Về quê!

Cập nhật, 05:49, Chủ Nhật, 12/04/2020 (GMT+7)

 

Về quê ấm áp tình, lại có không gian thoáng đãng, phù hợp với việc không ra khỏi nhà trong khoảng thời gian này.
Về quê ấm áp tình, lại có không gian thoáng đãng, phù hợp với việc không ra khỏi nhà trong khoảng thời gian này.

Về quê là một phần không thể thiếu của những người dân Việt Nam rời quê học tập, làm ăn, lập nghiệp. Những cuộc trở về dịp lễ, tết, giỗ chạp nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm, tinh thần quan trọng của mỗi người.

Những ngày đại dịch COVID- 19 bùng phát, những cuộc trở về mang thêm ý nghĩa mới và tùy vào hoàn cảnh, điều kiện mà mỗi người có cách ứng xử với việc trở về khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế từng người, từng nơi và từng thời điểm.

1.

Khác với phương Tây, trong căn nhà truyền thống người Việt Nam luôn có bàn thờ. Nhà nghèo quá tuềnh toàng dột nát thế nào thì cũng kê cái bàn hoặc treo cái trang thờ, có bát hương thắp nhang, vậy là luôn có sự tưởng nhớ, thông linh với ông bà, tổ tiên đã khuất.

Ở phương Tây, căn nhà là hiện tiền, là cái trước mắt; còn với dân ta, căn nhà là kết nối từ quá khứ đến hiện tại và có nhiệm vụ giữ mối liên kết cho các thế hệ mai sau.

Những người già trong ngôi nhà truyền thống, có nhiệm vụ như người kể chuyện; do đó mà lịch sử của dòng tộc không bị đứt đoạn dù cháu con có tản mác mấy phương trời. Ý nghĩa về quê của người dân Việt Nam nó thâm sâu, bao hàm đa tầng nghĩa về vật chất lẫn tinh thần.

Ông cha ta ngày xưa trong cuộc ly hương về phương Nam, thì mang theo nấm đất mà làm thành bát hương niệm tưởng đêm ngày. Căn nhà thờ tổ tiên là hình ảnh trước nhất về quê hương, quê hương thật là cảm động trong văn hóa Việt Nam, cả trong tâm tư suy nghĩ mọi người và nó mang ý nghĩa vừa cụ thể, vừa rộng lớn bao quát vô cùng.

Về quê, do vậy luôn luôn là nhu cầu hành hương không bao giờ ngừng nghỉ trong lòng những người con xa xứ, nó quan trọng lắm, da diết yêu thương lắm. Ngược lại, ông bà, cha mẹ nơi căn nhà quê vẫn không bao giờ nguôi ngóng chờ những người thân yêu quay về trong một dịp nào đó, một lúc nào đó.

Tiếng reo từ đầu ngõ, tiếng ơi ới và những bước chân vội ra sân, những hình ảnh đơn sơ mà đong đầy tình cảm yêu thương làm nên một tình quê rất đặc biệt trong lòng người dân Việt Nam. Ở góc độ khác, khi bước chân ra nước ngoài, khi tha hương định cư xứ người, thì lúc đó, ngôi nhà tổ tiên lại nằm trong ngôi nhà lớn hơn, thiêng liêng hơn, ngôi nhà có tên gọi là Tổ quốc.

Và dù là trí thức hay công nhân, giàu có hay nghèo hèn, nên khắc ghi trong tâm khảm một điều: có người từ bỏ quê hương, chớ quê hương bao giờ cũng ngóng trông, dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng đón những đứa con trở về, dù có thế nào, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Về quê! Hai tiếng êm đềm, da diết xiết bao.

2.

Trong giai đoạn đầu khi dịch COVID-19 mới bùng phát, Đảng, Chính phủ đã có quyết định táo bạo, tổ chức chuyến bay đến tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) đón công dân mình về nước.

Ai cũng hiểu tính chất đặc biệt của chuyến bay này, ở ý nghĩa khác chúng ta thấm thía xiết bao câu nói “nghĩa đồng bào” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tổ quốc như một ngôi nhà, dang tay, mở lòng đón những đứa con xa quê đang đối diện với hiểm nguy và bất chấp hiểm nguy, những chiến sĩ đặc biệt bay vào vùng dịch, đón công dân về với chốn bình yên.

