Tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 46

Cập nhật, 11:27, Thứ Năm, 29/09/2016 (GMT+7)

Rượu, bia được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) khi người điều khiển phương tiện sử dụng quá nồng độ cho phép. Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 46) đã quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi này.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với Đại tá Thái Văn Bền- Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- Công an tỉnh.

* Qua thời gian triển khai xử phạt các hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 46, nhất là những trường hợp liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ngành chức năng đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

- Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.

Đến nay, nhìn chung công tác triển khai thực hiện nghị định này khá thuận lợi, được người dân đồng tình ủng hộ. Trước khi Nghị định 46 có hiệu lực, đơn vị đã phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các khu dân cư, trường học… trên địa bàn tỉnh để phổ biến rộng rãi đến người dân.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo đơn vị cũng chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.

Chính nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát mà nhận thức và ý thức chấp hành của người tham gia giao thông từng bước được nâng lên, số vụ vi phạm hành chính giao thông đường bộ nói chung và vi phạm về nồng độ cồn nói riêng giảm so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy Nghị định 46 đã có tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

* Có thể thấy, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá quy định là một trong những giải pháp tích cực nhằm kéo giảm các vụ TNGT. Xin ông cho biết cụ thể về quy định này?

- Điểm nổi bật của Nghị định 46 so với các nghị định trước đây là có nhiều hành vi và nhóm hành vi được điều chỉnh theo hướng tăng mức xử phạt. Trong đó, phải kể đến hành vi vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt tiền cao nhất lên đến 4 triệu đồng đối với môtô, xe gắn máy và 18 triệu đồng đối với ôtô.

Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), Nghị định 46 quy định:

Phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1- 3 tháng.

Phạt tiền từ 3- 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3- 5 tháng.

Đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, Nghị định 46 quy định:

Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1- 3 tháng.

Phạt tiền từ 7- 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3- 5 tháng.

Phạt tiền từ 16- 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 4- 6 tháng.

* Để những quy định trên được thực thi một cách hiệu quả, nhằm góp phần giảm thiểu TNGT, nhất là những tai nạn liên quan đến người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt mức quy định thì Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- Công an tỉnh sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

- Để thực thi có hiệu quả quy định về xử phạt nồng độ cồn, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, làm sao để những quy định về trật tự an toàn giao thông, cụ thể là những quy định của Nghị định 46 được người dân nắm rõ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về những tác hại, hậu quả của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân.

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn như: vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, nhất là lỗi sử dụng rượu, bia quá nồng độ khi tham gia giao thông…

Bên cạnh đó, tiếp tục kết hợp các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 và Cảnh sát giao thông- công an cấp huyện trong công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Để giảm thiểu TNGT, thiết nghĩ mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động phải gương mẫu, tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhằm bảo vệ an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác.

* Cảm ơn ông!           

PHẠM PHONG (thực hiện)