Dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy từ năm 2016

Cập nhật, 11:36, Thứ Năm, 01/10/2015 (GMT+7)

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 30/9, các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe mô tô, xe máy trên cả nước từ 1/1/2016.

Ảnh: Dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy là phù hợp. Hiện nay người dân đóng góp tiền, đất làm đường nông thôn nhưng lại
Ảnh: Dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy là phù hợp. Hiện nay người dân đóng góp tiền, đất làm đường nông thôn nhưng lại "cõng" thêm phí.

Qua thảo luận báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện với môtô, xe máy, các thành viên Chính phủ đã thống nhất đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc dừng thu phí đường bộ trên đầu xe mô tô, xe máy từ ngày 1/1/2016. Từ nay đến cuối năm, địa phương nào chưa thu vẫn phải thu theo đúng quy định.

Trong 3 năm thu phí, số tiền thu được không nhiều. Năm 2013- 2014, mỗi năm thu được trên 550 tỷ đồng, nửa đầu năm nay được gần 175 tỷ đồng. Chế tài xử phạt người không nộp phí chưa khả thi. Dù việc thu phí này phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Pháp lệnh phí, lệ phí, nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn trình Chính phủ tạm dừng thu loại phí này.

Tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải- Đinh La Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô từ ngày 1/1/2016. Theo cơ quan quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, nguyên nhân là việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất từ khâu quản lý số lượng môtô đến việc tổ chức thu và nộp vào ngân sách.

Bộ Tài chính nhận định, thực tế việc triển khai thu phí đối với môtô (gồm môtô và xe máy) gặp nhiều khó khăn do: môtô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí, đặc biệt trường hợp chủ xe (sinh viên, lao động tự do...) đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng. Mặt khác, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao.

Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí đối với môtô kể từ ngày 1/1/2016 và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 18/2012/NĐ-CP và Nghị định số 56/2014/NĐ- CP về Quỹ Bảo trì đường bộ theo hướng không thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô.

Ngoài ra, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu phí không được quy định rõ nên việc này phụ thuộc chủ yếu vào ý thức tự giác của người dân. Bên cạnh đó, có địa phương thu, nhưng cũng có tỉnh, thành lại chưa hoặc dừng thu tạo nên sự không công bằng và tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Tin, ảnh: HẠNH UYÊN