Trang viết xanh

Giá trị của lao động chân chính

Cập nhật, 20:54, Thứ Sáu, 24/04/2020 (GMT+7)

Tay nâng niu mấy tờ tiền kiếm được từ việc đi làm thêm mà nhỏ không khỏi bồi hồi vì nhỏ thấy mình nay đã trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.

Nhỏ bắt đầu cuộc sống tự lập bằng nghề dạy thêm. Quyết định này của nhỏ trở nên rất “khác thường” với gia đình và bạn bè. Vì chỉ cách đây vài tuần thôi, nhỏ còn xin cha mẹ tiền chi tiêu, tiền học chứng chỉ tiếng Anh, tin học, mua giáo trình,…

Làm gia sư đối với nhỏ là công việc có hơi… quá sức, vì trước giờ nhỏ chưa từng nghĩ rằng mình sẽ đi làm thêm. Bấy lâu nay, nhỏ quen sống trong sự bảo bọc, che chở của gia đình nên hễ có việc khó khăn xíu là nhỏ liền dựa dẫm vào cha mẹ.

Dù biết cuộc sống nhà mình còn chật vật, thiếu trước hụt sau nhưng nhỏ chưa từng đụng móng tay vào bất cứ việc gì để đỡ đần phụ cha mẹ. Dù đó là những việc đơn giản như quét nhà, rửa chén, nấu ăn,…

Thế nhưng, có lần nhỏ vào chỗ làm của cha để xin tiền, khi thấy cha đang còng lưng gánh hồ để những người thợ kịp xây nhà thì tim nhỏ bỗng dưng thắt lại. Nhỏ nhận ra rằng, mình đang xài tiền bằng chính mồ hôi, có khi là nước mắt của cha. Rồi cha đổ bệnh do phải làm việc quá sức.

Chén cơm của gia đình, chi phí sinh hoạt rồi cả những khoản tiền cho nhỏ trang trải việc học tập đều đổ lên đôi vai gầy gò của mẹ. Mẹ phải bươn chải nhiều hơn. Và nhỏ cảm thấy rất hối hận… Nhỏ bắt đầu phụ mẹ làm việc nhà, học nấu ăn rồi đến tiêu xài tiền tiết kiệm hơn.

Thế nhưng nhỏ vẫn chưa mảy may tìm việc làm thêm cho đến khi nhỏ bắt gặp những giọt mồ hôi mặn chát lăn dài trên khuôn mặt sạm đi vì nắng của mẹ và ánh mắt đượm buồn của cha vì gánh nặng mưu sinh…

Rồi nhỏ đi làm gia sư, phục vụ nhà hàng, tiếp thị sản phẩm, phát tờ rơi,… Dù số tiền lương làm được cũng chẳng nhiều nhưng với nhỏ là vô giá.

Vì nhờ những đồng tiền ấy mà nhỏ có thể san sẻ phần nào nỗi nhọc nhằn của cha mẹ. Nhờ nó mà nhỏ biết yêu lao động và hiểu được giá trị của đồng tiền chân chính do chính mình làm ra...

PHƯƠNG VY