Sau đó, những chuyến bay riêng chung do tổ chức, cá nhân tiếp tục đón những người thân, người dân đang mắc kẹt giữa vùng dịch bùng phát mạnh, trở về với “ngôi nhà Việt Nam”. Hành động đặc biệt, trong hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo, đủ nói lên tất cả, chúng ta cũng không cần phải chứng minh điều gì vì đó là bản chất, là phẩm giá truyền đời, ngàn đời của đất nước, con người Việt Nam.

Bắt đầu từ những ngày chưa có những chỉ thị của Chính phủ, ứng phó với dịch COVID- 19 theo từng cấp độ mà tăng dần lên ngày một quyết liệt hơn, từ dưới quê nhiều cụ ông, cụ bà, cha mẹ thường xuyên điện thoại hỏi thăm “tình hình mấy đứa sao rồi?”…

Cô Hai (Lê Thị Hà, 71 tuổi, ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu-Long Hồ) dạo này luôn kè kè cái điện thoại trong túi, ra rẫy, đi cắt cỏ bò, làm chuyện lặt vặt gì cũng bỏ nó trong túi. Nghe tin nước này, nước nọ sao ca nhiễm tăng nhiều quá, ca tử vong cao quá.

Những ngày giữa tháng 3/2020, cô Hai gọi điện kêu gia đình người con gái lớn đang đi làm trên TP Hồ Chí Minh, nên về quê đi. Mọi người nấn ná vì công việc, đến ngày 27/3/2020 khi có thông tin về chỉ thị của Thủ tướng, ngưng các dịch vụ, hàng quán đông người… cô Hai quyết liệt gọi các con cháu về quê liền.

Đến đầu tháng 4/2020, có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cả nhà lại làm cái hàng rào bao rộng cả khu vực đất vườn, nhà, bắt đầu hạn chế người vô ra không cần thiết. Con cháu về quê rồi, cô Hai cảm thấy rất yên tâm, quê nhà cửa tuềnh toàng vậy mà rộng rãi, thoáng mát, ruộng đồng gió lộng bát ngát, phù hợp những ngày “né dịch”.

Ở quê, gạo chất đống, ao cá, rẫy bề bề, nên cả nhà chấp hành lệnh “không ra khỏi nhà” một cách thoải mái.

Ông Mai Văn Quân (66 tuổi, xã Long Phước- Long Hồ), có 2 đứa con gái đều đang học tập và làm việc bên Nhật, người con gái lớn đã lập gia đình với người bản xứ công việc ổn định, thu nhập khá. Khi bên Nhật bắt đầu tăng nhanh số ca nhiễm, những người con gọi điện báo định về quê, đã đặt vé máy bay rồi.

Suy nghĩ đắn đó, nghe con về quê cha mẹ nào hổng mừng, nhưng rồi ông Quân “phán” một câu: “Đâu ở yên đó!” Ông nghĩ, Nhà nước mình đang gồng gánh quá nhiều khó khăn rồi, nước mình đâu có giàu có đầy đủ như những nước phát triển, thôi thì chấp nhận ở yên tại chỗ. Vậy là mấy người con hủy vé máy bay. Tùy hoàn cảnh, điều kiện, tùy thời điểm mọi người có ứng xử phù hợp và chấp hành những quy định để góp sức cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19.

Về quê, ấm áp, bình an. Đại dịch bùng lên, lại là dịp để chúng ta, để… người ta cùng soi rọi và cũng hiểu về quê hương Việt Nam nhiều hơn, hiểu về bản chất, phẩm giá con người Việt Nam. Về quê, được về nước trong hoàn cảnh này, nó mang ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp biết bao. Chúng ta không so sánh, nhưng chúng ta có “thang giá trị” của riêng mình, cái ý nghĩa ngôi nhà, quê hương trong mỗi người dân Việt Nam là cái riêng biệt, cái bản sắc của đất nước này.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG