Thi công cầu: Tính trước lối đi tạm sẽ hay hơn

Cập nhật, 13:19, Thứ Tư, 17/07/2013 (GMT+7)

Cây cầu Cái Ngang nối liền 2 xã Mỹ Lộc và Phú Lộc (Tam Bình) đang được sửa chữa, nâng cấp. Những ngày này, người dân qua sông ở khu vực Cái Ngang phải đi bằng đò. Hiện có rất nhiều người dân có ý kiến về việc thu phí, vì thời gian qua, mỗi lần thi công cầu trên đoạn hương lộ này là thu phí cho dù đó là đò ngang hay… cầu tạm.

Chú Hai Thanh ở Ấp 3A (xã Phú Lộc) cho biết, những người dân trong khu vực này yêu cầu không thu phí xe đạp của học sinh. Chú giải thích, cây cầu đã đi lại mấy chục năm nay bây giờ nâng cấp thì ai cũng mừng, tuy nhiên nâng cấp phải tính đường nào đó để người dân qua lại.

Thu phí qua đò Cái Ngang.


Chú có ý kiến: “Nếu không bắc cầu tạm thì phải đi đò là đúng rồi. Nhưng việc thu phí đò ngang của hàng trăm lượt người qua lại đây hàng ngày thì sao? Tôi nghĩ không nên thu phí xe đạp của học sinh, bởi học sinh nông thôn còn thiếu thốn lắm”.

Ông Trần Văn Mến ở ấp Lông Công (Phú Lộc) thì nói: “Tui không đồng tình ở chỗ mấy đứa học trò cũng lấy tiền tuốt hết trơn. Tui thấy nhiều đứa nghèo lắm, nó tiết kiệm bằng cách gởi xe bên đây, đi bộ qua đò để không tốn tiền, rồi đi bộ qua bên kia học.

Học sinh đâu có làm ra tiền, nên gởi xe cho đỡ tốn, giá gởi cũng 1.000 đ/chiếc. Ngày học 2 buổi tốn 2.000đ. Riêng con tôi là ngày tốn 4.000đ vì một ngày học 2 buổi, qua lại đò 4 lần, mỗi lần 1.000đ”.

Anh Bảy Sửu ở ấp Phú Hưng (Hòa Phú- Long Hồ) cho biết, người dân sống trên hương lộ Phú Lộc- Bầu Gốc phàn nàn bởi không chỉ bây giờ thu phí mà trước đây đã thu phí cầu tạm trên các hương lộ này rồi.

Anh nói, hiện người dân các xã gom về chợ Cái Ngang, mỗi lần đi chợ tốn tiền qua lại mỗi lần 500đ. Còn trước đây, khi thi công các cây cầu trên hương lộ này (cầu Lung Đồng, Tư Sở, Xẻo Bứa) thì mỗi lần đi qua cầu tạm người dân cũng phải trả tiền như đi đò.

Tại cầu Lung Đồng- anh Bảy Sửu nói thêm, cây cầu làm cùng lúc với con lộ cũng khoảng 4 năm nay, nhưng anh nhớ rõ vì trong lúc thi công không có bắc cầu tạm mà đi qua bằng chiếc trẹt. Để qua lại, người ta ngồi trên chiếc trẹt, dùng cọng dây kéo qua lại chứ không có chạy máy nhưng cũng thu tiền… y như chạy đò ngang.

Nhắc lại việc thu phí cầu tạm, ông Năm Mến cho biết, lúc đó ông là “cu li” làm ở cầu Tư Sở. Ông nói, “2 cầu cách nhau khoảng 200m. Mình làm ở cầu này mà đi qua cầu Xẻo Bứa cũng bị thu phí như thường”.

Tui và bà con ở đây bức xúc bởi cầu Xẻo Bứa và Tư Sở kinh phí lớn mà sao Nhà nước không có bắc cây cầu tạm, để đơn vị nào đó bắc cầu tạm và thu phí hơn một năm trời. “Do không có đường nào khác để đi nên buộc người dân qua đây, mỗi lần đi là trả phí”.

Ông Năm Mến lý giải, cây cầu tạm không khó làm, làm bằng bạch đàn, chỉ cho xe máy và người đi bộ qua, do vậy cũng không tốn nhiều chi phí. “Tui tính, nếu họ thu trong vòng 3 tháng là đủ tiền mua bạch đàn, tiền công cán. Đằng này, họ thu hoài, tới hoàn thành công trình luôn. Làm cầu mà còn lấy tiền lời khi thu phí cầu tạm thì không nên- ông nhấn mạnh.

Khi hỏi về việc này, Phó Phòng Công thương huyện Tam Bình- ông Phan Thế Trung cho biết, việc này đã qua rồi, chúng tôi đã trả lời tại các buổi tiếp xúc cử tri và cũng đã giải thích cho người dân rồi.

Theo đó, bản vẽ dự toán không bố trí cầu tạm, dân phải đi vòng. Nhưng do nhu cầu đi lại nên ở xã đề nghị làm cầu tạm. Thành ra, huyện đề nghị Sở Giao thông vận tải bố trí đò, thu tiền đò.

Nhưng xét thấy đưa đò thì do lòng kinh hẹp, cạn, khó đưa đò, nên bố trí cầu tạm có thu phí như tiền đò. Như vậy, thay vì cho dân đưa đò thì dân bỏ vốn ra bắc cầu tạm luôn.

Việc này đã được sở chấp thuận. Gần đây, tại cầu Mỹ Phú 1 (thị trấn Tam Bình) cũng như vậy, do nhu cầu dân đi lại nên dân địa phương mới bắc và thu phí, nếu người dân không đi thì có thể đi vòng qua đường Võ Tấn Đức. Hiện tại ở cầu Cái Ngang phải đưa đò, thu phí là hợp lý rồi. Vì bắc cầu tạm ở đây sẽ tốn kém do lòng sông quá rộng.

Qua nhiều lần bắc cầu và thu phí cầu tạm, người dân ở đây cho rằng, khi bắc cầu, ngành giao thông nên tính đến lối đi cho bà con, đặc biệt cần tính đến chi phí cầu tạm trong những con sông hẹp.

“Bởi trong một đường đang lưu thông, nếu cắt ngang làm cầu thì phải có dự án, kế hoạch cầu tạm hay tạo điều kiện để cho dân đi chứ không nên làm cầu tạm rồi thu phí như vầy nữa. Còn đưa đò nên miễn tiền xe qua lại cho học sinh vùng nông thôn”- anh Bảy Sửu góp ý.

Theo ông Phan Thế Trung, những dự án đầu tư của tỉnh cho địa phương thì có kinh phí hạn chế, do vậy trong dự án đầu tư thường không có tính việc bắc cầu tạm. Nếu dự án nào có chi phí thì làm cầu tạm và không thu phí bà con. Vừa qua, những dự án nào không có tính tới cầu tạm thì địa phương kêu gọi những người dân có điều kiện bắc cầu tạm.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN