Đừng để cháy nhà mới lo... dập lửa!

Cập nhật, 07:02, Thứ Tư, 24/07/2013 (GMT+7)

Từ những sơ suất nhỏ, cháy nổ có thể xảy ra. Hậu quả của nó thì không ai có thể lường trước được. Do đó, phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới là vấn đề đáng quan tâm. Không nên để xảy ra cháy mới lo… dập lửa, nhất là ở đô thị đông dân cư, nhà ở san sát như TP Vĩnh Long.


Chuôi điện cũ kỹ và lỏng lẻo- nguy cơ cháy nổ rình rập.

Lo “bà hỏa” rình rập

Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc- Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ- Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết: Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy và nổ (21 vụ cháy, 3 vụ nổ). Bị thương 5 người, chết 2 người; ước tính thiệt hại tài sản 5,58 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm, có khoảng 14 vụ cháy.

Trong đó, một số vụ xảy ra ở TP Vĩnh Long như trường hợp 1 hộ ở Phường 9, do đốt nhang trước khi ra khỏi nhà, tàn nhang rớt xuống gần ghế nệm gây cháy. May mà phát hiện chữa cháy kịp thời. Hay trường hợp của quán 9999 (Phường 4) do câu mắc điện không đảm bảo an toàn, hệ thống cách điện không đảm bảo lại luồn đường dây trên mái nhà, vách lá nên dẫn đến chập mạch gây cháy…

Tuy các ổ cắm điện trong nhà đã khá cũ kỹ, chuôi điện ghim vào có khi bị “xẹt lửa” nhưng cô Nguyễn Thị S. (Phường 2) vẫn chưa chịu thay ổ cắm mới. Cô cho rằng: “Chỉ xẹt lửa chút ít thì đâu có sao, chỉ cần mình hạn chế tháo ra tháo vô thì vẫn còn xài được một thời gian nữa”.

Cũng ở Phường 2, nhà trọ gần 10 phòng của chị Nguyễn Thị Thủy xây dựng đã lâu và có dấu hiệu xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Một nửa số phòng được mắc điện bằng cách luồn vào vách lá, không có thiết bị cách điện, dây điện rối nùi, ổ điện bị rỉ sét.

Chị Nguyễn Hồng Nhung- khách trọ ở đây cho biết: “Hôm trước, tôi cắm chuôi nồi cơm điện thì thấy tia lửa xẹt xẹt, ghê quá nên nói chủ nhà thay dùm, xài chưa được bao lâu lại thấy có dấu hiệu tương tự. Lo lo, nhưng vì giá phòng rẻ nên ở đại, chịu khó cẩn thận chút chắc không sao”.

Tương tự, Huỳnh Thị Yến Ly- trọ ở Phường 2- lo lắng: “Mấy ổ cắm điện trong phòng tôi cũng cũ lắm rồi, ghim vào bị lỏng và xẹt lửa. Kêu chủ nhà trọ thay thì chủ nói gọn lỏn: còn xài được”.

Chúng tôi ghé thăm một dãy nhà trọ ở Phường 8, gần cả chục phòng mà tìm đỏ mắt không thấy bình chữa cháy nào. Một khách trọ tên Huyền đặt nồi cơm điện cạnh bình gas 12kg và bếp gas đôi, phía trên là đường dây điện rối nùi, cách đó không xa là chiếc xe máy. Huyền băn khoăn: “Để đồ đạc như vầy không biết có an toàn không nữa nhưng do phòng hẹp quá nên đành chịu”.

Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc, do là nơi tập trung dân cư đông đúc nên nguy cơ cháy nổ ở đô thị rất cao. “Phần lớn hệ thống điện ở các gia đình đều do người dân tự thiết kế. Kiểm tra 10 hộ thì có đến 5 hộ câu mắc điện không theo tiêu chuẩn quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn...”.

Theo quy chuẩn, ổ điện phải cách mặt đất 1,5- 2m, bếp phải được bố trí cách tường ít nhất 0,5m, nồi cơm điện cách bếp 1- 2m, xe máy không để gần bếp nấu ăn…

Cần nâng cao kiến thức về PCCC

Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc, một phần do người ở đô thị thường tất bật với công việc nên ít có thời gian quan tâm vấn đề phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, cũng có không ít người còn lơ là, chủ quan.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao kiến thức về PCCC là hết sức cần thiết để người dân thấy được nguy cơ, nguyên nhân và tác hại do cháy gây ra để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa. Về góc độ gia đình, cần lưu ý những ngọn lửa trần, nhất là nhà có trẻ nhỏ bởi đôi khi sự vô tư của trẻ cũng dẫn đến hậu quả khôn lường.


Cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn về công tác PCCC cho người dân.

Mặt khác, cần quan tâm đến khoảng cách an toàn của nơi thờ cúng, tín ngưỡng: cách ly những vật dễ cháy, dẫn nhiệt ra khỏi nơi có nguồn lửa. Thói quen hút thuốc lá cũng là mối đe dọa: nhiều người hút thuốc quăng tàn bừa bãi, lại không dập tắt lửa cũng dẫn đến cháy nổ. Bếp ăn gia đình cũng cần được lưu ý…

Ông nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, mỗi người cần có trong tay số điện thoại của cơ quan điện lực nơi gần nhất để khi có sự cố thì “alo” để họ cô lập hệ thống điện. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần kiểm soát và quản lý chặt chẽ các thiết bị sử dụng điện và phát nhiệt trong nhà để có biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra sự cố.

Nhà ở tầng 3 Khu chung cư Phạm Thái Bường (Phường 4), cô Nguyễn Mai Liên rất chú trọng việc PCCC. “Hàng năm, Trung tâm Phát triển nhà đều có tổ chức kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCCC giúp người dân nâng cao ý thức và chấp hành các quy định, có thể vận dụng thực tế nếu có sự cố. Do đó, chúng tôi an tâm hơn”- cô nói.

Anh Nguyễn Văn Bé Ba- bảo vệ Khu chung cư lô 5 cho hay: “Ở mỗi lô có thành lập đội PCCC riêng với 12 người và mỗi nhà đều tự trang bị 1 bình chữa cháy. Hiện tại chúng tôi đã triển khai hệ thống đèn chiếu sáng tự động để khi có sự cố, người dân có thể di chuyển an toàn”.

Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc cho biết thêm, do các cấp lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức nên rất khó xây dựng lực lượng tại chỗ ở các khu dân cư (mỗi khóm là 1 khu dân cư). Ở các khu chung cư thì thuận lợi hơn, vì có đầu mối, có lực lượng và trang bị PCCC đầy đủ.

PCCC là trách nhiệm không của riêng ai. Để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về công tác PCCC, những biện pháp, cách thức chữa cháy kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân trong PCCC, tránh để trường hợp đáng tiếc xảy ra do người dân thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin.

 

Cần có đội PCCC cho thành phố

Theo ông Lê Phú Quới- Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Vĩnh Long, công ty hiện có 68 đơn vị trực thuộc, bao gồm: 60 cửa hàng xăng dầu, 1 kho xăng dầu (sức chứa 1.610m3), 6 cửa hàng kinh doanh gas và dầu mỡ nhờn, 1 cửa hàng kinh doanh thiết bị xăng dầu.

Trong đó Kho xăng dầu Vĩnh Long (đường Trần Phú- Phường 4) là nguy cơ lớn nhất. Kho này được đầu tư từ năm 1957, đến nay chưa được duy tu, bảo dưỡng. Bồn ngầm, công nghệ, điện cũng đi ngầm. Đến mùa nước nổi, mặt bằng của kho chìm dưới mặt nước 5 tấc, toàn bộ hệ thống điện đi dưới mặt nước nên nguy cơ cháy nổ rất lớn. Xăng dầu chứa đầy trong bồn, nếu bồn bị thủng tràn ra sông Long Hồ thì không thể diễn tả được. Từ năm 2004 đến nay, công ty đã phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh xây dựng phương án di dời ra khỏi trung tâm thành phố nhưng đến nay chưa tìm được địa điểm.

Để góp phần đảm bảo an toàn PCCC cho thành phố, ông kiến nghị cần xem xét đầu tư đội PCCC cho thành phố, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp…


 Bài, ảnh: NAM ANH- THẢO NGUYÊN