Mấy suy nghĩ về Giải báo chí viết về ĐBSCL 2016

Cập nhật, 18:16, Chủ Nhật, 01/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016, đánh dấu sự kiện quan trọng của báo chí khu vực, khi Hội Nhà báo Việt Nam, BCĐ Tây Nam Bộ đã khai sinh ra Giải báo chí viết về ĐBSCL. Đây là sự mong mỏi, chờ đợi từ lâu của những người làm nghề trên địa bàn Tây Nam Bộ này.

Phóng viên Hà Ngọc Trảng (Báo Vĩnh Long) chụp ảnh lưu niệm với má Sáu ở Hòn Chuối, trong chuyến công tác biển đảo Tây Nam.Ảnh: HÀ NGỌC
Phóng viên Hà Ngọc Trảng (Báo Vĩnh Long) chụp ảnh lưu niệm với má Sáu ở Hòn Chuối, trong chuyến công tác biển đảo Tây Nam.Ảnh: HÀ NGỌC

Giải báo chí khu vực ra đời, là cơ hội để lực lượng cầm bút trên mặt trận báo chí “điểm danh” thường niên, cùng gặp gỡ trao đổi, giao lưu, gắn bó thân tình hơn. Như tất cả anh em đồng nghiệp, chúng tôi thật sự vui mừng, hơn thế còn là niềm vinh dự lớn khi đạt được giải nhất trong lần tổ chức đầu tiên.

Đối với riêng tác phẩm đạt giải của chúng tôi lần này- “Tư duy đột phá cho nông thôn mới ĐBSCL”- chính là nhiệm vụ thường trực, thường xuyên đồng thời cũng là sự tích lũy của một quá trình dài gắn bó, trăn trở về một đề tài quan trọng trên báo Đảng đó là vấn đề nông thôn mới.

Báo Vĩnh Long có một chuyên trang vào mỗi thứ tư hàng tuần về nông thôn mới, trong đó có một bài viết chính và một chuyên mục nhỏ về câu chuyện nông thôn. Nhằm phản ánh trực tiếp, trực diện cái được, cái chưa được trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thêm nữa, chúng tôi có may mắn là Ban biên tập Báo Vĩnh Long luôn khuyến khích anh em phóng viên quan tâm, thực hiện những đề tài ở khu vực ngoài địa bàn của tỉnh nhà. Do đó, chúng tôi luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện những chuyến công tác dài hơi cho những đề tài chất lượng cao hàng năm.

Trong năm, phóng viên Báo Vĩnh Long thường xuyên đi công tác ngoài tỉnh, có những chuyến đi hàng chục ngày ra miền Trung, miền Bắc, vùng biên giới, biển đảo... Bài đạt giải kỳ này cũng vậy, đó là sự tích lũy, kết tinh của cả một quá trình dài gắn bó với đề tài qua nhiều năm, cùng với những chuyến công tác gần đây khắp các tỉnh đồng bằng.

Đó là quá trình trăn trở, cảm hứng và tích lũy nguồn tư liệu từ những chuyến đi thực hiện các loạt phóng sự nhiều kỳ khác. Đó là chuyến đi biển đảo Tây Nam cùng rất nhiều lần trở lại thăm các đảo, quần đảo ở khu vực này. Chuyến đi về các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang cùng các anh em đồng nghiệp ở địa phương.

Những ngày lang thang ở rốn phèn Đồng Tháp Mười hay hành trình ngược từ ngoài cửa biển dọc theo dòng kinh T5 xuyên qua vùng tứ giác Long Xuyên. Những chuyến đi dọc theo địa bàn các huyện duyên hải của Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay về vùng biên giới dọc theo địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, An Giang...

Chúng tôi cảm ơn những chuyến đi, cám ơn đồng nghiệp, người dân đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Đặc biệt, cảm ơn thực tế ngồn ngộn và mang ơn những chất liệu sống- đó là những người dân ở mỗi nơi mà chúng tôi đã tới. Chúng tôi chỉ là người ghi chép lại chân thật cuộc sống đang diễn ra ở nông thôn của bà con nông dân mình mà thôi.

Nếu còn điều gì đáng tiếc đó là còn quá nhiều vấn đề, quá nhiều tư liệu và nhân vật mà chúng tôi chưa thể đưa vào hết vào các bài báo. Ngoài ra là cảm giác mắc nợ với bà con, mắc nợ với cánh đồng do có nhiều lúc vì khả năng có hạn, nên chưa thể chuyển tải hết được thực tế sinh động đang diễn ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở miền Tây Nam Bộ chúng ta.

Một vấn đề nữa chúng tôi luôn suy nghĩ từ nhiều năm nay, là sau xây dựng nông thôn mới sẽ là nông thôn… gì? Đó cũng là cách đặt ngược vấn đề để chúng tôi không ngừng trăn trở, đào sâu để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng.

Thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho đội ngũ làm báo chúng ta. Đặc biệt, là sự thôi thúc từ bên trong, sự thôi thúc không ngừng nghỉ để chúng tôi tiếp tục những chuyến đi để trả nợ cánh đồng, trả nợ với bà con nông dân mình.

Mong sao Giải báo chí viết về ĐBSCL sẽ trở thành ngày hội lớn, ngày vui lớn và có chất lượng chuyên môn cao nhất, đối với đội ngũ làm báo ở ĐBSCL.

  • ™NGỌC TRẢNG