Cuộc chiến trên sông và những chiến công huyền thoại

Kỳ cuối: Truy lùng băng cướp có 3 khẩu súng

Cập nhật, 05:52, Thứ Bảy, 28/03/2020 (GMT+7)

Với bùa hộ mệnh là 3 khẩu súng các loại, bọn cướp đã hoành hành một thời gian dài, gây ra nhiều vụ cướp táo bạo không kém những băng cướp đã sa lưới. Nhưng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng phá án đã khiến bọn chúng khuất phục và nối gót nhau vào nhà giam để rồi hầu tòa lãnh án.

Băng cướp bị bắt giữ vào năm 1984.
Băng cướp bị bắt giữ vào năm 1984.

Đó là băng cướp khét tiếng tàn ác, có 2 khẩu súng M16 cưa nòng, gồm 7 tên: Võ Văn Khẩn (tên thường gọi là Huấn, ngụ xã An Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Cửu Long) không nghề nghiệp, không biết chữ; Huỳnh Văn Thiếp (thường trú Quận 3, TP Hồ Chí Minh, ngụ xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Cửu Long), nghề nghiệp chạy xe đạp ôm; Phùng Chí Tường, Nguyễn Hữu Phú, cùng ngụ Phường 2, TX Vĩnh Long, bị tạm giam ngày 12/2/1983; Nguyễn Thị Kim Lanh (làm ruộng, ngụ xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Cửu Long); Phạm Văn Thoàn (ngụ xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Cửu Long); Võ Thị Bạch Lan (ngụ Phường 2, TX Vĩnh Long) có tiền án 15 năm tù về tội “cướp tài sản công dân” vào năm 1976. Băng nhóm này hoạt động dưới sự cầm đầu của 2 tướng cướp khét tiếng Võ Văn Khẩn và Huỳnh Văn Thiếp.

Công tác xác minh cho thấy, ngày 25/5/1981, Võ Văn Khẩn trốn trại cải tạo về huyện Long Hồ thăm gia đình và dò xét tình hình trong nhân dân để cướp tài sản.

Là một kẻ đã vào tù ra tội có nhiều kinh nghiệm đối phó với công an nên Võ Văn Khẩn được bọn đàn em tôn sùng và hăng hái đầu quân theo để cướp bóc.

Thêm vào đó, Huỳnh Văn Thiếp cũng là tên có nhiều “thành tích bất hảo” nên đã đồng hành cùng Khẩn và đồng bọn suốt hành trình cướp bóc trên sông nước Cửu Long mà đa phần các vụ cướp Khẩn và Thiếp đều giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu.

Khi đi cướp, Huỳnh Văn Thiếp giao cho Khẩn khẩu súng M16 cưa nòng, 1 dao lê và 1 chiếc xuồng. Sau khi qua An Bình (Long Hồ), Khẩn và Thiếp đột nhập vào nhà ông Trần Văn Ngàn (Năm Ghe) lúc 8 giờ tối.

Chĩa súng vào người ông Ngàn, Khẩn đanh giọng: “Chúng tôi là tổ chức phản cách mạng Liên Minh Đông Dương đến mượn xuồng để qua sông. Ông phải chấp hành mệnh lệnh. Nếu chống cự sẽ mất mạng”.

“Xuồng ở dưới mé sông, các ông cứ lấy”- ông Ngàn trả lời. Không quan tâm điều ông Ngàn vừa nói, chúng lập tức bịt mặt ông Ngàn, lục soát nhà lấy 1 khẩu súng M16 và 3 băng đạn.

Lúc này bà Nga- vợ ông Ngàn- chạy thoát. Sợ bại lộ, chúng bắn chết ông Ngàn, lục soát cướp một số nữ trang rồi nhanh chân tẩu thoát.

Trong khi lực lượng trinh sát hình sự Cửu Long cùng công an địa phương đang tích cực điều tra vụ án kinh hoàng trên thì khoảng 17 giờ ngày 8/6/1981, Thiếp bàn với Khẩn đi cướp nhà bà Võ Thị Ba ở Phường 3 (TX Vĩnh Long). Chúng mang theo 2 khẩu súng M16, dao lê và lựu đạn.

Rạng sáng 9/6, phố phường TX Vĩnh Long vẫn yên bình trong giấc ngủ, bỗng nghe chó sủa, bà Ba rọi đèn bước ra khỏi cửa thì chúng dùng súng khống chế dẫn vào nhà đóng cửa lại, bắt trói tất cả những người trong gia đình.

Thiếp canh giữ, Khẩn lục soát đến 8 giờ sáng lấy được một số nữ trang tính ra trên 1 lượng vàng, một số quần áo và trên 400đ tiền mặt.

Thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, nếu trời đã quá sáng mà bị kẹt thì chúng đóng giả người nhà, còn người nhà bị chúng trói thì bị nhét khăn vào miệng không kêu la được và chúng ép nằm trong buồng nên có ai đến cũng không thể phát hiện được hành vi của chúng.

Vụ cướp diễn ra từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng tại nhà bà Ba cho thấy thủ đoạn khá tinh ranh, rất liều mạng và lộng hành của bọn cướp.

Vụ cướp tại nhà ông Lý Đức Mỹ ở Phường 4 (TX Vĩnh Long) vào đêm 3/7/1981 càng làm nóng lên tình hình cướp có vũ khí trên vùng sông nước Cửu Long lúc bấy giờ. Trưa 3/7, Thiếp và Khẩn rủ Phùng Chí Tường, Nguyễn Hữu Phú đi cướp. Sau một hồi suy đi tính lại cùng đồng bọn, Thiếp quyết định mục tiêu là nhà ông Lý Đức Mỹ.

