Tiền gửi dân cư chiếm hơn 71% trên tổng nguồn vốn huy động

Cập nhật, 11:37, Thứ Sáu, 30/09/2016 (GMT+7)

+ 4 ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất huy động

Số dư nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước tính đến cuối tháng 9/2016 đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 17,16% so với đầu năm.

Trong đó, đáng chú ý là tiền gửi dân cư đạt 18.074 tỷ đồng, chiếm 71,7% trên tổng số dư nguồn vốn huy động và tăng hơn 22% so với số đầu năm. Huy động vốn, nhất là tiền gửi tiết kiệm tăng trưởng mạnh so với đầu năm do lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất huy động ổn định và thực dương. Bên cạnh, các tổ chức tín dụng đa dạng hóa các hình thức và kỳ hạn huy động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng.

Riêng trong 9 tháng năm 2016, lãi suất huy động tăng nhẹ từ 0,2- 0,6 %/năm đối với các kỳ hạn từ 6- 9 tháng.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động chỉ xảy ra ở một số ngân hàng thương mại nhỏ, trong khi một số ngân hàng thương mại lớn lại có động thái điều chỉnh giảm.

Điều này tác động giúp lãi suất huy động VND ổn định ở mức từ 0,5- 1 %/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5- 5,5 %/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,5-7,3 %/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Cụ thể, ngày 26/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi một thông báo cho hay các ngân hàng có quy mô lớn điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở nhiều kỳ hạn. Các kỳ hạn dưới một năm được một số ngân hàng điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm.

Điều này được kỳ vọng khi 4 ngân hàng lớn cùng hạ lãi suất huy động thì các ngân hàng nhỏ cũng sẽ khó mà tăng lãi suất huy động được, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay chung trong hệ thống ngân hàng thương mại.

LÝ AN