Nhỏ như cọng cỏ sao?

Cập nhật, 08:08, Chủ Nhật, 30/11/2014 (GMT+7)

Có những chuyện rất nhỏ. Nhỏ như cây kim, nhỏ như sợi chỉ. Như cái nút áo, như con ốc xe đạp vài ba ly… Nhưng hóa ra là chuyện không hề nhỏ.

Hồi năm ngoái, theo Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) qua khảo sát 158 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, có 74,5% phản ánh đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp, cung ứng linh kiện.

Trước đó chừng 6 năm, dù đánh giá Việt Nam là nơi đầu tư rất tốt, nhưng Jetro cũng đã từng cảnh báo Việt Nam đang có những dấu hiệu thua kém các nước ASEAN khác về khả năng cung cấp nguyên liệu, phụ tùng trong nước và cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Nếu không được đầu tư hợp lý, sợ rằng rồi đây dù lợi thế lao động giá rẻ, mưa thuận gió hòa, chính sách cởi mở… cũng sẽ không đủ để níu kéo các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ông Katsuyoshi- Tổng Giám đốc Công ty Canon Việt Nam cho biết: Trong năm 2012, Canon đã tiếp cận với 147 nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam nhưng kết quả chỉ chọn được có 6 doanh nghiệp làm đối tác. Không chỉ vậy, do thiếu ngành công nghiệp phụ trợ mà các nhà sản xuất đến từ nhiều nước khác đang đầu tư tại Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Nhưng cái khó vì thiếu những chi tiết “nhỏ như cọng cỏ” không chỉ đối với các doanh nghiệp nước ngoài, mà ngay các doanh nghiệp trong nước cũng cực kỳ khó khăn. Chẳng hạn, riêng ngành may mặc xuất khẩu hoặc hàng nội địa cao cấp, hầu như đều phải sử dụng từ tấm vải, cây kim, sợi chỉ đến chiếc nút áo ngoại nhập.

Mỗi năm, xuất khẩu dệt may đạt hàng chục tỷ USD nhưng hơn 50% số tiền đã phải dành để nhập khẩu trở lại nguyên phụ liệu. Lợi nhuận đạt không cao, dẫn đến giá lao động trả thấp. Suy cho cùng, chẳng khác nào ta đang làm gia công. Hóa ra, chỉ vì những “chuyện nhỏ” như cây kim sợi chỉ, mà cũng đã đủ sức “níu kéo” làm yếu đi một ngành kinh tế nhiều thế mạnh bởi có lao động rẻ, chăm chỉ và khéo tay.

Ngành công nghiệp phụ trợ thật sự cần được quan tâm và đầu tư thích đáng, bởi những chuyện nhỏ này không hề nhỏ chút nào.

PHƯƠNG NAM