Khoảng 20 giờ, đồng bọn dùng xe chở Thiếp và Khẩn đến nơi rồi đứng ngoài canh, Khẩn và Thiếp vào nhà xưng là công an phường, dùng súng uy hiếp trói những người trong nhà rồi lục soát cướp 5 chiếc nhẫn, 4 sợi dây chuyền và một số nữ trang tổng trị giá khoảng 1 lượng vàng và một số tài sản khác.

Sau vụ này, do ăn chia không đồng đều, Thiếp và Khẩn mâu thuẫn không hợp tác nữa. Khẩn dùng tiền bán tài sản cướp được mua ghe và cưới vợ là Võ Thị Bạch Lan, sống trên sông để tiếp tục đi cướp.

Với kinh nghiệm giang hồ cướp bóc, Khẩn chẳng mấy khó khăn khi khống chế các gia đình thuyền nhân để cướp tài sản.

Khẩn và đồng bọn đã hoành hành cướp bóc trên sông nước Cửu Long liên tục suốt nhiều tháng liền, gây bao nỗi kinh hoàng cho người dân sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên sông. Đêm tháng 10/1981, sau buổi chiều điều nghiên thăm dò, tối đến Khẩn đánh cắp khẩu súng AK của một ghe đậu gần ghe mình.

Có thêm súng, Khẩn tổ chức cướp bóc dữ dội hơn. Chúng làm tê liệt mọi sự kháng cự của các nạn nhân. Ngày 26/11/1981, Khẩn gặp Phạm Văn Thoàn là kẻ đào ngũ từ Campuchia về liền rủ gia nhập, Thoàn không ngần ngại đầu quân.

Sau khi bàn bạc, ngày hôm sau, Khẩn và Thoàn quyết định đánh cướp nhà chị Sa. Khẩn và Thoàn được Lan chèo xuồng đưa đến nhà chị Sa nhưng gặp nhà có bộ đội nên chúng đành rút lui.

Biết rõ chúng là những tên cướp, chị Sa đi báo cáo công an. Lực lượng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Cửu Long cùng Công an TX Vĩnh Long khẩn trương truy lùng bọn cướp nhưng sông nước mênh mông với kinh rạch chằng chịt đã vô tình chở che cho chúng lẩn trốn.

Tuy nhiên hành tung bọn chúng vẫn trong vòng kiểm soát của lực lượng trinh sát. Tiếp tục theo dõi di biến động của chúng, gần một tháng sau, ngày 2/12/1981, trinh sát đã bắt được tên Thoàn khi hắn vừa dưới ghe bước lên bờ vào chợ.

Từ lời khai của tên Thoàn và tin tức có được, lực lượng phá án đã tích cực xác minh, săn lùng tên cầm đầu Võ Văn Khẩn.

Tuy sông nước mênh mông, kinh, rạch chằng chịt, chúng lẩn trốn như chạch, song với các biện pháp nghiệp vụ sắc bén và dựa vào quần chúng nhân dân, lực lượng trinh sát đã lần ra tung tích Võ Văn Khẩn.

Chập choạng tối cuối tuần, chiếc xuồng của các tay thương hồ áp sát chiếc xuồng có tên Khẩn đang ẩn trốn. Khi các thương hồ hỏi chuyện làm ăn, Khẩn thoáng chút nghi ngờ.

Nhưng đã quá muộn để hắn tẩu thoát bởi 3 nòng súng của các thương hồ bất ngờ chĩa vào người. Khẩn đành thúc thủ, tra tay vào còng.

Còn Huỳnh Văn Thiếp vẫn tiếp tục cùng Nguyễn Hữu Phú, Phùng Chí Tường đi cướp. Ngày 29/10/1981, Tường dùng xe đạp chở Phú và Thiếp mang theo 2 khẩu súng M16, 2 quả lựu đạn và 1 dao lê đến nhà anh Mã Đức. Thiếp cầm súng vào cửa trước, Phú cầm súng vào cửa sau.

Cả hai khống chế, bắt trói tất cả những người trong nhà, lục soát cướp lấy một số nữ trang trị giá trên 2 lượng vàng, 5.000đ, 1 tivi, 1 máy cassette, một số vải vóc và quần áo.

Kiên quyết tấn công tội phạm với quyết tâm cao độ và các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Ban chuyên án đã tiến hành cuộc truy lùng bọn cướp trong suốt 4 tháng trời ròng rã và đưa chúng vào nhà giam vào đầu năm 1984, trong đó có tên cầm đầu thứ hai là Huỳnh Văn Thiếp.

Ngày 27/6/1984, Tòa án Nhân dân tỉnh Cửu Long tuyên án tử hình 2 tên Võ Văn Khẩn, Huỳnh Văn Thiếp về tội “giết người, cướp tài sản công dân”. Phùng Chí Tường 13 năm tù. Nguyễn Hữu Phú 8 năm tù, Nguyễn Thị Kim Lanh 5 năm tù, Phạm Văn Thoàn 2 năm tù, Võ Thị Bạch Lan 1 năm tù (cho hưởng án treo).

Những băng cướp có vũ khí hoạt động tội phạm một cách điên cuồng, liều lĩnh và tàn ác đã bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc. Lực lượng Công an tỉnh Cửu Long đã lập thêm một chiến công đặc biệt xuất sắc lúc bấy giờ.

Bài, ảnh: THANH NGHỊ