Quy định xử lý người chưa thành niên: Không nên bằng thái độ quá nóng

Cập nhật, 17:21, Thứ Năm, 25/05/2017 (GMT+7)

 

 Việc quy định xử lý đối với người chưa thành niên cần cân nhắc như thế nào là đúng mức, vì tương lai của các em còn rất dài ở phía trước. Ảnh minh họa.
Việc quy định xử lý đối với người chưa thành niên cần cân nhắc như thế nào là đúng mức, vì tương lai của các em còn rất dài ở phía trước. Ảnh minh họa.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp.

Trong số các ý kiến phát biểu,  khoản 2, Điều 12 về trách nhiệm hình sự của người vừa đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm nhất và có 2 luồng ý kiến trái chiều.

* Phải xử lý nghiêm trẻ em phạm tội

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Đồng tình với phương án này, nhiều ĐBQH cho rằng, thực tế thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng.

Nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại, cần phải được xử lý nghiêm minh.

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (đơn vị tỉnh Bình Thuận) đề nghị, đã là pháp luật thì phải nghiêm và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn. Ông bà ta đã có câu "thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi".

Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này, việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả. Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm thì mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này.  

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đơn vị tỉnh Quảng Bình) cho biết, theo thống kê, tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với những hành động vi phạm phức tạp, tàn bạo, phi nhân tính, đặc biệt gần đây tệ nạn hiếp dâm, bắt cóc tống tiền, cố ý gây thương tích cho người khác gia tăng một cách nghiêm trọng.

Thực trạng trên gây bức xúc, bất an cho xã hội cần được xử nghiêm để cảnh báo, để răn đe, để hướng tới xây dựng một xã hội bình yên. Không những thế, đối tượng này gần đây cũng bị một số kẻ xấu lợi dụng trong kích động và bạo loạn.  

Theo nhiều ĐBQH, luật phải bảo vệ cho số đông, xử nghiêm đối tượng này chính là xử một người nhưng cứu muôn người. Đó chính là điều nhân văn. Trong trường hợp không đến mức nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì luật có căn cứ tình tiết giảm nhẹ, đó là đạo đức pháp luật.

 

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, ở một số nước chính sách hình sự đối với trẻ thành niên (gọi tắt là trẻ em) là dưới 18 tuổi thì chúng ta cũng thống nhất độ tuổi như vậy.

 

Họ quy định, một là đưa ra những nguyên tắc để xử lý, hai là quy định về độ tuổi. Đối với độ tuổi thì trẻ em nhiều nước chỉ loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội vô ý, còn các tội cố ý thì vẫn phải chịu nhưng chính sách của họ lại nằm ở nguyên tắc xử lý.

 

Ví dụ như đối với Pháp thì có mấy nguyên tắc sau: Thứ nhất là xử lý đối với trẻ em thì phải tăng các biện pháp giáo dục và hạn chế các biện pháp đưa vào hình phạt cưỡng chế bằng biện pháp tù giam; thứ hai là tất cả các vụ án liên quan đến trẻ em phải xử kín để đảm bảo các cháu không bị xúc phạm; thứ ba là không có quy định 14- 16 tuổi và 16- 18 tuổi như chúng ta.

 

Độ tuổi của trẻ em do Hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở nhận thức của các em đối với hành vi phạm tội đó và áp dụng cá biệt trong từng trường hợp cụ thể; thứ tư là trong trường hợp phải xử lý bằng hình phạt tù thì việc áp dụng hình phạt bằng một nửa so với khung hình phạt tương ứng.


* Cần tạo điều kiện cho các em làm lại cuộc đời  

Tuy nhiên, trong dự thảo luật do Chính phủ trình đề nghị sửa quy định này theo hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 3 tội nêu trên nếu thuộc loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.  

Đồng tình với phương án này, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (đơn vị tỉnh Thái Bình) cho rằng, trẻ em đã chưa phát triển toàn diện đầy đủ về cả thể chất và tinh thần, nhận thức, việc phạm tội chủ yếu là do bị kích động, lôi kéo và không làm chủ được bản thân, do vậy việc xử lý hình sự đối với trẻ em là điều hết sức phải cân nhắc.

Phải ưu tiên xử lý bằng các biện pháp khác mới đem lại hiệu quả tác dụng giáo dục và thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Theo ĐBQH Đỗ Thị Lan (đơn vị tỉnh Quảng Ninh), nếu quy định như phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không còn cơ hội cho trẻ em sửa đổi lỗi lầm, học tập và phát triển cả khi phạm tội ít nghiêm trọng.

Quy định như vậy chưa phù hợp với chính sách hình sự, đó là đối với trẻ em phạm tội thì không còn biện pháp xử lý khác mới phải xử lý biện pháp hình sự, trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn quy định nhiều chế tài xử phạt đối với trẻ em vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như xử phạt hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

Trong phiên thảo luận, một số ĐBQH chia sẻ suy nghĩ cá nhân rằng, việc xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em. 

Điều quan trọng là để khi bắt tay sửa vào điều luật này, chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án.

 

Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

 

Phương án 2: Giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.


Bài, ảnh: TÂM- THI