Sạt lở đe dọa sản xuất, dân sinh

Kỳ cuối: "4 tại chỗ" ứng phó sạt lở

Cập nhật, 14:37, Thứ Tư, 08/11/2017 (GMT+7)

Thực tế cho thấy, ngay khi sạt lở xảy ra, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tiền phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc sát cánh cùng người dân để ứng phó với thiên tai. Vận dụng phương châm “4 tại chỗ” được xem là giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại hiệu quả.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp sát cánh cùng người dân ứng phó sạt lở.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp sát cánh cùng người dân ứng phó sạt lở.

Lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ

Ngay sau khi xảy ra sạt lở bờ sông Hậu (phường Thành Phước- TX Bình Minh), Ban Chỉ huy PCTT-TKCN phường đã sử dụng lực lượng “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn. Sau đó, 34 hộ bị ảnh hưởng đã được bố trí, sắp xếp chỗ ở tạm nhanh chóng và xét cấp nền nhà cho hộ đủ điều kiện.

Theo ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch UBND TX Bình Minh, khi sự cố xảy ra, địa phương tăng cường lực lượng xung kích như công an, quân sự,… tổ chức lập rào chắn phong tỏa hiện trường, cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản cho nhân dân.

UBND thị xã đã thông báo tình hình khẩn cấp đến các hộ gia đình cá nhân trong khu vực bị ảnh hưởng, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trên tuyến sông Hậu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trở lại bờ sông Tiền tại ấp An Thuận (xã An Bình- Long Hồ), anh Nguyễn Thanh Phong có phần đất vườn nhà bị sạt lở cho biết: Do bất ngờ sạt lở trong đêm, không thể điều động được phương tiện cơ giới kịp nên người dân nơi đây cùng lực lượng xung kích của xã đã góp tay gia cố tạm đoạn sạt lở bằng cừ tràm, đắp đất ngay trong đêm để chống chọi với con nước dữ, nếu không thì thiệt hại sẽ còn nhiều hơn.

Các đợt triều cường vừa qua ở 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) đã xảy ra nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, ban chỉ huy PCTT-TKCN địa phương đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục.

Ông Phạm Văn Kiểm ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) cho biết, khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương và kịp thời điều động phương tiện cơ giới và người dân địa phương chung tay để khắc phục tạm thời.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đệ- cán bộ nông nghiệp xã, để hỗ trợ người dân khắc phục sự cố thì địa phương cũng đôn đốc đơn vị thi công tập trung phương tiện để hoàn thành công trình, đảm bảo sản xuất.

Bên cạnh, tăng cường rà soát những đê bao, đập xung yếu, sử dụng lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân gia cố lại, đảm bảo ngăn triều cường.

Chủ động ứng phó, không thể trông chờ

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 do ngành nông nghiệp quản lý đến nay gồm trên 717 tỷ đồng với 170 công trình.

Đến nay đã hoàn thành 34 công trình với số vốn 278 tỷ đồng (38,8% kế hoạch. Hiện vẫn còn 97 công trình đang thực hiện và có đến 39 công trình đang chuẩn bị thực hiện dự án hoặc chuẩn bị đầu tư.

Công trình do cấp huyện làm chủ đầu tư đã triển khai thi công 100/108 công trình với nguồn vốn trên 40,2 tỷ đồng; trong đó 83 công trình đã hoàn thành, 17 công trình đang thi công và 8 công trình chưa thi công. Ước giá trị thực hiện 37,2 tỷ đồng.

Các địa phương đã thực hiện hoàn thành cơ bản các công trình đảm bảo phục vụ cho sản xuất, dân sinh, phòng chống lũ, triều cường.

Qua khảo sát, huyện Bình Tân hiện có 12 điểm được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Trong số này, đến nay huyện đã khắc phục 4 điểm.

Ông Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân cho biết: Những đoạn sạt lở ngắn ven tuyến đường giao thông, vận dụng “4 tại chỗ”, các xã vận động nhân dân khắc phục nhanh chóng.

Hiện còn 2 đoạn sạt lở nghiêm trọng tại kinh Hai Quý và kinh Huyện Hàm thì huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Ông Lê Phi Long- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết, để ứng phó với sạt lở trong các đợt triều cường vừa qua, các xã đã vận dụng “4 tại chỗ” gia cố các điểm sạt lở với kinh phí gần 250 triệu đồng.

Bên cạnh, huyện tổ chức khắc phục tại các điểm sạt lở lớn với kinh phí khoảng 700 triệu đồng. Đối với những công trình thi công trước năm 2010 thì hiện tại chỉ có thể ngăn nước tạm thời. Do đó, cần tiếp tục vận động người dân gia cố chống tràn tại những điểm này.

Còn ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- thông tin: Con nước rằm tháng 8 âl gây tràn 31 tuyến đê trên 18.000m, sạt lở 9 điểm đê bao khoảng 194m trên địa bàn 9 xã của huyện.

Đến nay, các điểm này đã được khắc phục xong. Hiện tuyến đê bao giáp sông Cổ Chiên và sông Măng có 5 khu vực kém an toàn, với trên 300 hộ dân có khả năng chịu ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, đối với 6 điểm sạt lở cục bộ (dài 340m) thời gian qua, huyện đã xuất kinh phí dự phòng là 460 triệu đồng, hiện các điểm sạt lở này đang trong thời gian thi công khắc phục.

Chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai, sạt lở, ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh lưu ý các địa phương ưu tiên gia cố các điểm sạt lở khẩn cấp, chủ động nguồn kinh phí dự phòng ngân sách cấp huyện để khắc phục các điểm sạt lở.

Đối với các công trình xung yếu, địa phương cần linh hoạt vận dụng “4 tại chỗ” tổ chức thực hiện ngay, không trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh.

Đồng thời, kiểm tra rà soát các khu vực ven sông, kinh, rạch có nguy cơ sạt lở cao, các khu vực hiện còn các hộ dân sinh sống trong các vùng trũng, thấp, ngoài đê bao, bờ bao có nguy cơ ngập lũ, cảnh báo sớm cho dân biết để di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn.

Bài, ảnh: SƠN HIỀN