Cần quy định cơ chế xem xét, xử lý tố cáo dù không rõ họ tên nhưng nội dung tố cáo có chứng cứ rõ ràng

Cập nhật, 07:56, Thứ Năm, 09/11/2017 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp một số vấn đề về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, hình thức tố cáo… 

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Tôi đồng tình với tên gọi của dự án luật là Luật Tố cáo (sửa đổi) thay vì là Luật sửa đổi một số điều của Luật Tố cáo, vì phạm vi sửa đổi rộng, trong 72 điều của dự án luật có tới 29 điều sửa đổi, 27 điều bổ sung thay thế.

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo được quy định tại điều 10, luật bổ sung quy định người bị tố cáo được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Tôi cho rằng việc bổ sung này rất phù hợp vì nó góp phần lớn vào việc nâng cao tính thận trọng, khách quan trong quá trình xem xét giải quyết tố cáo, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người bị tố cáo.

Và cũng hạn chế tố cáo mang tính cơ hội làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ công chức hoặc trong giai đoạn đang thực hiện quy trình quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Về hình thức tố cáo quy định tại điều 19, tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay việc sử dụng mạng xã hội cũng như phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ và chúng ta kiểm soát rất vất vả, nên quy định hình thức tố cáo bằng văn bản và trực tiếp là phù hợp.

Quy định nhằm hạn chế nạn tố cáo tràn lan, tố cáo thiếu căn cứ gây khó khăn cho việc tiếp nhận cũng như xử lý đơn thư tố cáo mà chúng ta gặp phải trong thời gian qua.

Trong điều này tôi đề xuất cần quy định cơ chế xem xét, xử lý tố cáo dù không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo có chứng cứ rõ ràng, cụ thể nhằm tránh bỏ sót hoặc xử lý không kịp thời như thực tiễn thời gian qua đã có.

Về thời gian giải quyết tố cáo được quy định tại điều 28, tôi tán thành phương án tính thời hạn giải quyết tố cáo là tính theo ngày làm việc.

Đối với điều luật này, tôi thấy quy định giải quyết tố cáo đối với một số vụ việc đơn giản còn dài, đề nghị giảm thời gian xử lý đối với những vụ việc đơn giản còn 20 ngày thay vì 30 ngày như dự thảo luật.

Và trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn một lần thì không quá 10 ngày thay vì 15 ngày như dự thảo luật, điều đó sẽ làm giảm bớt những ảnh hưởng về quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan.

Liên quan đến thời hạn giải quyết vụ việc tố cáo, đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh thống nhất trong dự thảo luật, bởi có một số điều luật tính theo ngày làm việc, rồi cũng có một số điều luật tính theo ngày.  

Về vấn đề khen thưởng và xử lý vi phạm, tôi đề nghị bổ sung thêm quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế khen thưởng (điều 66), bởi dự thảo luật mới chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm chứ chưa có quy định chi tiết về khen thưởng.

Và trong quy định chi tiết về khen thưởng, tôi đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm xem xét hình thức khen thưởng cho phù hợp, thống nhất, tránh mâu thuẫn với biện pháp bảo vệ người tố cáo.

Bởi như chúng ta đã biết, biện pháp bảo vệ người tố cáo mang tính bí mật thông tin, xong việc khen thưởng là công khai nên để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người tố cáo cũng như sự an toàn của họ việc khen thưởng cần có một quy định phù hợp hơn trong quy định chi tiết về khen thưởng.  

TÂM THI (ghi)