Những pháo thủ bất đắc dĩ!

Cập nhật, 09:58, Chủ Nhật, 19/08/2018 (GMT+7)

Hơn 3 năm trước, tôi về dự mít tinh kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó (9/1/1975- 9/1/2015). Tôi rất vui vì có dịp gặp lại những đồng đội tham chiến trận đánh này. Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà đã 40 năm!

Anh Châu Văn Một (bên trái) và anh Nguyễn Văn Hải.
Anh Châu Văn Một (bên trái) và anh Nguyễn Văn Hải.

Năm 1975, thế và lực ta ở chiến trường Vĩnh Long- Trà Vinh phát triển rất mạnh. Để phối hợp với chiến trường chung toàn Quân khu và cả nước, Trung đoàn 3- Quân khu 9 được giao nhiệm vụ tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó, sau đó trụ lại đánh quân đến tăng viện nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng.

Trận đánh diễn ra gay go, ác liệt, ta và địch giằng co với nhau, phải tốn thời gian 2 ngày đêm ta mới tiêu diệt hoàn toàn Yếu khu Thầy Phó. Trong trận đánh này, ấn tượng nhất là ta thu được 2 khẩu pháo 105 ly, lại dùng pháo địch đánh địch.

Trước giờ mít tinh, trong đám đông người dự lễ, tôi cố tìm các anh ở Đại đội 57- Tiểu đoàn 306 đã trực tiếp dùng pháo địch đánh địch năm xưa. May quá, tôi gặp được anh Nguyễn Văn Hải (Tư Hải)- nguyên là chiến sĩ Đại đội 57. Anh hồ hởi kể lại diễn biến của trận đánh cho tôi nghe:

- Mũi chủ công của Đại đội 57 do anh Trần Văn Mừng (Hai Chơn)- Chính trị viên trưởng- chỉ huy đánh chiếm được khu pháo binh, thu được 2 khẩu pháo 105 ly, bắt sống được tên Trung úy Hùng, chỉ huy pháo binh. Lúc đầu, Trung úy Hùng chỉ khai là lính; nhưng khi bộ đội ta tìm gặp tấm ảnh hắn mang lon trung úy thì hắn mới chịu nhận mình là chỉ huy pháo binh.

Trời vừa sáng, pháo 105 ly từ Chi khu Cầu Kè bắn vào xung quanh Yếu khu Thầy Phó, đạn rơi gần vào các khu vực ta chiếm giữ. Chúng tôi nhận được lệnh cấp trên dùng pháo vừa thu được quay nòng bắn vào trận địa pháo Cầu Kè của địch.

Anh Hai Chơn làm công tác tư tưởng, nói rõ chính sách khoan hồng của cách mạng với tù hàng binh biết lập công chuộc tội, nên Trung úy Hùng đã hướng dẫn và cùng bộ đội ta bắn kiềm chế Chi khu Cầu Kè. Lúc đó, do không tìm được bảng bắn nên bắn không chính xác, đạn chỉ rơi gần chi khu, song đã làm cho bọn địch ở Chi khu Cầu Kè và các đồn xung quanh hoang mang khiếp sợ.

Trận địa tại Sở Chỉ huy Yếu khu, Đại đội 59- Tiểu đoàn 306 và một số đồng chí Tiểu đoàn 310 vào tăng cường do anh Ba Bánh chỉ huy đã chiếm được lô cốt 1 và 3;

nhưng không chiếm giữ được nhà Sở Chỉ huy Yếu khu do vướng nhiều chướng ngại vật và nhà làm bằng bê tông kiên cố, trong khi ta hết đạn B40, B41, pháo dù thì không phát huy được. Bọn địch ở đây chống trả quyết liệt và tổ chức nhiều đợt phản kích. Nếu để kéo dài thời gian sẽ rất bất lợi cho ta.

Trung đoàn trưởng điện cho bộ đội đang chiếm giữ ở đó lùi hết ra bờ tường phía Tây của Sở Chỉ huy Yếu khu tìm nơi ẩn nấp; đồng thời ra lệnh cho hạ nòng pháo 105 ly xuống bắn hủy diệt lô cốt, công sự, nhà Sở Chỉ huy Yếu khu để chi viện cho bộ đội ta đánh chiếm mục tiêu này.

Nhận được lệnh trên, anh Hai Chơn bảo Trung úy Hùng bắn trực xạ vào Sở Chỉ huy Yếu khu. Song, hắn không chịu bắn với lý do: khẩu pháo đã bị xẹp 1 bánh xe nên bị nghiêng qua một bên, nòng pháo quá dơ do cát bụi nên sợ đạn nổ tại nòng, sợ vướng bờ tường đất, dây thép gai trước mặt.

Tôi cắt ngang lời anh Tư Hải, hỏi:

- Sao mình không sử dụng khẩu pháo còn nguyên để bắn mà lại sử dụng khẩu pháo bị xẹp bánh?

Anh Tư Hải nói tiếp:

- Vị trí khẩu pháo còn nguyên thì vướng dãy nhà kho đạn nên không thể bắn qua Sở Chỉ huy Yếu khu được. Còn khẩu pháo xẹp bánh thì không bị vướng dãy nhà. Lúc đó, anh Hai Chơn quyết định phải bắn cho bằng được để chi viện cho đơn vị bạn.

Anh cùng 5-6 anh em chúng tôi khiêng càng pháo để quay nòng về hướng Sở Chỉ huy Yếu khu. Khi ngắm bắn, tôi ngắm nòng chớ không có máy ngắm.

Bên Sở Chỉ huy Yếu khu có cây ăng ten, tôi ngắm vào đó rồi quay hạ nòng xuống, không thấy vướng bờ tường đất và dây thép gai của khu pháo binh trong đường ngắm. Tôi báo cáo với anh Hai Chơn là đã ngắm xong.

Anh Trần Văn Mừng (Hai Chơn).
Anh Trần Văn Mừng (Hai Chơn).

Anh Hai Chơn bảo anh Châu Văn Một nạp đạn. Anh Một thấy trong vỏ đạn quá nhiều thuốc tống mới quay lại hỏi Trung úy Hùng là bắn liều mấy? Trung úy Hùng trả lời là lấy hết thuốc tống ra, chỉ chừa lại một gói trong vỏ đạn.

Đạn đã nạp xong, anh Hai Chơn cho Trung úy Hùng và bộ đội vào các lô cốt ẩn nấp, giao tôi giật cò súng và chỉnh pháo, anh Một nạp đạn, còn anh ở cách khẩu pháo khoảng 3m chỉ huy tôi bắn (Nếu lúc đó đạn nổ tại nòng thì cả 3 chúng tôi đều hy sinh cả).

Chúng tôi bắn nhiều phát đạn đều trúng đích, hủy diệt được Sở Chỉ huy Yếu khu. Chúng tôi được lệnh thôi bắn, bộ đội ta xung phong lên đánh chiếm được mục tiêu.

Sau khi chúng tôi bắn xong thì Trung úy Hùng lắc đầu le lưỡi nói “mấy ông gan thiệt!” Chúng tôi nhận được lệnh bắn vào khu vực Hội đồng xã và Nhà máy đèn, nhưng vì mục tiêu bị che khuất nên không bắn được!

Trong lúc anh Tư Hải kể chuyện thì anh Một cũng đã đến ngồi bên cạnh góp chuyện. Các anh đều rất tự hào về thành tích của đơn vị, nhưng rất khiêm tốn khi nói về thành tích của mình.

Các anh nói là người lính ở chiến trường phải chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của chỉ huy, cho dù phải hy sinh tính mạng cũng phải làm. Các anh bùi ngùi xúc động nhắc tên những đồng đội đã hy sinh ngày hôm ấy. Sau cuộc mít tinh, tôi đã tìm gặp được anh Hai Chơn và chụp ảnh các anh.

Tôi gọi các anh là “Những pháo thủ bất đắc dĩ”. Các anh và những người xung quanh đều cười vui, tán đồng, nói danh hiệu này nghe hay đấy!

Bài, ảnh: TRUNG NGÔN