạn, người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo làm các thiết bị cảm biến tự động phân tích, cảnh báo… để điều khiển giao thông. Theo đó, cảm biến sẽ quan sát, phân tích để quyết định đèn đỏ 10 giây hay 40 giây chớ không lập trình cứng nhắc như hiện nay; trời tối mức nào sẽ tự động bật đèn chiếu sáng chớ không quy định giờ…

Nói chung, công nghệ 4.0 sẽ gắn liền với đô thị thông minh. Chính phủ điện tử là một phần trong đô thị thông minh. Chính phủ ứng dụng thông minh thì khả năng dự báo sẽ thực hiện dễ dàng dựa trên số liệu thực tiễn, đưa ra bài toán ước tính trên cơ sở khoa học.

Hiện Chính phủ giao các tỉnh xây dựng lộ trình đô thị thông minh. Đô thị thông minh là xu hướng, Vĩnh Long cần phải thực hiện.

Theo các chuyên gia, trước tiên, phải có đánh giá tổng thể, chọn ra phương án phù hợp thực tiễn từng địa phương, tránh đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí. Ví dụ, đô thị thông minh có 10 lĩnh vực thì mình sẽ áp dụng lĩnh vực nào.

Thế mạnh của từng vùng, nếu là tỉnh nông nghiệp thì ứng dụng nông nghiệp thông minh sẽ hợp lý. Không thể y như mô hình của các tỉnh- thành lớn đem về tỉnh, vì có thể trình độ doanh nghiệp và người dân chưa sẵn sàng, chưa cần thiết.

Một số chuyên gia cho biết thêm: Đô thị thông minh là áp dụng công nghệ 4.0 cho nên việc xác định đang ở đâu là rất quan trọng.

Cái khó là hiện nay không dễ dàng để xác định địa phương mình đang ở mức nào, có thể là 2.0 hoặc 3.0? Để ứng dụng đô thị thông minh còn nhiều yếu tố, các sở ban ngành đều phải tham gia vào. Cụ thể, đô thị thông minh liên quan đến công nghệ, phải gồm ngành khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, quy hoạch phát triển hạ tầng phải có xây dựng…

Thiết nghĩ, xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu, cho nên ngay từ bây giờ, các đô thị Vĩnh Long cần có tâm thế và các bước chuẩn bị kỹ càng để bắt kịp nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đô thị cả nước.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Duy cho rằng, Vĩnh Long cần phấn đấu phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế để phát triển vững chắc, đảm bảo nhu cầu hiện đại hóa của người dân.

Tháng 12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đô thị thông minh. Đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu thấu đáo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin- Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát…

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- TẤN ANH